CPI có phản ánh đúng diễn biến thị trường?
13:55' 15/12/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trong khi nhiều mặt hàng đang tăng giá thì mức tăng Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 lại là 0%, tháng 11 là 0,2%.  Chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam được tính toán như thế nào? VietNamNet đã có trao đổi với TS.Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê. 

Soạn: AM 220225 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

TS Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê.

- Thưa ông, trong khi từ người tiêu dùng đến các DN đều đang ''kêu trời'' về sự tăng giá của các mặt hàng, thì mức tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được Tổng Cục Thống kê đưa ra trong tháng 10 chỉ là 0% còn trong tháng 11 là 0,2%. Ông có thể lý giải về điều này?

- CPI là một chỉ số đã được nghiên cứu rất kỹ về phương pháp tính, phương pháp tổ chức, thu thập thông tin. Chúng tôi có một mạng lưới thu thập thông tin ở 64 tỉnh, thành trên cả nước để báo giá từ cơ sở hàng tháng. Một tháng 3 lần điều tra viên cho CPI đến từng địa điểm cụ thể thu thập về giá cả các loại hàng hóa và phản ảnh ngay các biến động về Tổng Cục Thống kê, không để thông tin lạc hậu. 

Về cơ cấu tiêu dùng của dân cư được phản ánh trong ''rổ'' hàng hóa đã được định vị bằng tất cả hàng hoá thiết yếu. CPI được thu thập từ giá mà mỗi người tiêu dùng bình thường phải trả cho  mặt hàng thiết yếu đó chứ không phải từ phía các nhà buôn, hoặc các chỉ số giá không phục vụ đời sống. 

Mặt khác, CPI được tổng hợp trên cơ sở cơ cấu hàng hóa thực tế người dân tiêu dùng ở các địa bàn trên cả nước. Vì vậy, tôi khẳng định, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong hai tháng 10 và 11 vừa qua do Tổng Cục Thống kê đưa ra là hoàn toàn có căn cứ. 

Đương nhiên, cũng có những mặt hàng có mức tăng giá đột biến nhưng đó chỉ là phản ảnh cá lẻ của từng loại hàng hóa chứ không phản ảnh mặt bằng chung của toàn xã hội. 

- CPI là một chỉ số  có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp Nhà nước đưa ra các quyết sách bình ổn thị trường và ảnh hưởng không nhỏ tới việc tính toán tăng trưởng GDP cũng như  các chiến lược phát triển dài hạn khác. Ông có thể cho biết về cách thu thập thông tin cho CPI của Việt Nam mà Tổng Cục Thống kê đang tiến hành?

Soạn: AM 220227 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Giá các mặt hàng thực phẩm đang tiếp tục tăng do nhu cầu cuối năm.

- Tổng Cục Thống kê có một phương án hướng dẫn rất kỹ lưỡng về phương pháp thu thập số liệu giá cả cho  các tỉnh, thành phố và các điều tra viên trong cả nước. Mỗi điều tra viên được tập huấn một cách kỹ càng và được trả một khoản tiền hàng tháng để làm công việc này. Mỗi điều tra viên trên một địa bàn cũng chỉ phụ trách một vài mặt hàng nhất định để đảm bảo độ tin cậy của thông tin. 

Định kỳ hàng tháng, những điều tra viên này sẽ tiến hành 3 lần thu thập thông tin. Mỗi lần đó họ phải thu thập tất cả thông tin về mặt hàng, ví dụ như khi đến một chợ nào đó, họ phải hỏi toàn bộ người bán mặt hàng nhất định, sau đó phải khảo sát giá từ một số lượng lớn người mua. Trên cơ sở đó, họ mới tính bình quân thành đơn giá bán lẻ cho mặt hàng đó. 

Bước tiếp theo, những điều tra viên này sẽ nhập tin rồi truyền toàn bộ về Tổng cục thống kê để xử lý bằng một chương trình thống nhất, trong đó, tất cả các yếu tố đột biến đều bị loại trừ. Trên cơ sở cơ cấu tiêu dùng và giá được thu thập từ địa phương, Tổng Cục Thống kê sẽ đưa ra chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng, thường công bố vào ngày 20-22 mỗi tháng. 

Hệ thống thu thập thông tin này vẫn đang được chúng tôi đổi mới liên tục cho phù hợp với tình hình hiện nay. Mặt khác, phương pháp thu thập, xử lý đã được chuẩn hóa của quốc tế, được quốc tế thừa nhận chứ không phải chúng tôi tự nghĩ ra.  

- Tuy nhiên, 10 nhóm hàng được đưa vào danh sách thu thập thông tin của ''rổ'' hàng hóa tính CPI lại chỉ đánh giá được khoảng 300 mặt hàng trên thị trường, đây có phải là một hạn chế của CPI?

Trên thực tế, 10 nhóm hàng hóa này là đã phản ánh khá đầy đủ những tiêu dùng bình thường của mỗi người dân, từ lương thực, thực phẩm; đồ uống, thuốc lá; may mặc, giày dép, mũ nón; nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; dược phẩm và y tế; phương tiện đi lại lại, bưu điện; giáo dục; văn hóa, thể thao, giải trí; các loại hàng hóa, dịch vụ khác. 

Những mặt hàng không thật thiết yếu thay đổi như ôtô, rượu đắt tiền, chi phí đi du lịch... thì Tổng Cục Thống kê chưa thu thập đưa vào chỉ số giá vì nó chưa phản ảnh nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của phần lớn xã hội. Có thể một số mặt hàng đẩy giá cao làm người dân cảm nhận là CPI chưa phản ánh đúng thực tế.  

- Theo ông, CPI trong những tháng cuối năm này sẽ tăng như thế nào?

- Theo tôi, CPI sẽ không có quá nhiều đột biến, nhưng nếu các cơ quan chức năng không làm tốt công tác điều hành thị trường thì sẽ có hiện tượng tăng giá cục bộ. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng cả năm dừng ở mức dưới 10% là điều chắc chắn. 

- Xin cảm ơn ông!

Theo Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2004 so với tháng 10/2004 tăng 0,2%, trong đó nhóm lương thực - thực phẩm ổn định (LT: tăng 0,7%; TP: giảm 0,3%),  nhóm đồ uống  - thuốc lá và nhóm văn hoá - thể thao giải trí ổn định, nhóm nhà ở vật liệu xây dựng tăng 0,5%; các nhóm còn lại có mức tăng từ  0,1%- 0,2%, riêng nhóm giáo dục giảm 0,3%; giá vàng tăng 3,2%. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng/2004 tăng 8,8% (11 tháng năm: 2002 tăng 3,7%; 2003 tăng 2,2%), trong đó lương thực - thực phẩm tăng 14,8%.

 

Dự báo tháng 12/2004, trong nước nhu cầu tiêu thụ nhiều mặt hàng sẽ tăng mạnh cùng với khối lượng tiền sẽ gia tăng trên thị trường (giải ngân vốn đầu tư tăng,  lương tháng 13, tiền thưởng cuối năm ) và ảnh hưởng của bão lũ; nhưng do nguồn cung hàng hóa trên thị trường luôn bảo đảm và các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá tiếp tục được thực hiện quyết liệt nên dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2004 chỉ tăng khoảng  0,5%. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2004 sẽ dưới hai con số là khả năng hiện thực. 

(Nguồn: Bộ Thương mại)

  • Phương Thanh
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Fed tăng lãi suất lên 2,25% (15/12/2004)
Sẽ đầu tư 112 triệu USD hiện đại hóa ngân hàng (15/12/2004)
Cổ phiếu đầu tiên... không niêm yết khi được cấp phép (15/12/2004)
Trung Quốc "tự xử" hàng dệt may xuất khẩu (15/12/2004)
Sẽ Luật hóa hoạt động bán hàng đa cấp (15/12/2004)
Vietnam Airlines tăng 380 chuyến bay trong dịp Tết (14/12/2004)
Giải quyết việc làm cho 35.000 thanh niên (14/12/2004)
Thanh tra DN bán hàng đa cấp đầu tiên (14/12/2004)
Techcombank triển khai phần mềm chuyển mạch và quản lý thẻ (14/12/2004)
Nhu cầu vốn cuối năm tăng cao (14/12/2004)
Giá vàng tăng lại (14/12/2004)
Nhiều lao động tự nguyện... không mua bảo hiểm (14/12/2004)
Luật DN: đường đã mở nhưng chưa rộng (14/12/2004)
Bay thẳng đến Mỹ khi Việt Nam vào WTO (14/12/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang