Vụ kiện tôm: DN mong xúc tiến việc vận động hành lang
14:34' 11/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Ngổn ngang công việc, ngập đầu trước những chồng sổ sách và giấy tờ dày cộp, 3/4 DN là bị đơn bắt buộc trong vụ kiện tôm mà PV VietNamNet có dịp ghé thăm đang gấp rút chuẩn bị tài liệu trả lời câu hỏi của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Một mặt các DN đang dồn hết nỗ lực để chứng minh không bán phá giá; mặt khác cũng đang trông chờ các hoạt động vận động hành lang của Hiệp hội thủy sản.

Xuất khẩu chậm, giá giảm
Các nhân viên kế toán Công ty Camimex ngập đầu trước đống tài liệu, sổ sách. Ảnh chụp lúc 14h30 ngày 9/3.
Chưa bao giờ các công ty chế biến và xuất khẩu tôm lại bận rộn như hiện nay, và lại gặp nhiều khó khăn như thế. Ở thời điểm hiện tại, vụ kiện tôm đã bắt đầu tác động đến sản lượng và giá trị xuất khẩu của các DN. Đầu tiên là từ tháng 3 này, xuất khẩu tôm chậm lại, giá giảm. Trong khi các DN nhập khẩu Mỹ ái ngại bị đánh thuế hồi tố (90 ngày kể từ khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra quyết định sơ bộ - tức từ 10/3 đến 18/6), thì Nhật Bản, Hongkong và các thị trường khác cũng ít ký hợp đồng mua tôm từ Việt Nam hoặc ngừng mua để chờ tôm xuống giá nữa.

Trò chuyện với PV. VietNamNet, ông Lê Văn Quang, Giám đốc Công ty XNK Thủy sản Minh Phú, cho biết, tính từ giữa tháng 2 đến nay, việc xuất khẩu tôm của công ty gần như đóng băng. Giá tôm đã giảm đáng kể, khoảng 40-42% kể từ năm 2000, và giảm mạnh ở thời điểm này. So với cùng kỳ, giá trị tôm xuất khẩu tăng hơn năm ngoái, nhưng so với cuối năm 2003 thì xuống nhiều. Việc khan hiếm nguyên liệu cũng buộc Minh Phú chỉ sản xuất có nửa ngày, nửa ngày còn lại cho công nhân và máy móc nghỉ tới khi khi vào vụ chính. Phó Giám đốc Công ty Chế biến Thủy sản và XNK Cà Mau (Camimex), ông Nguyễn Tín Ngưỡng, cũng thừa nhận chuyện các nhà nhập khẩu Mỹ lo ngại thuế hồi tố nên đã mua ít dần tôm Việt Nam.

Rốt ráo chuẩn bị tài liệu 

Chúng tôi có mặt ở Camimex khi 5 nhân viên kế toán, nhân viên thống kê của Xí nghiệp 4 thuộc công ty đang vùi đầu vào những chồng sổ sách ngất ngưởng. Dưới sự hướng dẫn của luật sư, đã 4 ngày nay, họ vật lộn với đống tài liệu, chứng từ từ 1/2003 đến 3/2004 để chuẩn bị câu trả lời cho vụ kiện, và ít nhất là 10 ngày nữa mới hoàn thành. Ông Ngưỡng nói rằng, DOC đã gửi câu hỏi cho các DN là bị đơn bắt buộc một vài ngày sau khi Ủy ban Hiệp thương quốc tế Hoa Kỳ (USITC) ra quyết định rằng tôm Việt Nam đe dọa hoặc có nguy cơ gây thiệt hại đối với tôm của nước này. Các DN phải chuẩn bị trả lời đầy đủ bảng câu hỏi trên trước 7/4 tới, trước khi DOC sang Việt Nam kiểm tra lại.

