,
221
1341
Tin nổi bật
tinnoibat
/tinnoibat/
512474
Có tham nhũng trong cổ phần hóa MTS?
1
Article
null
,

Có tham nhũng trong cổ phần hóa MTS?

Cập nhật lúc 04:41, Thứ Hai, 20/09/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Những tưởng sau sự cố khiếu nại của dược sĩ Trần Việt Trung, tiến trìnhcổ phần hóa của Công ty Trang thiết bị kỹ thuật Y tế TP.HCM (MTS) trở lại suôn sẻ. Nào ngờ tất cả lại khựng thêm một lần nữa vì một thông tin mới do Giám đốc Sở Y tế TP.HCM công bố, rằng, có dầu hiệu tham nhũng tại đây khi MTS trị giá đến 30 tỷ nhưng chỉ được định giá có 1,4 tỷ; Rằng ban lãnh đạo MTS sở hữu một lượng lớn cổ phiếu; Rằng 30% cổ phần đã được bán ra ngoài với giá cao hơn 1,5 lần giá sàn.  Vậy, có hay không chuyện tiêu cực khi cổ phần hóa MTS, như công bố của ông Dũng trước bàn dân thiên hạ...

Định giá thấp để tham nhũng?

MTS đang lao đao vì đối tác rút lui, cổ đông đòi rút vốn.

Tại buổi họp báo chiều 20/8, bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM công bố: Công ty Trang thiết bị kỹ thuật Y tế có dấu hiệu tham nhũng. Một trong những "dấu hiệu" đó là việc định giá tài sản của công ty. Ông Dũng cho biết, toàn bộ giá trị tài sản công ty MTS trị giá khoảng 30 tỷ đồng nhưng chỉ được định giá có 1,4 tỷ đồng, là một thất thoát lớn tài sản Nhà nước, “rơi vào tay một số cá nhân”.

Lời tuyên bố của Giám đốc sở Y tế đã gây ra cú sốc thực sự cho toàn bộ cán bộ công nhân viên công ty MTS, làm bàng hoàng dư luận và đã có những phản ứng từ những người trong cuộc định giá.

Từ lời công bố của ông giám đốc chủ quản DN đang trong quá trình cổ phần hóa, chiều 30/8, chủ trì cuộc họp với Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Y tế, Ban  đổi mới quản lý DN TP và Viện Kinh tế, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã chỉ đạo: giao cho Ban đổi mới quản lý DN thành phố làm đầu mối thành lập đoàn kiểm tra, thanh kiểm tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa tại MTS.

Như vậy là, những tưởng sau sự cố khiếu nại của dược sĩ Trần Việt Trung, công tác cổ phần hóa của Công ty Trang thiết bị kỹ thuật Y tế (MTS) sẽ trở lại suôn sẻ, nào ngờ tất cả lại khựng thêm một lần nữa.

MTS trị giá bao nhiêu?

Tại buổi làm việc với phóng viên VietNamNet sáng 10/9, bà Nguyễn Hoàng Tố Anh, thạc sĩ, phụ trách công tác giám định chất lượng giá trị nhà xưởng của Công ty Công ích quận 3, cho biết: Công ty Công ích quận 3 là đơn vị đã xác định chất lượng còn lại của nhà xưởng MTS.

Công ty Công ích quận 3 là đơn vị được UBND TP.HCM  chính thức giao chức năng định giá tài sản nhà xưởng các DNNN cổ phần hóa, để tư vấn cho công tác xác định giá trị DN.

Theo bà Tố Anh, công tác xác định giá trị DN cổ phần hóa được căn cứ theo hướng dẫn của Thông tư liên bộ số 13 ngày 18/8/1994 (bao gồm 3 Bộ: Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Ban Vật giá chính phủ) và Quyết định số 3365 ngày 08/10/1994 của UBND TP.HCM.

Theo 2 văn bản trên, việc xác định giá trị nhà xưởng gồm 2 phương pháp kết hợp, là phân tích kinh tế kỹ thuật và thống kê kinh nghiệm. Nhà xưởng MTS thuộc diện nhà phố lầu, với sàn và mái bê tông cốt thép, tường gạch, xây đã 60 năm. Biên bản kỹ thuật của công ty tư vấn ngày 12/3/2002 đánh giá: hiện trạng móng bê tông cốt thép cũ, lún, tường cũ, thấm nứt, mái bê tông cốt thép bong tróc, tường nứt thấm, xà gồ gỗ mối mọt, sắt rỉ sét... Nhà xưởng chia làm 3 khối, chất lượng còn lại từng khối là  50%, 62%, và  65%, hai sân chất lượng 70%.

Việc xác định giá trị của MTS được thực hiện theo bảng giá của UBND TP.HCM ban hành kèm theo quyết định số 5184/QĐ-UB-KT ngày 9/11/1996. Toàn bộ nhà xưởng MTS có tổng diện tích khuôn viên 1.398m2, nhưng giá trị nhà xưởng được tính trên diện tích sử dụng 2.171m2 và diện tích sân bê-tông 144,43m2.

Theo quyết định 5184, diện phố lầu  giá chuẩn xây dựng mới là 1.000.000 đồng/m2 sàn. Toàn bộ diện tích sử dụng 2.171m2 được tính thành 3 khối. Khối 1 diện tích 1.252,23m2, có 25,22m2 tính đơn giá xây dựng 300.000đ/m2, còn lại tính đơn giá 1.000.000 đồng/m2 sàn. Nhân với tỷ lệ chất lượng còn lại là 62%, giá trị sẽ là 765.437.120 đồng. Khối 2 có tổng diện tích 83,16m2, đơn giá xây dựng mới 200.000 đồng/m2, nhân với tỷ lệ chất lượng còn lại 50%, được 8.316.000 đồng. Khối 3 tổng diện tích 836m2, đơn giá xây dựng mới 800.000 đồng/m2, nhân với chất lượng còn lại 65%, bằng 434.725.200 đồng. Hai sân bê tông tổng diện tích 144,42m2, đơn giá xây dựng 72.000 đồng/m2, chất lượng còn lại 70%, tính ra 7.278.768 đồng.

Như vậy, căn cứ theo bảng quy định 5184 của UBND TP.HCM, toàn bộ nhà xưởng của MTS, sau khi xác định giá trị còn lại, là 1.215.757.088 đồng. Kết quả tính toán ngày 13/5/2002 của tổ nghiệp vụ cộng thêm giá trị lợi thế DN 178.000.000 đồng, tổng cộng là 1.393.757.008 đồng. Cộng với các tài sản khác, biên bản xác định giá trị thực tế của MTS tại thời điểm cổ phần hóa (31/12/2000) là 18.561.616.326 đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước là 3.945.579.992 đồng. Ngày 13/6/2002, Hội đồng xác định giá trị DN cổ phần hóa thành phố đã xác định giá trị DN, thống nhất với kết quả thẩm định trên. Biên bản có đầy đủ chữ ký của các thành viên, trong đó có Sở Y tế là cơ quan chủ quản.

Ở đây con số 1.393.757.008 đồng là giá trị còn lại của nhà xưởng, hoàn toàn chưa tính đến giá trị tài sản khác, đặc biệt là không tính đến giá trị đất mặt bằng, theo đúng như quy định của Nhà nước khi định giá tài sản DN trong cổ phần hóa. Còn đất mặt bằng phải thuê lại của Nhà nước theo bảng giá quy định của TP. Trong trường hợp này,  công ty MTS phải thuê lại mặt bằng (theo hợp đồng thuê đất số 593 ngày 02/02/2004 ký với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), với giá 26.600 đồng/m2/năm.Tổng cộng một năm MTS trả tiền thuê đất 37.293.200 đồng.

Chính vì những lẽ này, dư luận đang rất phân vân vì không rõ con số 30 tỷ đồng mà Giám đốc sở Y tế nêu ra đã căn cứ vào đâu(?!).

 Bán cổ phần cao hơn 1,5 lần giá sàn để ... bỏ túi?

 

Công ty MTS trước khi CPH có vốn tích lũy 3,9 tỷ đồng. Nhà nước giữ lại 1 tỷ. Công ty phải bán thêm cổ phần để đạt vốn điều lệ 5 tỷ, cụ thể đã bán được 40.000 cổ phần, trị giá 4 tỷ đồng.

