,
221
1341
Tin nổi bật
tinnoibat
/tinnoibat/
232695
Mức khởi điểm chịu thuế thu nhập: 5 triệu đồng/tháng
1
Article
null
,

Mức khởi điểm chịu thuế thu nhập: 5 triệu đồng/tháng

Cập nhật lúc 20:11, Thứ Bảy, 20/03/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - 16h chiều ngày 20/3, Uỷ ban thường vụ Quốc hội (TVQH) đã thông qua dự thảo Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (TTNC). Những nội dung được sửa đổi không khác mấy so với tờ trình tại phiên họp 16, ngoại trừ việc bỏ nội dung đánh thuế từ chuyển quyền sử dụng đất.  

Đã khuyến khích DN nước ngoài thuê lao động VN

Người lao động có thu nhập từ 5 triệu đồng trở nên mới phải nộp thuế thu nhập.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và ngân sách của QH Nguyễn Đức Kiên, nội dung sửa đổi lần này đã “tiến” một bước so với pháp lệnh hiện hành. Mức giãn cách thu nhập trong các bậc thuế hiện hành chỉ chệnh lệch 3 triệu đồng, dẫn đến mức điều tiết về thuế tăng nhanh: từ 3 triệu đến 6 triệu thuế suất 10%, từ trên 6 triệu đến 9 triệu thuế suất 20%, từ trên 9 triệu đến 12 triệu thuế suất 30% và từ trên 12 triệu đến 25 triệu thuế suất 40%. Còn pháp lệnh sửa đổi lần này nâng mức giãn cách lên 5 triệu đồng, riêng bậc thuế suất 30% thì mức giãn cách tăng lên 10 triệu đồng. Vì thế sẽ làm giảm nhiều mức điều tiết về thuế. Ví dụ, nếu người có thu nhập 9 triệu đồng/tháng, với mức giãn cách thuế hiện hành phải nộp 900.000đ/tháng, thì với mức thuế giãn cách sửa đổi chỉ phải nộp 400.000 đ/tháng.

So sánh với mức thuế giữa người Việt Nam và người nước ngoài thì những sửa đổi lần này cũng làm cho khoảng cách chênh lệch được rút ngắn đáng kể. Với chính sách thuế hiện hành, nếu doanh nghiệp muốn trả cho lao động Việt Nam 30 triệu đồng/tháng, thì doanh nghiệp phải chi ra 63,8 triệu đồng (trong đó có 27,4 triệu đồng tiền thuế nộp theo biểu thuế luỹ tiến từng phần và 6,4 triệu thuế thu nhập bổ sung). Nếu sử dụng lao động Việt Nam thì doanh nghiệp phải tăng chi phí gần 30 triệu đồng/tháng so với người nước ngoài. Điều này vô hình chung không khuyến khích được doanh nghiệp thuê lao động Việt Nam, làm mất lợi thế lao động rẻ của ta, mất cơ hội để lao động trong nước tiếp cận với công nghệ tiên tiến. Còn nay, áp dụng biểu thuế mới, bỏ thuế thu nhập bổ sung, với mức lương 30 triệu đồng/tháng thì người Việt Nam chỉ còn phải nộp 10,8 triệu, thay vì 33 triệu đồng/tháng. Như thế sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng lao động Việt Nam.

Ông Kiên cho biết thêm, hiện Trung Quốc áp dụng một biểu thuế chung giữa người trong nước và nước ngoài, nhưng mức “triết trừ gia cảnh” giữa người trong nước và nước ngoài lại khác nhau rất xa: mức không chịu thuế của người Trung Quốc là 800 NDT (1,6 triệu đồng), nhưng người nước ngoài là 4.000 NDT (8 triệu đồng). “Còn ở ta mức khởi điểm chịu thuế của người Việt đề nghị 5 triệu, còn người nước ngoài vẫn giữ mức 8 triệu, nhưng chúng ta không có quy định về “triết trừ gia cảnh”. Nên dù mức khởi điểm nộp thuế khác nhau, nhưng sự chênh lệch về số thuế phải nộp không khác nhau quá xa như hiện nay nữa…