Ông Ngưỡng nhận xét, bảng câu hỏi mà DOC đưa ra rất phức tạp, với 3 phần A, C, D, trong đó nặng nề nhất là phần D. Phần này yêu cầu DN phải tính giá thành sản xuất đối với từng loại, từng cỡ sản phẩm. "Ở Việt Nam, hiện chúng ta chỉ tính chung được giá thành cho sản phẩm làm ra trong một kỳ chứ không cho từng thị trường, giờ lại phải bóc tách ra. Nhất là trong giai đoạn điều tra, từ 1/4 đến 30/9, do mình làm nhiều sản phẩm, bán tại nhiều thị trường nên công việc khiến anh em rất vất vả", ông Ngưỡng nói.

Ở Công ty THNN Kim Anh (Sóc Trăng), Tổng Giám đốc Đỗ Ngọc Quý cho biết, 10 kế toán của công ty đang làm việc vất vả từng ngày, từng giờ, thậm chí còn phải huy động thêm nhân viên khác cùng làm để thống kê, chứng minh, tách riêng từng yếu tố cấu thành giá. Đến nay, với sự giúp đỡ rất có trách nhiệm của công ty luật, theo lời ông Quý, bảng câu hỏi trong phần A đã xong, hiện chỉ cần hoàn thiện nốt phần C và D. Riêng XNK Minh Phú có vẻ đỡ bị động hơn khi ông Quang cho biết, công ty đã có sự chuẩn bị từ tháng 7/2003, thời điểm bắt đầu những động thái cho thấy sẽ có một vụ kiện bán phá tôm từ Mỹ.

Củng cố lập luận

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Minh Phú - Cà Mau.

Trong số 4 DN thủy sản là bị đơn bắt buộc, có tới một nửa là DN tư nhân, đó là Công ty Minh Phú và Kim Anh. Các công ty này đang tạo việc làm cho ít nhất là 1.600-1.700 lao động (ở Minh Phú) và 5.000-6.000 (tại Kim Anh). Ông Lê Văn Quang, Giám đốc của Minh Phú, bức xúc: "Chúng tôi đã không được nhận bất kỳ một sự trợ giúp nào của Chính phủ, chưa kể đôi khi còn bị phân biệt đối xử so với DNNN. Ông Đỗ Ngọc Quý cũng khẳng định, Kim Anh là công ty 100% vốn tư nhân, hoạt động độc lập theo điều lệ công ty và chưa bao giờ được Nhà nước hỗ trợ.

Ông Quý đưa ra hàng loạt các yếu tố khẳng định con tôm Việt Nam được xuất khẩu sang các nước (trong đó có Mỹ) với giá rẻ là điều hiển nhiên. "Tại Kim Anh, chúng tôi liên tục thay đổi công nghệ, nắm bắt kịp thời theo các nước phát triển. Riêng đầu tư về công nghệ của Kim Anh đã chiếm tới 2/3 tổng số vốn (250 tỷ đồng). Nhờ đó, chúng tôi đã tiết kiệm được định mức tiêu hao về chế biến, lợi nhuận năm sau thường cao hơn năm trước 20-30%". Năm ngoái, Kim Anh đã thu được 40 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, và ông cho biết, đó là mức thấp nhất kể từ nhiều năm qua.

Theo ông Quý, đó là điều mà ngành công nghiệp tôm của Mỹ không làm được. "Nếu họ chịu khó đầu tư, cải thiện công nghệ nuôi, chế biến như Việt Nam thì tôi dám chắc rằng, sản phẩm tôm của họ còn rẻ hơn, lợi nhuận cao hơn chúng ta nhiều. Vì họ là sản xuất trong nước, lại được người tiêu dùng Mỹ ủng hộ. Không chỉ bây giờ mà kể cả sau này, nếu họ không đầu tư phát triển ngành tôm, sẽ còn có nước xuất khẩu sản phẩm tôm vào Mỹ khác bị kiện bán phá giá".