Trong số này, có 7.830 cổ phần ưu đãi, 1.085 cổ phần bán cho người nghèo trả chậm trong vòng 10 năm. 30% cổ phần còn lại (bằng 19,3% vốn điều lệ) đã được bán ra ngoài theo hình thức đấu giá. Việc bán cổ phần bằng phương pháp đấu giá qua một tổ chức tài chính trung gian là theo hướng dẫn của Thông tư 80 của Bộ Tài chính. 22.519 cổ phần còn lại sau khi đã trừ đi tất cả, được bán cho CBCNV với giá 100.000 đồng/cổ phần.

Ngày 5/6/2003, MTS đã ký hợp đồng với Công ty Chứng khoán công thương, chi nhánh TP.HCM (IBS/HCM) để bán đấu giá cổ phần cho cổ đông phổ thông. Hội đồng bán đấu giá được UBND TP.HCM ký quyết định thành lập, gồm nhiều thành viên trong đó có đại diện Sở Y tế TP.HCM. Giá khởi điểm khi đưa ra đấu giá là 105.000 đồng/cổ phần. Biên bản thanh lý hợp đồng ngày 4/9/2003 cho thấy, IBS/HCM đã bán 9.651 cổ phần, thu tổng số tiền 1.351.200.000 đồng, tức bình quân bán được 140.008 đồng/cổ phần. Giá mua cao nhất là 151.000 đồng, giá mua thấp nhất là 120 đồng/cổ phần. Sau khi trừ đi 6.756.100 đồng (0,5% số tiền thu được từ bán đấu giá) cho IBS/HCM, số tiền thu được nộp về kho bạc Nhà nước.

MTS là công ty đầu tiên của TP.HCM khi CPH đã thực hiện việc bán đấu giá ra ngoài 30% số cổ phần, theo đúng Nghị định 64. Số tiền chênh lệch nhờ bán đấu giá này được đưa vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN. Quỹ này được sử dụng vào một số việc, trong đó chủ yếu và quan trọng là giải quyết chế độ cho người lao động dư ra do công tác sắp xếp DN.

Cũng cần nói thêm rằng trong khi cả nước đã CPH được 1.557 DN và bộ phận DN, nhưng số cổ phần bán ra bên ngoài chỉ đạt 6% vốn điều lệ, thì tỷ lệ 30% bán ra ngoài của MTS là một con số đáng khích lệ. Bởi tình trạng CPH khép kín xảy ra trong 10 năm qua tại VN đang là cản trở lớn của tiến trình CPH được nhận định là rất ì ạch.

Còn việc ban lãnh đạo MTS sở hữu một lượng lớn cổ phiếu, 9 người trong đó có Giám đốc Nguyễn Hoàng Phúc và Phó Giám đốc Nguyễn Thị Phụng, mua 16.209 cổ phiếu, theo Luật sư Trương Đại Nghĩa, chuyên gia tư vấn luật, là phù hợp quy định của pháp luật. Điều 5 nghị định 64 quy định, việc mua cổ phần lần đầu không hạn chế số lượng.

Việc mua thêm này, MTS tổ chức 3 lần cho CBCNV đăng ký công khai. Danh sách cuối cùng có xác nhận của công ty, Chi bộ, Công đoàn MTS và trình cho Sở Y tế. Còn trước “phân vân” của Sở Y tế khi MTS cử 3 đại biểu là Nguyễn Hoàng Phúc, Nguyễn Quang Định và Nguyễn Thị Phụng giữ trách nhiệm quản lý phần vốn Nhà nước, thì trong Nghị định 64 đã quy định rất rõ là các đối tượng mua cổ phần lần đầu đều được cử trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước.

Hiện tại MTS đang rất khốn đốn vì lời công bố của ông giám đốc Sở chủ quản. Bởi, ngoài việc tiến trình cổ phần hóa tại đây sẽ còn tiếp tục bị kéo dài vì chuyện thanh kiểm tra trong thời gian tới, hậu quả nghiêm trọng đã và đang nhìn thấy rõ: đối tác kinh doanh lần lượt rút lui trong khi cổ đông đòi rút vốn và đòi tiền lãi...

  • Đặng Vỹ
,
,