"Quản” chặt nguồn thu

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Nguyễn Thị Cúc cho biết, khi áp dụng pháp lệnh mới, với mức khởi điểm chịu thuế 5 triệu đồng, ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 350 tỷ đồng. Để bù lại, cơ quan thuế phải “quản” chặt nguồn thu. Thông qua việc cơ quan chi trả thực hiện khấu trừ tại nguồn. Ví dụ một doanh nghiệp có 200 cán bộ, khi trả lương cho người lao động, chính doanh nghiệp đó phải căn cứ vào biểu thuế luỹ tiến từng phần để khấu trừ TTNC đối với từng người lao động, rồi nộp vào ngân sách nhà nước, chứ không phải từng người lao động mang tiền đến cơ quan thuế để nộp. Còn đối với những trường hợp có thu nhập không thường xuyên như: thuê lao động ngắn hạn, người lao động làm việc ở nhiều nơi, thu nhập từ hoa hồng môi giới, tiền nhuận bút, thu nhập từ dạy thêm…nếu mỗi lần lĩnh tiền từ 300.000 đồng trở lên thì bản thân cá nhân, tổ chức thuê người đó phải có trách nhiệm khấu trừ 10%. Khi thực hiện khấu trừ, người bị khấu trừ được nhận một biên lai thuế (do Tổng cục thuế phát hành). Cuối năm quyết toán, nếu tổng số thu nhập của người đó dưới 60 triệu đồng/năm thì số tiền bị khấu trừ sẽ được hoàn trả. Và người lao động chỉ cần mang hoá đơn thuế đó đến nộp cho cơ quan thuế để nhận lại tiền.

Đối với những người làm việc có tính chất đặc thù như ca sỹ đi hát “sô”, cầu thủ đá bóng, nghệ sỹ múa…sau khi được trừ 25% tổng thu nhập (tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế), số còn lại mới phải đóng thuế 10%. Những đối tượng này cũng không phải kê khai nộp thuế, mà chính những ông bầu, chủ câu lạc bộ bóng đá…phải thực hiện khấu trừ thuế khi trả cát-xê, tiền công cho họ. Để quản chặt nguồn thu, Pháp lệnh sửa đổi lần này đã quy định rõ cơ quan thực hiện chi trả lương, tiền công cho người lao động phải kê khai đầy đủ với cơ quan thuế, và phải có trách nhiệm khấu trừ, thông báo số thuế thu nhập phải nộp của từng người và nộp vào ngân sách. Nếu không khấu trừ, khi bị cơ quan thuế phát hiện thì chủ sử dụng lao động phải nộp thay cho người lao động.

Những điểm mới của pháp lệnh vừa được thông qua

Các khoản thu nhập phải chịu thuế bao gồm: thu nhập thường xuyên từ tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp, tiền thưởng, các khoản thu nhập từ dịch vụ khoa học, kỹ thuật, dịch vụ tin học, dịch vụ tư vấn, đào tạo, nhuận bút, hoa hồng môi giới…Với những khoản thu này, phải chịu các mức thuế suất cụ thể: 0% (5 triệu đồng); 10% (trên 5-15 triệu đồng); 20% (trên 15-25 triệu); 30% (trên 25-40 triệu) và 40% (trên 40 triệu trở lên)).

Các khoản thu nhập không thường xuyên phải chịu thuế gồm: chuyển giao công nghệ, bản quyền, sáng chế, nhãn hiệu, bí quyết kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật xây dựng (trừ trường hợp biếu, tặng); trúng xổ số, trúng thường khuyến mại dưới các hình thức…Với thu nhập không thường xuyên, chỉ phải nộp thuế suất 10%, khi thu nhập cả năm từ trên 60 triệu đồng/người. Riêng đối với hoạt động trúng sổ số được nâng mức khởi điểm chịu thuế từ 12,5 triệu lên 15 triệu đồng trở lên, và chịu thuế suất 10%. Và mức thuế này được áp dụng với cả hoạt động trúng thưởng khuyến mại hay trò chơi trúng thưởng kiểu như “chiếc nón kỳ diệu”… Đồng thời, với hoạt động chuyển giao đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị từ 15 triệu đồng/lần mới phải chịu thuế suất 5%. Pháp lệnh cũng bổ sung quy định đối với thu nhập từ lao động của người nước ngoài ở Việt Nam dưới 30 ngày từ diện không chịu thuế vào diện chịu thuế (mức thuế suất 25% trên tổng thu nhập), đồng thời bỏ mức thuế suất 50%. Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1-7-2004

  • Hà Linh
,
,