(VietNamNet) - DN xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ tạm thời được phân 85% hạn ngạch của năm 2004. Đó là quyết định về qui chế phân quota (hạn ngạch) hàng dệt may 2005 mà Bộ Thương mại và Công nghiệp vừa công bố hồi sáng nay (30/7).
|
DN được phân 85% quota hàng dệt may vào Mỹ. |
Ông Lê Văn Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Thương mại, cho biết, hạn ngạch năm 2005 phân cho mỗi DN tương đương với 85% giá trị thực xuất (dành cho cat nóng), dựa trên số lượng thống kê visa xuất khẩu của năm 2004. Tổng giá trị hàng hóa được cấp visa xuất khẩu không phân biệt hạn ngạch được cấp chính thức, đi vay hay chuyển nhượng từ đơn vị khác, đều được tính là giá trị thực xuất của năm 2004.
Theo ông Thắng, qui chế phân bổ 85% nhiều hơn so với năm ngoái (80%) là vì tỷ lệ được tăng thêm của năm 2005, mà Hiệp định Dệt may Việt - Mỹ được ký cách đây 2 năm cho phép (Hiệp định được gia hạn đến cuối năm 2005). Với qui chế này, các DN dệt may có thể tự tính được hạn ngạch cho chính mình, trên cơ sở đó có thể lên kế hoạch đàm phán và ký hợp đồng gia công cho khách hàng Mỹ.
Nhờ tỷ lệ tăng thêm này, Bộ Thương mại dự trù hạn ngạch dệt may vào Mỹ năm 2005 sẽ bằng 105% hạn ngạch của năm 2004.
Ông Thắng cho biết, số 20% hạn ngạch còn lại được dùng cho mục tiêu dài hạn và được phân bổ hạn chế cho một số đối tượng. Cụ thể, 7% dành cho các hợp đồng ký với những nhà nhập khẩu lớn hoặc nhà nhập khẩu có thương hiệu lớn.
4% hạn ngạch tiếp theo ưu tiên phân bổ cho các dự án đầu tư lớn trong ngành dệt, nhuộm và DN tự nguyện thực hiện liên kết chuỗi sản xuất, xuất nhập khẩu nguyên phụ liệu và sản phẩm. Những DN sử dụng nguyên liệu trong nước sẽ cùng chia sẻ 3% hạn ngạch tiếp theo.
Qui chế cũng có tỷ lệ phần trăm hạn ngạch để thưởng cho các DN xuất khẩu có tính chất đặc thù, như dành 3% cho DN tích cực xuất khẩu các mặt hàng phi hạn ngạch vào thị trường Mỹ, hoặc 1% cho DN có nhà máy đặt tại các vùng cách xa cảng Hải Phòng và Sài Gòn với cự ly trên 500km. Việc ưu đãi này nhằm hỗ trợ chi phí vận chuyển cho DN ở vùng xa, nhằm giảm gánh nặng về giá thành cho sản phẩm.
Qui chế phân bổ hạn ngạch dệt may năm 2005 dựa vào thành tích của DN là chủ yếu, khác với năm 2004, là có kết hợp với số máy móc mà DN trang bị làm hàng xuất khẩu.
2% hạn ngạch còn lại dành cho dự phòng. Theo ông Thắng, năm nay mức dự phòng gấp đôi năm ngoái, để đề phòng trường hợp bị phạt. Năm 2004, Việt Nam bị phạt giảm 4,5% giá trị xuất khẩu so với 2003 vì Hải quan Mỹ điều tra thấy rằng, Việt Nam chưa đảm bảo tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, hạn ngạch dệt may năm 2004 của Việt Nam bị phạt trên 10% thực xuất của năm 2003, vì lý do trên cùng những lý do khác như năm 2003 xuất vượt hạn ngạch.
Đầu tháng 8, Hải quan Mỹ sang kiểm tra việc thực hiện quota của các DN xuất khẩu Việt Nam. Việc năm 2005 có bị phạt giảm hạn ngạch hay không còn chờ kết quả của cuộc điều tra mà dự kiến sẽ tiến hành với hơn 80 DN trên toàn quốc.
Qui chế được ký hồi hôm thứ tư (28/7) sẽ bắt đầu có hiệu lực vào giữa tháng 8 tới và áp dụng cho lượng hàng xuất từ ngày 1/1/2005. Việc công bố qui chế phân bổ hạn ngạch dệt may vào thị trường Mỹ năm 2005 coi như đã kết thúc mâu thuẫn giữa các DN dệt may Việt Nam và Bộ Thương mại, khi cơ quan chịu trách nhiệm phân bổ quota này đưa ra giải pháp tập trung quota vào DN lớn.
|