Cũng trên lập luận đó, ông Lê Văn Quang cho rằng, cáo buộc của phía Mỹ về việc Việt Nam bán phá giá là vô lý, vì giá tôm nguyên liệu của Việt Nam bình thường đã cao hơn Ấn Độ và Bangladesh tới 30-40%. Đó là chưa kể công nghệ chế biến của chúng ta xếp vào loại hàng đầu thế giới, bỏ xa Ấn Độ, Malaysia 20 năm, Indonesia 10 năm. Trong khi việc chế biến tôm tại các nước trên vẫn theo cách cũ, thì Việt Nam đang hướng tới sản xuất nhiều sản phẩm giá trị gia tăng (chiếm 60-70%) nên giá thành cao. Cùng với 4% thuế nhập khẩu thủy sản vào châu Âu, 4% vào Ấn Độ và 2% ở Bangladesh, theo ông Quang, giá tôm xuất khẩu Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trên, thậm chí, Việt Nam còn phải nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ và Bangladesh.

Ông Quang dẫn chứng, giá xuất khẩu tôm của Ấn Độ là 12,620 USD/kg, giá chào hàng nguyên liệu là 10,5 USD/kg. Trong khi đó, giá mua vào tôm nguyên liệu của Việt Nam đã là 12,2 USD/kg. Ở thời điểm hiện tại, do chưa thu hoạch vụ tôm mới nến giá nguyên liệu đã cao hơn Ấn Độ và Bangladesh đến 1,5 USD/kg. Với mức giá này, ông Quang chua chát, nhiều khi lỗ cũng phải chấp nhận để giải quyết công ăn việc làm cho công nhân. Hiện nay, với sự giúp đỡ có hệ thống, không chủ quan của công ty luật, các DN là bị đơn bắt buộc đang nỗ lực chứng minh là không bán phá giá, và tất cả đều tin tưởng, Việt Nam có đủ cơ sở khoa học để chứng minh điều đó. 

Và nên xúc tiến việc vận động hành lang (lobby)

Vụ kiện cá tra, basa là bài học để các DN Việt Nam không thể chủ quan. Ông Quang cho rằng, ngoài sự nỗ lực hết mình của các DN, thì họ cũng đang trông chờ vào giải pháp vận động hành lang của Hiệp hội thủy  sản. Mặc dù trong vụ kiện này, chúng ta không đơn độc, song, ông Quang nhận xét, việc vận động hành lang (lobby) của Việt Nam chưa tốt. Chúng ta dường như chưa quan tâm nhiều đến giải pháp được coi là có hiệu quả này; nếu có, cũng chưa có nhiều hoạt động mạnh mẽ lắm. "Nếu lobby tốt, các chuyên gia Bộ Thương mại Mỹ sẽ còn cân nhắc mức thuế áp với Việt Nam. Chúng ta sẽ có được sự ủng hộ của dư luận - yếu tố quan trọng tác động đến quyết định của DOC. Nếu cứ im lặng thì chúng ta đành chịu thiệt. DN như chúng tôi thì không thể đủ điều kiện để lobby một mình được", ông Quang nói.

PV. VietNamNet hiện đang cùng đoàn nghiên cứu do ActionAid - một tổ chức phi chính phủ Anh - tổ chức, và với Hội Nghề cá, Hội Nông dân Việt Nam tham gia khảo sát đời sống công nhân trong các DN nuôi tôm, sản xuất thức ăn, sản xuất tôm giống và chế biến tôm; các hộ nông dân nuôi tôm, đại lý, người thu gôm nguyên liệu... để điều tra mức độ ảnh hưởng do vụ kiện bán phá tôm của Mỹ gây ra. Chiến dịch này được tổ chức nhằm phản đối vụ kiện, bảo vệ quyền lợi người nghèo liên quan đến ngành tôm và vì thương mại công bằng. Từ 6-17/3, đoàn nghiên cứu đang đi thực địa tại Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Giờ (TP.HCM) và Phú Yên.

Kết quả khảo sát, cùng với những thông tin thu thập được, sẽ được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, gửi tới các cơ quan công quyền của Mỹ để chứng minh Việt Nam không bán phá giá, và nếu bị áp mức thuế cao, đời sống của hơn 4 triệu người liên quan đến ngành tôm của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Chiến dịch dự kiến sẽ kéo dài từ 2/2004 đến hết năm.

  • Hà Yên
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi