(VietNamNet) - Phát triển được khu vực tư nhân sẽ thúc đẩy đầu tư tài chính, mang đến nguồn vốn con người và khả năng sáng tạo cho các doanh nhân, tạo ra nhiều việc làm và những cơ hội mới, tăng thu nhập xã hội...
|
Khu vực tư nhân đã đóng góp 49% GDP của Việt Nam. |
Tại hội thảo ''Kết quả đạt được trong phát triển khu vực tư nhân - Một cách tiếp cận chiến lược'' diễn ra hôm 10/11, của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các chuyên gia đã khẳng định phát triển kinh tế tư nhân là con đường hợp lý nhất để thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam cũng như sự phát triển của xã hội trong giai đoạn này.
Các nghiên cứu của ADB đã chỉ ra rằng, phát triển khu vực tư nhân sẽ mang lại hàng loạt những tích cực như: Thúc đẩy đầu tư tài chính (động lực của tăng trưởng); mang đến nguồn vốn con người và khả năng sáng tạo cho các doanh nhân; mở rộng các cơ sở thuế dành cho chi tiêu xã hội; tạo ra nhiều việc làm và những cơ hội mới; tăng thu nhập xã hội (do giá tiêu dùng sẽ giảm nếu nhiều đơn vị tham gia phân phối hàng hoá vào thị trường), tạo nên thị trường sôi động và có sức cạnh tranh hơn. Đó cũng chính là con đường thoát hẳn nghèo đói của Việt Nam.
Giám đốc ADB tại Việt Nam, ông Bradford Philips cho biết, nghiên cứu của ADB tại các nước trong khu vực cho thấy: Nếu có những chính sách phát triển kinh tế tư nhân một cách thích đáng sẽ góp phần hiệu quả vào việc giảm đói nghèo bởi khu vực này tập trung đông đảo lực lượng lao động lớn của xã hội. Ông này dẫn ra 1 thực tế : Philippines đã thành công trong việc phát triển kinh tế tư nhân bằng cách tự do hóa khu vực truyền thông để kích thích cạnh tranh và đầu tư vào các dịch vụ kinh doanh. Kết quả là sau 10 năm, số máy điện thoại cố định tăng 4 lần, số người sử dụng điện thoại di động tăng 55 lần và cước điện thoại trung bình giảm 20%...
Theo Bà Phạm Chi Lan, cố vấn Ban Nghiên cứu của Chính phủ, khu vực tư nhân đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam với 49% GDP, 27% tổng đầu tư và 27% công nghiệp sản xuất. Khu vực tư nhân đã tạo ra rất nhiều việc làm và những cơ hội mới; giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nhiều công nghiệp chế tạo và ngành nghề mới. Tuy nhiên, hiện nay phát triển khu vực tư nhân đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường kinh doanh, đồng thời gặp khó khăn trong việc tiếp cận những nguồn lực cần thiết như sử dụng đất; vay vốn trung và dài hạn; công nghệ và đào tạo...
Bà Lan cho biết, để phát triển khu vực tư nhân, Việt Nam có 5 mục tiêu: tăng cường cải cách, tạo yếu tố hài hòa trong nền kinh tế thị trường; phát triển nền kinh tế đa thành phần; hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt; xây dựng bộ máy Nhà nước lành mạnh, chống tham nhũng và quan liêu.
Ông Bradford Philips cũng khẳng định cam kết hỗ trợ mạnh mẽ của ADB cho việc phát triển khu vực tư nhân ở Việt Nam, đặc biệt trong phát triển chính sách. Hỗ trợ những mục tiêu này của Chính phủ Việt Nam, ADB vừa chính thức thông qua một khoản vay trị giá 80 triệu USD, đồng thời tăng cường các trợ giúp về kỹ thuật để tạo sức bật mới cho khu vực kinh tế tư nhân.
|