(VietNamNet) - ''Còn nhiều quy định thể hiện sự can thiệp ở mức độ không cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng (TCTD)... Một số thủ tục chấp thuận trước của Ngân hàng Nhà nước đã trở thành một loại giấy phép con gây khó khăn và phiền hà cho TCTD cũng như cho chính Ngân hàng Nhà nước'' - Đó là một lý do quan trọng để Chính phủ cho rằng đã đến lúc phải chỉnh sửa lại Luật Các tổ chức tín dụng.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khai mạc Phiên họp thứ 12 của UBTV Quốc hội.(Ảnh:TTXVN) |
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (22/9) vừa khai mạc phiên họp thứ 12 và các đại biểu đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng của Chính phủ.
Chấm dứt việc chấp thuận từng lần khi phát hành giấy tờ có giá
Dự thảo đã sửa đổi về yêu cầu cải cách hành chính trong hoạt động ngân hàng về bảo đảm tiền vay, kiểm toán. Đây là những sửa đổi nhằm giảm bớt những thủ tục phiền hà, không cần thiết trong hoạt động kinh doanh tạo quyền chủ động cho các TCTD.
Đồng tình với quan điểm của Chính phủ, ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, rất cần đến sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc huy động và sử dụng vốn của các TCTD. Tuy nhiên, việc quản lý bằng cách can thiệp sâu vào hoạt động tự chủ kinh doanh của TCTD như chấp thuận cho phép từng lần đối với việc phát hành giấy tờ có giá là không cần thiết. Dự thảo Luật cần phải đề ra được các quy định cụ thể về điều kiện và tiêu chuẩn của một TCTD được phát hành giấy tờ có giá để huy động vốn, hoặc cần có quy định về nguyên tắc để Ngân hàng Nhà nước quy định những điều kiện để một TCTD được phép phát hành giấy tờ có giá. Điều này sẽ có tác dụng nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc huy động vốn của TCTD.
Về cơ bản, Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách nhất trí với đề nghị sửa đổi đối với các nội dung về chiết khấu, tái chiết khấu, cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác; về giới hạn cho vay bảo lãnh và về tỷ lệ bảo đảm an toàn. Những sửa đổi này nhằm đảm bảo sự phù hợp với thực tế cũng như thông lệ quốc tế, tháo gỡ những vướng mắc, góp phần nâng cao khả năng mở rộng hoạt động tín dụng của các TCTD. Các đại biểu tán thành với nội dung cho phép giấy tờ có giá dài hạn được giao dịch trên thị trường tiền tệ để phù hợp với những sửa đổi, bổ sung trong Luật Ngân hàng vừa được Quốc hội thông qua.
Vì vậy, các đại biểu đề nghị chỉnh sửa điều 46 (phát hành giấy tờ có giá) và điều 122 (về kiểm toán) theo hướng thay vì chấp thuận từng lần, Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định các điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể để trên cơ sở đó các TCTD có thể vận dụng một cách chủ động vào trong hoạt động của mình.
Cấm Chủ tịch HĐQT và TGĐ đồng thời nắm giữ chức vụ cao nhất tại TCTD khác
Luật hiện hành quy định: ''Chủ tịch Hội đồng quản trị của TCTD không được phép tham gia Hội đồng quản trị hoặc tham gia điều hành một tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty của tổ chức tín dụng''. Còn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung chỉ cấm việc kiêm nhiệm đối với hai chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (TGĐ).
Tại kỳ họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu sẽ bàn về Luật Các tổ chức tín dụng; cho ý kiến về một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài; về xử lý các tồn đọng về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách cải tạo XHCN trước 1/7/1991; cho ý kiến về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự; thông qua quy chế hoạt động đối ngoại của các cơ quan của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ sẽ bàn về nhiệm vụ thiết kế Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới; dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2004; nghe Chính phủ báo cáo bước đầu về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và NSNN năm 2003, phương hướng, nhiệm vụ kinh tế xã hội và dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách TW năm 2004; bàn về Luật Phá sản DN (sửa đổi), và cho ý kiến về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. |
Điều 37 Luật hiện hành quy định về việc không cho phép Chủ tịch Hội đồng quản trị của TCTD này tham gia quản trị, điều hành tổ chức tín dụng khác. Mục đích của quy định này để ngăn ngừa khả năng gây ảnh hưởng trong hoạt động tín dụng. Việc dịch chuyển vốn từ TCTD này sang TCTD khác có thể gây rủi ro cho hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng xuất phát từ việc kiêm nhiệm của những người quản trị TCTD. Tuy nhiên, Luật hiện hành chỉ cấm đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, còn TGĐ (giám đốc) điều hành không cấm là không hợp lý, trừ trường hợp TCTD đó là công ty của TCTD. Do vậy, điều 37 và điều 39 được dự kiến sửa đổi theo hướng: Chủ tịch Hội đồng quản trị và TGĐ của TCTD này không được phép làm Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Tổng Giám đốc của TCTD khác. Tuy nhiên, quy định trên sẽ không áp dụng đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân xuất phát từ đặc thù của loại hình TCTD này.
Đa số ý kiến tán thành sửa đổi theo đề nghị của Chính phủ tức là cấm cả Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc không được đồng thời nắm giữ chức vụ cao nhất trong bộ máy quản trị và điều hành tại các TCTD khác vì hai chức danh này mới có vai trò quyết định trong việc điều chuyển vốn từ TCTD này sang TCTD khác, có thể gây rủi ro cho hoạt động ngân hàng.
Sẽ mở rộng đối tượng của các TCTD cổ phần
Các đại biểu trong UBTV và Uỷ ban Kinh tế - Ngân sách đều tán thành với Chính phủ về việc mở rộng đối tượng của các TCTD cổ phần. Trong đó, không chỉ có TCTD cổ phần được thành lập do sự góp vốn của Nhà nước và nhân dân mà còn bao gồm cả hình thức TCTD cổ phần khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp; tán thành mở rộng loại hình tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài gồm các tổ chức tín dụng ngân hàng và TCTD phi ngân hàng.
Bên cạnh đó, có ý kiến nên giữ lại hình thức hợp tác xã tín dụng trong quy định về các loại hình tổ chức tín dụng hợp tác vì nó vẫn đang tồn lại ở nông thôn, bên cạnh các quỹ tín dụng nhân dân. Hơn nữa, để lại loại hình này để tạo ra sự phong phú về các loại hình TCTD hoạt động, tăng thêm khả năng lựa chọn, các đại biểu cho rằng: trên cơ sở các văn bản pháp luật hiện hình thì quỹ tín dụng nhân dân là loại hình kinh tế hợp tác xã do các thành viên là thể nhân và pháp nhân tự nguyện lập ra nên thực chất hợp tác xã tín dụng hoạt động cũng giống quỹ tín dụng nhân dân. Vì vậy, tán thành việc bỏ hình thức hợp tác xã tín dụng trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.
|