|
Tài sản tịch thu của quản lý thị trường đang ứ đọng (xe máy, tivi, đầu máy nghe nhạc....). |
Tài sản tịch thu sung công quỹ nhà nước do vi phạm hành chính là một nguồn tài sản khổng lồ. Hầu như mỗi ngày các đơn vị chức năng như hải quan, quản lý thị trường, công an, kiểm lâm đều phát hiện vài vụ, thậm chí hàng chục vụ. Nhưng tài sản tịch thu rồi đi về đâu?
Định giá thấp, bán theo đơn xin?
Theo qui định của Sở Tài chính - vật giá TP.HCM, hàng hóa sau khi tịch thu phải chuyển qua sở để tiến hành kiểm kê, trình ra hội đồng định giá và bán đấu giá. Thế nhưng trong danh sách 113 xe gắn máy các loại (tính đến 14/3/2003) đề nghị kiểm kê và định giá, chúng tôi thấy có không ít trường hợp cán bộ ngành công an xin mua và được UBND thành phố phê duyệt. Nhìn vào số xe gắn máy đã định giá chúng tôi thấy giá cao nhất từ 5-7 triệu đồng/xe loại 100 phân khối, trung bình 3-4 triệu đồng/xe, thậm chí có xe chỉ...1 triệu đồng!
Còn trong danh sách 23 ôtô các loại (tính đến 14/3) đề nghị kiểm kê và định giá, số đơn vị đăng ký xin mua đã hơn chục chiếc.
Một cán bộ của một ngành chức năng có “chân” trong hội đồng định giá “bật mí”: “Những trường hợp này đều... tự biết nên đến đăng ký mua, chứ không thông báo công khai. Sau khi định giá thì ưu tiên giải quyết cho các trường hợp này, còn lại tổ chức bán đấu giá công khai (!?)”.
Việc định giá tài sản thường chênh lệch rất nhiều so với giá thị trường nên “xin mua được theo giá khởi điểm là... đỡ lắm”. Bởi vì khi đưa ra đấu giá công khai thì bao giờ giá mua của khách hàng cũng cao hơn 15 - 20%. Ví dụ trong đợt đấu giá ngày 9/9/2003 vừa qua, giá khởi điểm của lô số 1 (234 xe hai bánh và khung xe) là 438 triệu, giá trúng sau khi đấu lên đến 573 triệu; thậm chí có lô vải các loại định giá khởi điểm 449 triệu, nhưng giá trúng lên đến hơn 1 tỷ đồng...
“Quá tải”, nhưng cứ... ôm?!
Hiện hàng hóa tịch thu đang bị ứ đọng hàng loạt tại các ngành chức năng. Tại Chi cục QLTT thành phố tồn đến 86 quyết định xử lý vi phạm hành chính, trong đó có những loại hàng dễ hư như mỹ phẩm, điện thoại di động.
Ở các quận, huyện cũng rơi vào tình trạng tương tự vớI hàng ngàn tài sản đã quyết định tịch thu nhưng không biết giao cho ai!
Ở Cục Hải quan thành phố cũng đang tồn đến 180 biên bản vi phạm hành chính (mỗi biên bản là một loại tài sản, có khi là một lô xe gồm bảy chiếc).
Trong đó, có 28 biên bản tịch thu hàng điện thoại di động, mỗi biên bản trung bình 69 chiếc, có biên bản đã gần chín tháng rồi “nhưng lấn cấn chưa biết giao về đâu”.
Các ngành công an, kiểm lâm cũng đang lâm vào tình trạng tương tự. Thất thoát “vô hình” từ tình trạng nói trên đối với nguồn tài sản tịch thu do vi phạm hành chính là rất lớn. |
“Quá tải”, đó là nhận xét chung của các đơn vị có chức năng xử lý tài sản vi phạm hành chính, từ khi khối tài sản khổng lồ này được giao cho ngành tài chính đảm nhiệm. Do đó, từ tháng 5/2003 TP.HCM đã chỉ đạo theo hướng: nếu giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu dưới 10 triệu đồng thì chuyển cho cơ quan tài chính cấp huyện tổ chức bán đấu giá; nếu giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu của một vụ vi phạm trên 10 triệu đồng thì chuyển cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá thuộc Sở Tư pháp tổ chức bán đấu giá.
