(VietNamNet) - ''Thẻ giả là vấn đề đau đầu nhất đối với các ngân hàng phát hành thẻ hiện nay", đó là khẳng định của bà Nguyễn Tú Anh - Trưởng phòng quản lý thẻ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB).
|
ACB hiện giữ số lượng thẻ đứng đầu các ngân hàng cổ phần nhưng cũng đã phát hiện không ít tội phạm liên quan đến thẻ. |
VCB hiện là nhà băng đứng đầu thị trường thẻ tín dụng quốc tế cũng như thẻ thanh toán và các dòng thẻ ATM tại Việt Nam. Tuy nhiên, như bà Tú Anh tiết lộ, rất nhiều các trường hợp gian lận thẻ thanh toán, thẻ tín dụng đã bị phát hiện và có thể nói tội phạm thẻ đã bắt đầu tấn công mạnh vào thị trường Việt Nam cùng với sự khởi sắc của thị trường thẻ.
Tội phạm thẻ - muôn hình vạn trạng
Bà Tú Anh cho biết: "Rất nhiều khách hàng dùng thẻ tín dụng quốc tế (Visa, MasterCard,...) chi tiêu tại Malaysia về đã bị làm thẻ giả và bị mất cắp tiền. VCB và một số ngân hàng khác như ACB, ANZ,... đã phải đổi lại thẻ cho khách hàng sau khi thanh toán tại Malaysia. Đã có lần VCB phát hiện khách nước ngoài mang thẻ giả vào Việt Nam chi tiêu.
Tại Việt Nam, mặc dù việc chi tiêu tương đối an toàn hơn, thế nhưng người tiêu dùng cũng phải lưu ý không cho mượn thẻ hoặc khi thanh toán bằng thẻ phải có sự giám sát. Đã có trường hợp nhân viên thu tiền của nơi bán hàng thông đồng với tội phạm cài thêm thiết bị lấy cắp dữ liệu thẻ vào máy chấp nhận thẻ của ngân hàng, từ đó copy dữ liệu thẻ của khách hàng trả tiền. Trường hợp này đã bị phát hiện và từ sau đó, VCB buộc phải niêm phong toàn bộ các máy chấp nhận thẻ để tránh tình trạng cài thêm thiết bị vào các máy chấp nhận thanh toán.
Nếu bạn vô tình để nam châm gần thẻ ATM có thể làm chiếc thẻ của bạn thành vô dụng. Nam châm có thể xóa đi các dữ liệu trên thẻ từ một cách dễ dàng. Điều này lý giải vì sao một vài khách hàng đến kêu ca với ngân hàng về việc thẻ tín dụng của họ tự nhiên mất hết thông tin và không giao dịch được. Đơn giản là họ đã vô tình để thẻ gần nam châm hoặc trong môi trường có sóng từ.
Nam châm có thể làm hỏng nhiều loại thẻ thanh toán vì hiện các loại thẻ ngân hàng đang sử dụng hầu hết là thẻ từ. |
Việc lấy cắp dữ liệu trên thẻ để làm thẻ giả rất đa dạng. Thậm chí dữ liệu còn có thể bị đánh cắp trên đường truyền từ đơn vị chấp nhận thẻ tức là nơi bán hàng hóa, dịch vụ về ngân hàng hoặc cả trên tổng đài điện thoại nơi ngân hàng phải thuê đường truyền (wire tapping). Khi đã mất cắp dữ liệu trên thẻ thì việc cho ra đời một thẻ giả chỉ còn là công đoạn thủ công mà thôi.
Ông Joseph Fong - đại diện của Công ty TSSI, thuộc tập đoàn APACS (một tổ chức của Thụy Điển chuyên cung cấp các giải pháp chống giả cho ngân hàng) cho biết, càng ngày các hình thức phạm tội thẻ thanh toán càng tinh vi với nhiều thủ đoạn. Một trong những cách phổ biến là chúng gắn camera trên các máy rút tiền và nhìn trộm các số PIN của người rút tiền, sau đó móc túi thẻ của người sử dụng và dùng số PIN đã ghi được để rút tiền.
Thủ đoạn khác là chúng đứng nhìn mã PIN qua vai người rút tiền và sau đó ăn cắp thẻ. Các ngân hàng cho biết, hình thức đơn giản này cũng không mới lạ gì ở Việt Nam.
Làm giả thẻ - dễ như chơi
Hiện nay, thẻ tín dụng được thanh toán qua các bước: chủ thẻ (người mua hàng hóa, dịch vụ) trả tiền cho người bán hàng, người bán hàng thông qua máy chấp nhận thẻ xuất hóa đơn để có chữ ký của người mua hàng và căn cứ trên đó để đòi tiền ngân hàng số tiền tương ứng. Sau đó, ngân hàng mới đòi tiền chủ thẻ. Với quy trình như vậy, trong trường hợp phát hiện giả mạo hoặc nghi ngờ, ngân hàng từ chối thanh toán cho người bán hàng thì chủ thẻ sẽ không mất tiền. Nhưng trong trường hợp không phát hiện ra, chủ thẻ là người bị thiệt, khi khiếu nại ngân hàng về số tiền phải trả thì ngân hàng chỉ có thể giúp đỡ bằng cách đòi lại tiền của người bán hàng, mà điều này không thể chắc chắn rằng ngân hàng sẽ đòi hộ được.
APACS cho biết, công nghệ làm thẻ phổ biến trên thế giới hiện nay là thẻ từ, tức là thẻ có một băng từ được gắn trên thẻ lưu trữ các số liệu khách hàng được mã hóa riêng. Nguyên tắc thanh toán là các máy chấp nhận thẻ (ATM hoặc các POS) sẽ đọc các dữ liệu này để nhận dạng khách hàng, từ đó chấp nhận thanh toán.
Tuy nhiên, chỉ cần với một thiết bị đơn giản gồm một bảng mạch điện từ, hai đầu đọc băng từ (tương tự như hai đầu đọc băng cassette) là có thể thực hiện việc sao chép thẻ. Ông Joseph Fong đã thực hiện cho chúng tôi thấy việc sao chép toàn bộ dữ liệu từ một thẻ tín dụng do ngân hàng phát hành sang một thẻ trắng (chưa có dữ liệu) một cách đơn giản. Chiếc thẻ trắng chỉ qua một thao tác đơn giản đã nhanh chóng trở thành thẻ ''xịn'' với toàn bộ số tiền của chủ thẻ kia. Theo ông Fong, thiết bị này có thể tự làm rất dễ hoặc mua ngay trên Internet chỉ với giá rất ''bèo'' (khoảng 25USD). Chính vì vậy, việc làm giả thẻ đã ngày càng phổ biến. Theo thống kê của APACS, số thẻ làm giả trên thế giới tính đến tháng 6 năm 2004 đã tăng tới 85% so với năm 2003, với thiệt hại lên đến 110 triệu USD.
Không chỉ thẻ từ, cả loại thẻ chip được coi là có tính bảo mật cao hơn vẫn dễ bị làm giả. Hiện tại Việt Nam, thẻ chip vừa được Ngân hàng Công thương (ICB) phát hành (Incombank Cashcard) nhưng theo APACS, với công nghệ "hộp đen" phân tích tín hiệu điện từ đầu vào và đầu ra là có thể làm được một thẻ chip tương tự. Nếu kiểm tra bằng mắt thẻ giả không thể bị phát hiện.
Ở Việt Nam, việc làm giả chip không xa lạ gì, nhất là đối với sim điện thoại (một dạng chip) thì việc bị làm giả không phải hiếm. Ông Joseph Fong cho biết, ngay cả MasterCard khi phát triển thẻ chip tại Thụy Điển vào năm 2001, vẫn kết hợp cả công nghệ thẻ từ (vừa có con chip, vừa có băng từ trên thẻ) để tăng tính bảo mật.
Mặc dù thẻ có thể bị làm giả nhưng theo các chuyên gia, dùng thẻ vẫn an toàn hơn rất nhiều so với dùng tiền mặt. Những trường hợp trên nêu ra là để khách hàng thận trọng hơn khi sử dụng thẻ nhưng không phải vì thế mà ngại chi tiêu bằng thẻ. Theo bà Tú Anh: ''Không phải ngẫu nhiên mà ở các nước phát triển, người dân vẫn tiêu dùng chính bằng thẻ. Việc chi tiêu bằng thẻ sẽ tiện lợi hơn rất nhiều so với tiền mặt, đặc biệt khi phải chi tiêu hoặc mang theo nhiều tiền cùng một lúc''.
Hiện trên thế giới có 3 hình thức chống giả dành cho ngân hàng:
Watermark: bảo vệ thẻ nhựa. Trong mỗi thẻ nhựa có 1 dãy số khác nhau và Watermark là lớp bảo vệ chống được sự tác động của các yếu tố bên ngoài khiến dãy số bị xáo trộn (hỏng dữ liệu). 15 năm qua các ngân hàng Thụy Điển đã sử dụng công nghệ này.
DeedMark: bảo vệ tài liệu giấy, sổ tiết kiệm bằng cách sử dụng áp lực của nhiệt độ đưa ''phôi'' (1 dãy số in trên từ) vào tờ giấy có in những nội dung bảo mật. Chỉ có một loại thiết bị riêng không thể làm giả mới đọc được các dữ liệu trong ''phôi''.
Q-Mark: bảo vệ tài liệu giấy và các giấy tờ có giá, văn bằng chứng chỉ, sổ tiết kiệm... bằng cách in một dải chì trên giấy. Dải chì có những số liệu không thể copy chỉ đọc được bằng máy chuyên dụng. |
|