(VietNamNet) - Tổ chức hội nghị trên sông, phô diễn kỹ thuật làm bánh cho thực khách, làm bánh trung thu nặng 20kg... Các chiêu lạ trên đã đem đến thành công cho DN.
Chiêu lạ...
|
Tàu gỗ có chức năng hội nghị & ẩm thực đầu tiên tại VN. |
Sau chuyến thăm VN đầu năm 2003, ông Stefan Ernest - một doanh nhân người Áo đã nảy ra ý tưởng kinh doanh hội nghị & ẩm thực trên sông nước, một dịch vụ hoàn toàn mới tại VN.
Theo ông Stefan, dịch vụ ẩm thực kết hợp với du ngoạn trên sông tại TP.HCM đã có từ lâu (tàu ở bến Bạch Đằng du ngoạn trên sông Sài Gòn). Tuy nhiên, ở đây chỉ hoạt động về đêm và phục vụ cho đối tượng thực khách tham quan giải trí. Trong khi đó, TP.HCM là thành phố công nghiệp hiện đại nhất nước, hội nghị và sự kiện diễn ra hằng ngày. “Hội họp trong 4 bức tường nhàm chán sẽ khó phát huy hết khả năng sáng tạo và tư duy của con người. Do đó, một nơi vừa đẹp, vừa sang trọng và thú vị… sẽ thích hợp cho các DN tổ chức sự kiện. Tàu gỗ Bonsai I ra đời hội đủ các yếu tố mới lạ như: là con tàu gỗ lớn và đẹp nhất tại VN, là tàu kinh doanh hội nghị sông nước đầu tiên và là nơi phục vụ buffet Á, Âu cùng các loại rượu quý…
Ngoài ra, thuyền trưởng trên tàu cũng hết sức đặc biệt: nữ anh hùng Nguyễn Thị Hồng, người đã vượt qua cơn bão Linda kinh hoàng năm 1997 cứu sống 27 mạng người” - ông Stefan cho biết.
Gần cuối tháng 9 vừa qua, trong làng bakery bánh ngọt tại TP.HCM đã xuất hiện một nhãn hiệu mới - Love bread. Hiện TP.HCM đã có hơn 100 bakery bánh tươi của các "đại gia" bánh ngọt như Kinh Đô, Đức Phát, Hỷ Lâm Môn... và hầu như trên các tuyến đường lớn như Hai Bà Trưng, 3/2, Phan Đăng Lưu, Cao Thắng.. đều có mặt Đức Phát, Kinh Đô. Vậy sinh sau đẻ muộn như Lovebread phải làm gì để lôi kéo NTD?
Không cần phải tranh thủ tìm "nằm kề" các bakery khác để cạnh tranh và dễ chia sẻ lượng khách hàng, bakery Lovebread một mình chiếm một không gian rộng rãi tại tòa nhà Colonade trên đường Nguyễn Trung Trực (Q.1). Tại đây, Lovebread xây dựng cho mình một hướng đi riêng: công khai công nghệ làm bánh.
|
Một góc nhà bếp của Lovebread nhìn từ bên ngoài. |
Không như các hãng bánh ngọt truyền thống khác thường "đẩy" bộ phận làm bánh ra nơi "hậu đài", ở Lovebread, bộ phận này được đưa hẳn lên "sân khấu" và được thiết kế bằng kính trong suốt. Khách hàng có thể vừa mua bánh vừa tận mắt chứng kiến các thao tác làm bánh của đầu bếp, thấy được qui trình sản xuất bánh, để có thể yên tâm với chất lượng sản phẩm cũng như vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… Ngoài ra, nếu muốn, khách hàng có thể đặt làm bánh mới ngay tại chỗ.
Quả thật, với "chiêu" lạ này trước hết Lovebread đã lôi kéo được NTD bởi sự tò mò. Một khách hàng cho hay, gia đình chị rất thích ăn bánh tươi nên nghe nói có một nhãn hiệu bánh tươi mới kinh doanh cả công nghệ làm bánh nên chị đến xem và dùng thử, sau đó cứ phải đến hoài mặc dù nơi cư ngụ xa hơn các hãng bánh khác.
Ông Roland Tay - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bánh ngọt Lovebread cho hay: “Lovebread muốn tạo phong cách riêng bằng cách phô diễn công nghệ làm bánh của mình. Mấu chốt của thành công là kéo khách hàng đến cửa hàng vì sự tò mò nhưng chỉ thành công thật sự khi khách hàng đến và thích thú sản phẩm của mình. Do đó, chúng tôi chú trọng vào chất lượng bánh và chủng loại bánh (cung cấp hơn 40 loại bánh mì có nhân). Các lọai bánh tại Lovebread đều không bị đụng hàng trên thị trường vì mùi vị khác lạ và toàn bộ nguyên liệu bột mì đều được nhập. Ngoài ra, với phong cách công khai quang cảnh nhà bếp tôi hy vọng NTD sẽ cảm nhận rằng bakery Lovebread có một không gian rộng mở và nhà sản xuất thân thiện với khách hàng”.
|
Hộp bánh Maxim's Hoàng Gia gây "sốc" trong mùa trung thu 2004 vừa qua, |
Một "chiêu" khác cũng gây ấn tượng khá mạnh với NTD trong mùa trung thu vừa rồi là của hãng bánh ngọt Maxim’s. Maxim’s có mặt trên thị trường từ sau 1975, với trên 50 bakery bánh ngọt tại TP.HCM nhưng trong quá trình cạnh tranh gay gắt, Maxim’s đã bị thu hẹp dần. Đến mùa trung thu vừa qua, hãng này quyết định khuấy động thị trường bằng cách tung ra dòng sản phẩm lạ, có một không hai: bánh Trung thu Maxim’s Hoàng Gia.
Bánh trung thu vốn là mặt hàng quen thuộc đến chán, cứ xuất hiện hằng năm nhưng vì nhu cầu quà biếu, lễ lạc nên vẫn không thể thiếu. Hộp bánh Trung thu Maxim’s Hoàng Gia khổng lồ, vừa tung ra đã được khách hàng đón nhận một cách đầy phấn khích xen lẫn tò mò: Bánh gì mà khiếp thế, nặng tới 20 ký, một người bê không xuể, giá cả lại "siêu nặng", gần 4 triệu đồng/hộp (gấp khoảng 40 lần 1 hộp bánh bình thường). Đã thế Maxim’s còn "cao giá" : số lượng chỉ có hạn, không đặt mua sớm sẽ...chậm chân. Ai mà chẳng quýnh lên, đặc biệt là không thể bỏ lỡ cơ hội biếu "sếp to" khi biết thêm rằng đây là món quà xưa kia những người trong Hoàng tộc Trung Hoa tặng nhau dịp Trung thu".
Rõ ràng, với chiêu này, Maxim’s đã đánh đúng tâm lý của cả người biếu lẫn người nhận. Người biếu có cơ hội thể hiện sự "kính trọng" của mình. Còn người nhận ai mà không cảm thấy vị trí của mình được "nâng" lên khi sỡ hữu món quà thuộc loại "hàng hiếm" như thế.
Với đại đa số DN kinh doanh gia cầm, cơn đại dịch cúm gia cầm đầu năm 2004 vừa rồi là một tai họa lớn. Ngay cả Công ty Gia cầm TP.HCM (Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn) là đơn vị nắm độc quyền trong chăn nuôi, sản xuất và cung ứng gà cũng lao đao trong cơn dịch, và đến nay thì đã "hụt hơi", phải làm đơn xin giải thể công ty.
Nhưng Công ty TNHH chăn nuôi - thức ăn gia súc Thanh Bình lại biết biến rủi ro thành cơ hội kinh doanh và quảng bá thương hiệu cho mình bằng sự kiện đột phá: lần đầu tiên, một DN kinh doanh gà đứng ra mua bảo hiểm cho người dùng thịt gà và bảo hiểm cho người chăn nuôi gà.
... Dễ làm giàu
|
Ông Phạm Đức Bình. |
Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Thanh Bình cho biết, trước đây Thanh Bình chỉ được NTD biết đến với các sản phẩm thức ăn gia súc và heo thịt. Thanh Bình cũng đã từng tung ra thị trường sản phẩm gà đông lạnh (nhãn hiệu Seven Star) nhưng thất bại. Qua “sự kiện Thanh Bình” vừa rồi, không chỉ NTD trong nước mà cả NTD ngoài nước cũng biết đến gà Thanh Bình (nhiều hãng thông tấn trong và ngoài nước đã đưa tin).
Đến nay, mặc dù thị trường gia cầm mới chỉ khôi phục dưới 50%, nhưng sản lượng cung cấp gà ra thị trường của Thanh Bình thì đã tăng gấp 4-5 lần so với trước. Năm 2003 Thanh Bình bán trung bình chưa tới 3.000 con gà/ngày, thì nay lên tới hơn 12.000 con/ngày (tương đương 24 tấn thịt gà).
“Khi tai họa xảy ra, trong kinh doanh, ai có bản lĩnh để trụ lại và phát triển sẽ là người chiến thắng. Trước đây, thương hiệu Thanh Bình trị giá khoảng 1 triệu USD thì sau sự kiện này, giá trị thương hiệu đã tăng gấp nhiều lần. Vì NTD không chỉ biết đến sản phẩm của chúng tôi mà còn hiểu cả kỹ thuật, thông tin và uy tín của DN” - ông Bình nói.
Với Bonsai I và Lovebread, dù mới xuất hiện trên thị trường VN chưa đầy một tháng, nhưng cũng đã để lại khá nhiều ấn tượng với khách hàng.
|
Ông Stefan Ernest, chủ nhân tàu Bonsai I và con gái trước quầy bar trên tàu. |
Ông Stefan Ernest - Chủ tàu Bonsai I cho biết, đã có nhiều DN tổ chức sự kiện và hội họp trên tàu, nhất là các DN nước ngoài và Hiệp hội các DN châu Âu tại VN. Vị khách gần đây nhất là hãng Mercedes-Benz VN. Ngoài ra, mỗi đêm Bonsai I còn thu hút thêm khỏang 80 vị khách lẻ lên tàu du ngoạn.
Tương tự, ông Roland Tay - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH bánh ngọt Lovebread cũng cho rằng, mình đã “đi đúng hướng” khi khai thác thị trường bánh mì ngọt theo kiểu rất riêng này. “Mục tiêu của tôi là sẽ có mặt ở tất cả quận huyện của TP.HCM, sau đó là Hà Nội và các tỉnh thành khác. Trong vòng 2 tháng nữa sẽ có thêm 1 bakery Lovebread thứ 2” - ông Roland Tay cho biết.
Còn với Maxim’s bakery, mùa trung thu vừa qua không chỉ là cơ hội để NTD biết đến thương hiệu bánh ngọt của mình, mà còn là cơ hội bán bánh trung thu: Sản lượng bánh bán ra tăng 30% và 100 hộp Maxim’s Hoàng Gia đã nhanh chóng tiêu thụ hết trước ngày rằm. Nhiều khách hàng từ miền Bắc xa xôi cũng gọi vào đặt hàng khi được biết thông tin về hộp bánh đặc biệt này trên các báo.
Quả thật, trong kinh doanh ý tưởng sáng tạo quá lợi hại
|