Trung tâm dịch vụ bán đấu giá đã mở rộng các phòng tổ chức bán đấu giá, tuyển dụng nhân sự, trang bị phương tiện làm việc. Ông Nguyễn Hoàng Huy, Giám đốc Trung tâm, cho biết trước đây chỉ tổ chức được khoảng 15 phiên đấu giá/tháng, nay có thể đảm đương 80-100 phiên/tháng. Tuy nhiên, từ khi có quyết định trên đến nay “vận động” mãi mới có năm vụ vi phạm được chuyển sang, nên “ngồi chơi mà thấy xót cho tài sản đang bị để hoang phí ở nhiều nơi”.
Ngày 30/7, Phó chủ tịch UBND thành phố Mai Quốc Bình có văn bản nhắc lại chỉ đạo nói trên. Nhưng đúng một ngày sau, 31/7, Bộ Tài chính ra công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương “tiếp tục cho thực hiện việc xử lý tài sản tịch thu do vi phạm hành chính theo đúng nghị định 14 của Chính phủ và các hướng dẫn hiện hành của Bộ Tài chính”. Nghĩa là tài sản tịch thu vẫn giao cho Sở Tài chính tổ chức bán đấu giá như trước.
Theo ông Dương Công Khanh, phó trưởng phòng xử lý Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố, nếu vẫn để Sở Tài chính - vật giá xử lý thì còn tiếp tục tình trạng “quá tải”; còn giao về Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá thì e kinh nghiệm chưa có. Hơn nữa nếu giao cho trung tâm mà hàng vẫn gửi tạm kho của đơn vị thì rất lộn xộn giữa hàng đã giao và chưa giao, kho đâu mà chứa? Ông Khanh cho biết các quận, huyện cũng đang kêu trời vì không biết giao hàng về đâu.
Thất thoát vô cùng lớn
Chi cục trưởng Chi cục QLTT thành phố Huỳnh Tấn Phong lắc đầu: “Hàng thì không ai nhận, không ai định giá, kho lại không còn chỗ chứa, thật như đang ngồi trên đống lửa”.
Tại các cửa khẩu, lượng hàng hóa vi phạm tịch thu như vải, hàng qua sử dụng cấm nhập, trò chơi điện tử... rất lớn. Có ngày, các bộ phận nghiệp vụ đề xuất lên phòng xử lý ra hàng chục quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, theo những qui định, “nếu suôn sẻ thì cũng phải mất 5-6 tháng, thậm chí nhiều hơn mới có thể đem đi bán đấu giá sung công quỹ, lúc đó tài sản đã bị xuống cấp, hư hao đi rất nhiều”, phó trưởng phòng xử lý Cục Hải quan thành phố Trần Hoài Diệp cho biết.
Khác với hải quan, QLTT không đợi sau hơn ba tháng khi chủ hàng không khiếu nại mới ra quyết định tịch thu tài sản vi phạm, mà làm song song giữa giải quyết khiếu nại (nếu có) với ra quyết định tịch thu. Nhưng thời gian cũng không sớm hơn so với hải quan. Riêng đối với hàng có giá trị lớn thì còn phải trình lên UBND thành phố ra quyết định.
Có thể nói tài sản tịch thu vì vi phạm hành chính sau một lần bị mất giá do để tạm giữ lâu ngày trong kho, lại tiếp tục mất giá do định giá thấp hơn giá thị trường làm thất thoát cả tài sản “hữu hình” lẫn “vô hình” của Nhà nước.
(Theo Tuổi Trẻ) |