Ngành may thiếu việc chờ hàng
13:14' 27/09/2003 (GMT+7)

Công nhân  được nghỉ luân phiên. Nếu đi làm hết chẳng biết lấy việc gì cho họ làm?

Không còn cảnh sáng đèn tăng ca. Không còn cảnh công nhân hối hả đóng hàng lên container. Nhiều nhà máy, công ty... ngành may đang trong tình cảnh thiếu hàng làm, công nhân phải nghỉ việc luân phiên...

Tạm nghỉ chờ đơn hàng!

Ông Nguyễn Văn Sinh, phó giám đốc Công ty Công nghiệp thương mại xuất nhập khẩu Tân Phú Cường, thở dài cho biết hiện chỉ có khoảng 7-8 chuyền (25-30 công nhân/chuyền) trên tổng số 24 chuyền là còn làm việc. "Chúng tôi buộc lòng phải cho tạm nghỉ vì có vào cũng chẳng có việc gì để làm", ông Sinh nói. Từ hơn một tháng nay công ty không thể xoay đâu ra đơn hàng để có việc làm cho công nhân. Đơn hàng không có, hạn ngạch xuất khẩu sang Mỹ thì hết nhẵn, hợp đồng mới lại chưa ký được, khách hàng của thị trường cũ lại... chưa quay về!

Công ty T cũng đang phải cố gắng duy trì sản xuất bằng các hợp đồng gia công uỷ thác cho các đơn vị khác để giành công ăn việc làm cho gần 800 công nhân. "Hiện tất cả nhân viên của phòng xuất nhập khẩu đều toả đi khắp nơi để tìm đơn hàng, ông D phụ trách nhân sự, nói. Nguy cơ đứt chuyền trong các tháng cuối năm là điều không tránh khỏi bởi các đơn hàng của công ty đã hết từ cuối tháng 8 vừa qua. Dù đang rất nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới và cố gắng tập trung vào thị phần nội địa nhưng xem ra giải pháp này cũng không mấy khả thi.

Ông Hàn Phúc Sinh, giám đốc doanh nghiệp (DN) tư nhân may Maika, quyết định cho nghỉ khoảng 400 công nhân trong nửa tháng, hưởng 75% lương vì đơn hàng đã cạn. Maika cũng chạy vạy khắp nơi để tìm đơn hàng, dù chỉ là gia công, nhưng xem ra cũng quá khó vì "chỗ nào cũng vậy cũng đói hàng và khát hàng đến cháy cổ", ông Hàn Phúc Sinh than. Không chỉ mỗi mình Maika đang kẹt mà cả liên doanh Đại Quang - Maika với gần 600 công nhân cũng đã cho nghỉ việc cách đây một tháng. Riêng các DN không bị ách lại bởi thị trường Mỹ cũng chỉ có thể cầm cự trong thời gian không lâu vì đơn hàng còn lại cũng rất ít.

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, thừa nhận: “Công nhân của chúng tôi dạo này làm việc rất nhàn hạ!”. Theo ông Hồng thay vì trước đây một chuyến làm 2-3 mã hàng thì bây giờ chỉ còn làm mỗi một mã hàng với số lượng nhỏ giọt vì "nếu đưa hết, công nhân làm xong... sớm lấy hàng đâu ra cho họ làm nữa!". Và thay vì 16h30 tan ca, ông quyết định cho nghỉ sớm nửa tiếng để đỡ... hao điện (!).

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), danh sách các đơn vị thành viên nhờ hội làm đầu mối tìm nguồn hàng cứ ngày một dài ra và vẫn chưa có dấu hiệu dừng.

Vì đâu nên nỗi?

“Chúng tôi đã khuyến cáo DN rất nhiều lần là không nên quá tập trung vào thị trường Mỹ. Xảy ra cớ sự như ngày hôm nay là do chính DN không lo tìm kiếm các thị trường mới và cố gắng duy trì các thị trường truyền thống”, một quan chức của Bộ Thương mại nói. Quả thật, với hạn ngạch (quota) phía Mỹ phân bổ cho Việt Nam không đúng với năng lực sản xuất toàn ngành thì miếng bánh hạn ngạch xem ra chẳng thấm tháp vào đâu đối với DN.

Cơn sốt đua nhau lấy thành tích xuất khẩu dệt may sang Mỹ từ năm 2002 đến tháng 3/2003 đã khiến các DN không còn thời gian nghĩ đến chuyện đàm phán, thương thảo ký hợp đồng với các khách hàng ở các thị trường khác.

Đến khi DN “tỉnh” ra thì chuyện cũng đã rồi: lượng hạn ngạch nhận được rất ít, thậm chí “bé như cái kẹo”, lại lắt nhắt nhiều đợt chẳng bõ bèn gì.

Tuy nhiên, theo các DN, chính Bộ Thương mại cũng góp phần làm cho tình hình trở nên ảm đạm do cách phân bổ hạn ngạch không hợp lý của mình. Thực tế cho thấy vẫn có DN không ký được hợp đồng dù hạn ngạch vẫn còn. "Nhưng do lượng hạn ngạch được phân bổ quá ít, một cat (mã hàng) chỉ được ngàn mấy tá thì ai đâu đi đặt hàng với mình', ông Hồng nói.

Thứ đến, vẫn có DN còn hạn ngạch, đã ký được hợp đồng nhưng hàng không thể xuất sang đối tác vì “Hải quan Mỹ thông báo mã hàng chúng tôi chuẩn bị xuất sang đã đầy”, ông C., giám đốc công ty may T, chua chát nói.

Dẫn đến tình trạng này là do việc cập nhật thông tin giữa Bộ Thương mại và Hải quan Mỹ vẫn chưa được thực hiện thường xuyên và thông suốt. Hậu quả là DN cầm hạn ngạch trong tay mà chẳng biết rằng nó đã hết hiệu lực.

Một lý do khác quan trọng không kém là hầu hết các DN đều không dám ký hợp đồng với khách hàng Mỹ cho năm sau vì không biết chắc lượng hạn ngạch mình được cấp sẽ là bao nhiêu. Bài học "xương máu" hạn ngạch trong năm nay đã làm không ít DN xính vính với hậu quả để lại hết sức nghiêm trọng, khiến đa phần trở nên ngại ngần trong việc thương thảo các hợp đồng mới. Không dấu vẻ bi quan ông Nguyễn Đức Hoan, giám đốc Công ty may Song Ngọc cho biết: "Nếu năm tới mà tình hình vẫn còn găng quá thì có lẽ  tôi cũng sẽ bỏ thị trường Mỹ vì có cố cũng đã vượt quá sức mình''.

Gỡ cách nào?

Có thể thấy giải pháp chủ yếu hiện nay của các DN là cố gắng cầm cự giữ việc cho công nhân làm được ngày nào hay ngày nấy. Thế nhưng, việc tìm kiếm các đơn hàng trở nên khó khăn hơn khi đã có không ít khách hàng ở những thị trường truyền thống (EU, Nhật, Hongkong, Đài Loan...) đi sang các nước Campuchia, Trung Quốc hay Indonesia đặt hàng.

Ở các DN có qui mô lớn, việc vận hành song song giữa thị trường Mỹ và các thị trường truyền thống là điều vẫn thường làm: nếu tắc bên Mỹ thì còn bên kia.

Tuy nhiên, bà Hồ Thu Hà, Phó tổng giám đốc Công ty dệt may Việt Thắng, không giấu được vẻ lo lắng khi cho hay năng suất sản xuất của công ty hiện chỉ còn khoảng 50%. "Tuy không cho nghỉ hẳn nhưng chúng tôi đang áp dụng chế độ nghỉ luân phiên các công nhân. Nếu đi làm hết chẳng biết lấy việc gì cho họ làm, dù hiện nay ai đặt gì chúng tôi cũng làm tất", bà Hà thở dài nói. Ông Đào Hoài Bắc, Phó tổng giám đốc phụ trách nhân sự Công ty dệt may Thành Công, cho biết dù vẫn còn việc làm cho công nhân nhưng chế độ làm việc hiện nay "quy củ" hơn bao giờ hết: tuần làm việc năm ngày (thay vì bảy ngày như trước đây), và ngày làm đúng... 8 tiếng (thay vì 10 tiếng/ngày).

Riêng đối với các DN có qui mô nhỏ hơn, sự lựa chọn thị trường Mỹ và bỏ hẳn các thị trường còn lại để rồi bây giờ “quay về mái nhà xưa” trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. "Đến đầu hay giữa tháng 10 chúng tôi sẽ kiếm được đơn hàng xuất khẩu sang EU, công nhân sẽ làm việc lại nhưng cũng không chắc là...'', ông Hàn Phúc Sinh bỏ lửng câu nói.

May Sài Gòn 3 tuy vẫn duy trì được việc làm cho đến hết năm do thị trường chính tập trung vào Nhật nhưng “giơ tay khác ra nhận làm hàng cho thị trường Mỹ cũng không dám vì thấy phiêu lưu quá”, ông Hồng nói.

Theo các chuyên gia, điều quan trọng hiện nay là làm sao xốc lại được các thị trường truyền thống. Nếu không làm được, chắc chắn DN sẽ còn “khó thở” hơn trong năm sau, khi mà lượng hạn ngạch của Mỹ vẫn không tăng thêm bao nhiêu và khách hàng truyền thống thì vẫn ở một nơi rất xa...

(Theo Tuổi Trẻ)

Tin liên quan:

35 công ty Mỹ yêu cầu không áp dụng hạn ngạch với hàng dệt may VN

Lượng hạn ngạch đã giao không khớp với khả năng bổ sung

DN được ''vay'' hạn ngạch dệt may 2004.

Chính thức giao hạn ngạch dệt may đợt I

Giao hạn ngạch dệt may đợt chót

Công bố tỷ lệ ứng trước hạn ngạch dệt may 2004

Công khai hệ số phân bổ hạn ngạch dệt may vào Mỹ

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nông dân có thể kiện các công ty bán bò kém chất lượng (27/09/2003)
Thiếu nguyên liệu, nhà máy đường Quảng Bình phải di dời (27/09/2003)
Bộ Chính trị vận động dân mua trái phiếu chính phủ (27/09/2003)
Giá cao su sẽ còn tăng (27/09/2003)
Trao thưởng xuất khẩu cho 223 DN (27/09/2003)
Giá phân urê giảm 30.000 đồng/tấn (27/09/2003)
Hoa Đà Lạt long đong! (27/09/2003)
Thiết kế cảng Chân Mây, Dung Quất có an toàn? (26/09/2003)
Sẽ có hệ thống thông tin quốc gia về làng nghề (26/09/2003)
Ngừng cấp visa một số lô hàng dệt may (02/10/2003)
Xác nhận hàng hoá được ưu đãi thuế từ ASEAN (26/09/2003)
TP.HCM thực hiện "cuộc cách mạng" về quản lý xây dựng (26/09/2003)
Triển lãm máy móc, thiết bị và phương tiện giao thông (26/09/2003)
Tập đoàn bất động sản Mỹ mở văn phòng tại Việt Nam (26/09/2003)
2,69 tỷ USD đầu tư dự án Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn (26/09/2003)
Tro ve dau trang