,
221
457
Kinh tế thế giới
thegioi
/kinhte/thegioi/
187063
Trung Quốc với chiến lược phát triển nguồn nhân lực
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
,

Trung Quốc với chiến lược phát triển nguồn nhân lực

Cập nhật lúc 18:33, Thứ Ba, 20/01/2004 (GMT+7)
,

Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn nhân lực đang là một trong những khâu yếu nhất của Trung Quốc (TQ) khi chuyển dần sang nền kinh tế tri thức. Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra một cách sâu rộng, mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay, có thể nói tài nguyên con người có tầm quan trọng đặc biệt. Người tài không thiếu, nhưng vấn đề mà Chính phủ TQ đang hết sức quan tâm là làm sao đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong nước; cũng như huy động được sự đóng góp của cộng đồng người Hoa ở nước ngoài.

 

Khuyến khích Hoa kiều về nước làm việc

Một xí nghiệp dược do Hoa kiều thành lập ở Trung Quốc.

Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp nhằm thu hút đông hơn giới doanh nhân, trí thức Hoa kiều trở về nước làm việc. Các thành phố lớn (Thượng Hải, Thâm Quyến, Bắc Kinh…) và một số địa phương khác đã thực thi chế độ đãi ngộ, trả lương cao theo trình độ, cấp nhà ở, bảo hiểm y tế, trợ cấp… cho những người Hoa từ nước ngoài về nước làm việc.

 

Ngày càng có nhiều Hoa kiều đảm nhận chức vụ cao trong những lĩnh vực chủ chốt như tài chính, ngân hàng, các học viện, cơ quan nghiên cứu khoa học… Doanh nhân Hoa kiều được ưu đãi cho vay vốn để khởi nghiệp. Tại  Bắc Kinh, Thượng Hải hay Thâm Quyến có hàng ngàn công ty, xí nghiệp do Hoa kiều thành lập và quản lí.

 

Trung Quốc thực thi chính sách bảo lưu quyền định cư ở nước ngoài cho các trí thức người Hoa về làm việc trong nước. Hiện nay, Chính phủ cũng đang xem xét để cho người nước ngoài có quyền cư trú vĩnh viễn tại đây. Các quy định này được coi là một trong những bước đột phá về chính sách của TQ nhằm thu hút nhiều nhân tài Hoa kiều. Dự đoán trong thời gian tới, số chuyên gia nước ngoài mang quốc tịch TQ sẽ tăng mạnh.

 

Hằng năm, nước này tổ chức các cuộc họp mặt, giao lưu giữa giới trí thức trong nước với hàng ngàn người Hoa đang làm việc tại nước ngoài. Thông qua họp mặt, Hoa kiều hiểu thêm về đất nước, những chính sách cũng như cơ hội làm ăn tại TQ.

 

Tầng lớp trí thức trẻ - nguồn lực quan trọng đối với phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, TQ còn phải tiếp tục thực hiện cải cách cơ chế, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thực thi luật bảo hộ bản quyền một cách triệt để nhằm bảo vệ quyền lợi cho những nhà nghiên cứu. Nguồn lực từ cộng đồng Hoa kiều rất lớn, chỉ tính riêng số sinh viên đi du học ở nước ngoài (chủ yếu tại Mỹ) chưa trở về trong 25 năm qua đã là hơn 400.000 người, phần lớn đều có học vị cao và thành đạt. 

 

Đãi ngộ trí thức trong nước

 Trong những năm qua, TQ rất chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, thu hút nhân tài trong nước. Chính phủ đang đẩy mạnh việc cải cách, quản lý nguồn nhân tài và chuyên gia theo một cơ chế đánh giá và tuyển dụng mới tiên tiến hơn. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho ngành giáo dục liên tục tăng, hiện chiếm khoảng 3,2% GDP của quốc gia.

 

Cơ chế tuyển dụng, bố trí công việc tại các cơ quan nhà nước được thực hiện theo hướng linh hoạt, thiết thực, công bằng: không ràng buộc hộ khẩu, có thể cộng tác thêm nơi khác để tăng thu nhập (miễn là không ảnh hưởng đến công việc tại cơ quan)... Chính quyền địa phương tại thành phố Thượng Hải hay Bắc Kinh thi hành chính sách đãi ngộ nhân tài mà không phân biệt văn bằng, địa vị xã hội hay quốc tịch. Ngoài ra, Chính phủ còn thành lập viện nghiên cứu, quỹ hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy khả năng của họ.

 

Hệ thống tuyển dụng nhân sự được cải tiến rõ nét: chú trọng đến thực lực hơn là bằng cấp, thi tuyển công khai và khoa học, bố trí công việc phù hợp với sở trường của từng cá nhân. Thực hiện chính sách khuyến khích các trí thức trẻ phát huy hết khả năng, sẵn sàng đề bạt họ lên những chức vụ quan trọng nếu đủ khả năng (không còn dựa vào yếu tố thâm niên công tác thuần túy như trước đây).

 

Liên kết người Hoa trên toàn cầu

 

Nhằm tạo cầu nối, tăng cường trao đổi trong cộng đồng người Hoa, Hiệp hội Thanh niên Trung Quốc đã thành lập “The China Youth Exchange Centre” (hoạt động vào đầu tháng 1/2004). Qua trung tâm này, cộng đồng người Hoa trên phạm vi toàn thế giới - nhất là giới trẻ, bất chấp những dị biệt về văn hóa, giáo dục, kinh tế… có thể trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác một cách bình đẳng để cùng nhau phát triển.

 

Hiện nay, trung tâm có kế hoạch kết nạp thành viên, thiết lập các chi nhánh ở nước ngoài, cũng như xây dựng một trang web riêng để làm cầu nối thông tin. Giám đốc trung tâm, bà Lu Hong cho biết, hoạt động của trung tâm nhằm tạo khối thống nhất cho những người trẻ tài năng gốc Hoa trên toàn cầu, cùng nhau đẩy nhanh quá trình phục hưng kinh tế đất nước. Trong đó, việc trao đổi giữa giới trẻ Trung Quốc và Đài Loan được đặc biệt coi trọng.

 

Hôm khai trương trung tâm có sự tham dự của hơn 300 trí thức người Hoa đủ các lĩnh vực, đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ: Hồng Kông, Macao, Đài Loan, Singapore, Pháp, Anh, Thái Lan, Mỹ, Nga…. Ngay tại đây, đã có nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết giữa cơ quan chính phủ với các công ty của Hoa kiều, nhằm tăng cường trao đổi về kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực cho TQ. Ví dụ, liên doanh “Jing Meng High-Tech West Region Investment Company” với một doanh nhân Singapore gốc Hoa đã hình thành, chuyên đào tạo về các lĩnh vực đang rất cần như bảo hiểm, tài chính, quản lý nhãn hiệu. Ông Chong Huai Sen, giám đốc liên doanh cho biết, trong vòng 5 năm, nơi đây sẽ đào tạo được khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực cho TQ.

 

Còn Prasong Owlarn, một doanh nhân Thái gốc Hoa nói: “Việc thành lập trung tâm có một ý nghĩa thiết thực, giúp cộng đồng người Hoa mở rộng việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, tạo nhiều cơ hội hợp tác trên mọi lĩnh vực. Chúng tôi vẫn tiếp tục công việc tại nơi đang sinh sống, đồng thời có thể góp được một phần vào sự phát triển của đất nước Trung Quốc – điều mà trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ đến”.

 

(Hoàng Diệu - Tổng hợp)

,
,