(VietNamNet) - Không còn là mới đối với các nước Âu châu, nhưng vẫn mới với VN, phương thức bán hàng trực tiếp không cần chi phí cho mặt bằng, cửa hàng cửa hiệu vốn đang là nỗi lo lớn cho tất cả các doanh nhân khởi nghiệp; cũng không mất chi phí quản lý nhân viên bán hàng nên giá hàng hóa vì thế rất có lý đối với người tiêu dùng, đặc biệt là trong lúc chỉ số giá tiêu dùng đang ngày càng tăng cao...
Bán hàng qua mạng giá sỉ
|
Modern mart đã chuẩn bị các xe chuyên dụng cùng 70 đến 100 nhân viên giao hàng ở các quận huyện tại TP.HCM. |
Đầu tháng 11 này, trong danh sách các siêu thị tại TP.HCM có thêm một siêu thị mới toanh là Modern Mart bắt đầu hoạt động. Theo nhận định của giới kinh doanh, sự xuất hiện của siêu thị bán hàng qua điện thoại và mạng internet này sẽ làm cho môi trường cạnh tranh siêu thị tại đây “nóng” lên từng ngày.
Modern Mart tuyên bố sẽ làm người tiêu dùng “bất ngờ” vì “giá bán lẻ đến người tiêu dùng bằng giá sỉ, khuyến mãi nhiều và hậu mãi tốt”. Từ tháng 8 đến nay, hơn 50 tư vấn viên của Công ty CP siêu thị hiện đại này đã tỏa đi khắp các hộ gia đình, hàng quán tại TP.HCM để mời làm thẻ hội viên siêu thị.
Chỉ cần làm thẻ hội viên, hàng tháng siêu thị sẽ gởi cẩm nang mua sắm đến nhà, các bà nội trợ chỉ việc ngắm nghía hàng trong cẩm nang và nhấn điện thoại, sẽ có nhân viên mang hàng đến tận nhà (không tính phí giao hàng). Với những người biết vào mạng internet, chỉ cần liên hệ qua mạng cũng sẽ được phục vụ tận nơi.
Nhiều người đã làm thẻ hội viên của Modern Mart cho hay, điều kiện làm thẻ rất đơn giản, không cần giấy phép kinh doanh (trước đây, Metro cũng có đội ngũ tư vấn viên mời làm thẻ mua hàng nhưng điều kiện là phải có giấy phép kinh doanh). Ngoài ra, hội viên được mua sắm sỉ (đối tượng là cửa hàng, hàng quán) hoặc mua lẻ đều có cách tính điểm, cộng điểm dồn để được tham gia các chương trình khuyến mãi. Theo Modern Mart, hiện công ty đã có hơn chục ngàn người đăng ký làm thẻ hội viên.
Hàng đến tay người dùng không tốn phí quản lý
Khác với phương thức bán hàng thời @ trên, một năm trở lại đây thị trường mỹ phẩm VN xuất hiện hình thức bán hàng trực tiếp đến tận tay người dùng thông qua những đại diện bán hàng độc lập (ĐDBHĐL).
Công ty không mở hệ thống cửa hàng hay phân phối hàng ra siêu thị, chợ bán lẻ. Những ĐDBHĐL vừa là khách hàng trực tiếp sử dụng sản phẩm, vừa là người tham gia trong hệ thống phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng khác. Họ được hưởng thu nhập khá cao từ doanh số bán hàng, với tỷ lệ hoa hồng 20-30% trên giá bán in công khai trên những cuốn Catalogue.
Từ những ĐDBHĐL này, các món hàng được chuyền tay nhau thành một dây chuyền phân phối lẻ và giá cả khi đến tay người dùng, hoặc là theo đúng giá in trên catalogue, hoặc thấp hơn. Và nếu như chúng ta biết rằng hàng hóa để vào được các siêu thị ở Việt Nam phải mất "phí" 25-50% trên giá bán của món hàng, thì mới thấy phương thức bán hàng trực tiếp quả là có lợi, không chỉ cho nhà sản xuất mà cho cả người tiêu dùng.
|
Bà Kelly Harte - Tổng Giám đốc Avon VN đang giới thiệu nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm Avon. Ảnh: Nguyễn Sa |
Tập đoàn mỹ phẩm Avon Products Inc (Mỹ) là một ví dụ điển hình khi bước chân vào thị trường mỹ phẩm Việt Nam với phương thức bán hàng trực tiếp có hiệu quả cao này.
Thương hiệu mỹ phẩm Avon tồn tại và phát triển đến nay gần 120 năm trên 143 nước chỉ với một phương thức kinh doanh duy nhất là bán hàng trực tiếp. Doanh số bán hàng hàng năm của Avon gần 7 tỷ USD, riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, doanh số gần 1 tỷ USD/năm.
VN là nước thứ 144 tập đoàn này có mặt. Hằng năm Avon đưa ra hơn 600 triệu catalogue. Riêng ở Mỹ, cứ mỗi 2 tuần catalogue sản phẩm Avon được phân phát cho 16 triệu phụ nữ. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng GĐ Avon toàn cầu - bà Andrea Jung đã được tạp chí rất có uy tín tại Mỹ Fortune chọn vào danh sách "50 phụ nữ quyền lực nhất trong giới kinh doanh" suốt 6 năm liền (xếp hạng thứ 3 trong danh sách này).
Có lẽ nhờ tất cả những yếu tố trên mà sự xuất hiện của AVON trên thị trường mỹ phẩm Việt Nam đã nhanh chóng gây nên một cơn sốt về bán hàng trực tiếp cũng như về sử dụng mỹ phẩm AVON.
Chỉ trong vòng 6 tháng, AVON đã thu hút hơn 6000 ĐDBHĐL. Dĩ nhiên, đi cùng với con số này là một doanh số bán hàng phát triển đầy thuyết phục. Nhà máy đóng gói sản phẩm của AVON với giá trị đầu tư 3 triệu USD tại khu công nghiệp Singapore, dù hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu. Một ví dụ nhỏ: chỉ trong vòng 4 ngày, một loại sản phẩn nước hoa thời thượng FAR AWAY đã được tiêu thụ tới hơn 1000 chai.
Sau khi đã nghiên cứu cuốn cẩm nang giới thiệu sản phẩm (có in giá cả) của Avon do 1 người bạn giới thiệu, chị H. tìm đến trụ sở chi nhánh Công ty TNHH mỹ phẩm Avon VN tại Q.3, TP.HCM để mua sản phẩm. Theo chị, thương hiệu Avon chị đã biết từ lâu nhưng trước giờ trên thị trường chỉ bán toàn hàng nhập, giá rất cao mà lại không an tâm lắm về nguồn gốc. Còn các sản phẩm Avon này sản xuất tại VN nên giá tiền rất phù hợp với chị. Giá một sản phẩm dưỡng da, son môi, phấn trang điểm… trung bình chỉ từ vài chục nghìn đến dưới 200 nghìn đồng.
Tuy nhiên, khi đến công ty chị mới biết Avon không có hệ thống cửa hàng bán lẻ, cũng không đưa hàng vào các siêu thị, khách hàng muốn mua, hoặc phải thông qua một ĐDBHĐL, hoặc có thể đăng ký là ĐDBHĐL một cách dễ dàng với một khoản lệ phí 100.000đ. Nếu mua hàng với phương thức này, chị H. sẽ được giảm giá từ 20 -25 hoặc 30%, tùy theo mức tiền chị mua là 150.000đ - 400.000đ hay trên 1.500.000đ. Chị H. đồng ý và rủ thêm một người bạn nữa cùng mua hàng với giá 1,5 triệu đồng nhưng chị chỉ phải trả 1triệu đồng (được giảm 30%). Chị H. cho biết, chị rất vui khi có cảm giác được mua hàng hiệu với giá sỉ. Có lẽ vì thế mà tại trụ sở AVON lúc nào cũng tấp nập khách ra vào.
Theo chị H. thì để có thể mua hàng giảm 30% tại đây không có gì khó khăn cả, chỉ cần kiếm 5-6 người bạn chung nhau mua trị giá đến 1,5 triệu/ lần trong mỗi 6 tháng. Vì theo quy định của AVON, quá thời hạn 6 tháng mà không mua thêm món hàng nào mới bị "truất" quyền mua hàng. Những người như chị H và bạn bè của chị là dạng khách hàng tiềm năng của AVON.
Ở các nước châu Âu, phương thức bán hàng trực tiếp đã có cả trăm năm nay. Nhiều nước đã từng vực dậy nền kinh tế bằng phương thức bán hàng này, vì bán hàng trực tiếp có thể giúp DN tiết kiệm được chi phí mặt bằng, tiền thuê nhân viên quản lý, nhân viên bán hàng…, nên hiệu quả cao hơn kiểu bán truyền thống.
Tuy nhiên, ở VN hình thức kinh doanh này chưa được xã hội hoan nghênh, thậm chí còn bị bài xích. Lý do là vì chúng ta chưa có luật điều chỉnh hình thức bán hàng này, nên ngay khi mới xuất hiện trên thị trường, phương thức bán hàng này đã bị nhiều DN lợi dụng, làm cho biến tướng. Hàng hóa bán ra có khi vượt quá giá trị thật gấp vài chục lần; người bán hàng trước dụ dỗ, lôi kéo người khác cùng tham gia để hưởng huê hồng, theo kiểu “cắn đuôi nhau”... đã từng bị người tiêu dùng lên án như Sinh lợi, Lô hội, Thế Giới Mới…
|