Tiêu thụ gia cầm ở TP.HCM vẫn thiếu cơ chế liên thông
09:20' 21/03/2004 (GMT+7)
(VietNamNet) - TP.HCM có nhu cầu lớn về thịt gia cầm nhưng khi triển khai việc mở cửa tiêu thụ gia cầm lại thiếu vắng một cơ chế “liên thông” với các tỉnh thành. Các vùng lân cận như Đồng Nai, Bình Dương,... vẫn chưa thể đưa gia cầm vào TP.HCM do thiếu sự đồng ý của TP trong việc vận chuyển gia cầm tươi sống đã qua giết mổ.

 

 

Gà các tỉnh bao giờ xuất bến?

 

Các trại gà làm ăn nghiêm túc vẫn phải nuôi gà "quá tuổi" trong thời gian chờ giấy phép xuất chuồng.

Sở Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết: Hiện nay, các DN chăn nuôi và giết mổ gia cầm trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị sẳn sàng một lượng gà khá lớn. Nhưng mãi cho đến nay vẫn chưa thể chuyển vào thành phố do thiếu cơ chế phối hợp. Trong buổi tiệc dùng gà “thử nghiệm” vừa qua, số lượng gà tươi sống từ các tỉnh đưa vào TP.HCM đã được cấp một loại giấy phép đột xuất. Còn hiện nay vẫn chưa thể thực hiện một chương trình liên thông về việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm liên quan giữa cơ quan chức năng các tỉnh, thành và TP.

 

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Tổng giám đốc Saigon Coop vừa trao đổi với giới báo chí: “Ngay trong tuần này, Saigon Coop đã vận chuyển khoảng 15.000 quả trứng gà từ tỉnh Lâm Đồng về TP.HCM. Sau khi thông qua các thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm dịch thú y và được Chi cục Thú y TP.HCM dán tem chứng nhận đã qua kiểm dịch; chúng tôi sẽ đưa số trứng này ra bán tại các siêu thị Coopmart”. Trước đó, Công ty CP cũng tổ chức đóng gói trứng gà đã luộc chín vào vỉ nhựa cứng dán tem kiểm dịch và đã giới thiệu với Bộ Nông nghiệp cùng các cơ quan quản lý Nhà nước. Trước mắt, sản phẩm này sẽ được đưa vào bày bán tại các siêu thị theo đề nghị của ngành thương mại để chờ đến lúc thành phố phê duyệt việc nhập gia cầm - trứng gia cầm tươi sống vào TP.HCM.

 

Trứng gà lỏng được nhập từ nước ngoài hiện nay chủ yếu được cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trong việc chế biến món ăn. Đây chỉ là phụ liệu dùng trong các món ăn chính chứ không được sử dụng độc lập như trứng gà sống. Đồng thời, các loại trứng muốn đưa ra thị trường phải được kiểm tra và xác nhận về kiểm dịch của Trung tâm Thú y vùng; Chi cục Thú y địa phương chỉ cùng phối hợp kiểm tra. Các địa phương đã công bố hết dịch sẽ được cấp phép vận chuyển trứng gia cầm sang địa phận khác.

Dấu hỏi gà đông lạnh

Gà luộc sẵn, gà đông lạnh, gà quay,... không thể thay thế con gà cúng mang tính truyền thống của người VN.

Một số quán ăn tư nhân cho biết họ vẫn chỉ sử dụng gà tươi sống được cung cấp từ Bình Dương – nơi đã công bố hết dịch cúm gà từ tuần trước. Giá gà tươi sống qua giết mổ vọt lên 70.000đ/ký, gần như tăng gấp đôi so với trước khi diễn ra cúm gà. Gà đông lạnh cũng theo đó mà làm giá! Đầu bếp một quán ăn ở khu vực Q.1 cho biết: “Từ trước đến nay đâu có quán nào dùng thịt gà đông lạnh. Nay do gà sống chưa được phép bán nên gà đông lạnh nhập ngoại mới thừa cơ nâng giá. Tuy nhiên, theo tôi biết dạng gà này chỉ bán vào cụm nhà hàng – khách sạn cở lớn, có rất ít quán ăn tư nhân đặt mua”.

 

Lượng gà đông lạnh hiện có tại các tỉnh lân cận không phải nhỏ và nếu như thành phố tiếp tục chần chờ trong việc nhập gà tươi sống sẽ tạo thời cơ cho gà đông lạnh. Sản phẩm này vốn không được người tiêu dùng ưa chuộng và các kênh phân phối cũng chẳng khoái vì chúng khó bán hơn gà tươi sống. Mặt khác, chúng ta cần nhớ lại sự kiện vài ngàn con gà được giết mổ tại một tỉnh lân cận thành phố ngay trong mùa dịch và được đông lạnh bỏ vào kho để chờ thời. Sở Thương mại TP.HCM vừa khẳng định sẽ không cho phép tiêu thụ gà đông lạnh giết mổ vào thời điểm trước khi tỉnh thành đó công bố hết dịch cúm gà (hàng tồn).

Làm sao bán “gà tươi”?

Vẫn còn đó cảnh bán gà sống không chính thức ở các chợ vùng ven, khi chưa có quy trình kiểm soát và tiêu thụ sản phẩm gia cầm hợp lý.

Gà tươi sống là một nhu cầu có thực. Việc bán gà tươi sống để phục vụ cho nhu cầu cúng kiếng, nấu nướng hàng ngày tại các gia đình là điều cần thiết. Thực phẩm cần được làm theo quy trình công nghiệp để bảo đảm an toàn vệ sinh nhưng vẫn phải nghĩ đến tập quán ăn uống của người VN. Người tiêu dùng vẫn cảm thấy không khoái khẩu khi ăn một con gà đông lạnh cho dù đã qua chế biến nóng. Chính các hệ thống kinh doanh thức ăn nhanh của nước ngoài cũng thừa nhận điều này. Họ cho rằng nếu được phép nhập gà tươi sống đã qua kiểm dịch để họ tự chế biến ngay tại nhà hàng thì tốt hơn mua gà đông lạnh. Nếu như lực lượng thú y được phép thực hiện cơ chế kiểm dịch tại chỗ đối với các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, siêu thị,…sẽ góp phần thúc đẩy kế hoạch tiêu thụ gia cầm.

 

Gà tiêu chuẩn (giết mổ trên dây chuyền công nghiệp, có dấu kiểm dịch) tuy đã có sẳn ở nhiều nơi nhưng chủng loại hàng hóa lại không phù hợp. Các siêu thị lớn như Saigon Coop, Citimart, Maximark,… đều ngần ngại nhập gà luộc sẵn, trứng nấu chín để bày bán vì sợ ế! Tâm lý của người mua thực phẩm loại này là phải cảm nhận được hơi nóng phả ra từ quầy chế biến thức ăn hoặc được mang gà tươi sống về nhà tự nấu. Đơn vị Saigon Coop đã nảy sinh ý tưởng nhập gà tươi sống về thành phố bằng xe chuyên dùng, mời Chi cục Thú y đến siêu thị kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch và cho phép chế biến tại chỗ. Nhưng ý tưởng này vẫn chưa thể thực hiện vì cơ chế kiểm dịch và quy định vận chuyển thịt gia cầm đã qua xử lý nhiệt.

 

Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP.HCM đã khẳng định khi nói về việc tiêu thụ gia cầm: “Trong tuần lễ cuối tháng 3, Sở Thương mại phải hoàn tất phương án kiểm soát và tiêu thụ gia cầm. Các siêu thị trong thành phố sẽ sớm có gà bày bán để phục vụ cho người dân. Việc đưa gà tươi sống (đã qua giết mổ) vào thành phố tiêu thụ sẽ được tính đến”.

 

Theo ý kiến của một số tiểu thương, cửa hàng kinh doanh thực phẩm ở Q.1, Q.3, Q.4,…các gia đình thường chọn mua gà tươi sống và mang về nhà chế biến các món ăn. Vì thế, những loại gia cầm như gà, vịt, ngỗng chỉ thích hợp khi được bán dưới dạng tươi sống chứ không thể bán dưới dạng đông lạnh như thủy hải sản hoặc một số loại thực phẩm sơ chế khác. Trong những cuộc hội thảo về tiêu thụ gia cầm đã từng đề cập đến việc tổ chức vài điểm giết mổ trong khu vực nội thành để bán gà tươi sống cho người dân và các nhà hàng, quán ăn. Việc hình thành cơ chế kiểm soát - tiêu thụ sản phẩm gia cầm trong những tháng tới sẽ tùy thuộc vào kết quả chuyến khảo sát hệ thống phân phối – kinh doanh gia cầm vào cuối tuần này của Sở Thương mại.

 

  • Chí Thịnh
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi