Đồng Tháp:
Mua nền chợ hơn 5 năm chưa được sử dụng
17:10' 22/09/2003 (GMT+7)

Đó là tình cảnh trớ trêu của 15 hộ dân sau khi bỏ ra hàng tỷ đồng mua nền chợ do Nhà nước đứng bán khi triển khai dự án xây dựng chợ Trần Quốc Toản (TQT) tại phường 11, thị xã Cao Lãnh (Đồng Tháp). Bà con từng khiếu nại nhiều lần, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh từng trực tiếp chỉ đạo giải quyết, nhưng sự việc vẫn "giậm chân tại chỗ".

Nỗi khổ của người mua

Tiếp xúc với báo chí, ông Lê Thanh Trường, trú ở ấp Tân Hùng, xã Tân Thuận Tây,  Cao Lãnh, cẩn thận mang theo đầy đủ hồ sơ gốc đóng dấu đỏ để chứng minh mọi lời ông kể về câu chuyện khó tin xảy ra ở chợ TQT là hoàn toàn có thật. Ông nói: "Theo chính sách của Nhà nước, các hộ thuộc diện giải tỏa được ưu tiên mua nền để tái định cư, trong đó có bà Trần Thị Ro ở tổ 4, khóm 5, phường 11. Bà Ro bắt thăm trúng lô 5.3, loại nền số 1 có diện tích 40m2 với giá 88 triệu đồng, nộp tiền sử dụng đất (SDĐ) tại Chi cục Thuế thị xã ngày 8/5/1998. Sau đó, bà Ro bán lại cho tôi lô đất trên. Hai bên làm thủ tục sang tên. Ngày 17/2/2000, UBND thị xã chính thức cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ cho tôi, nhưng từ đó đến nay lô 5.3 bị hộ khác chiếm dụng mà chính quyền không hề có biện pháp gì hết. Tổng cộng có 10 hộ đang bị như vậy".

Trường hợp của ông Lê Hữu Phước, trú ở tổ 1, khóm 5, phường 11, còn "éo le" hơn: "Tôi mua lại của ông Nguyễn Hữu Phước (tổ 5, khóm 5, phường 11) lô 5.1, loại nền số 2 có diện tích 50m2, nộp tiền SDĐ 95 triệu đồng tại Chi cục Thuế thị xã ngày 11/5/1998, nhưng không được làm thủ tục sang tên. Có 4 hộ nữa cũng bị như vậy. Chúng tôi khiếu nại nhiều lần, lên tới UBND tỉnh, nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết".

Ông Đặng Ngọc Chiến, Chủ tịch phường 11, thừa nhận với chúng tôi có tình trạng này và cho biết dự án xây dựng chợ TQT không còn do UBND phường làm chủ đầu tư mà đã giao lại cho Ban Quản lý dự án (QLDA) của thị xã. Ông Châu Hữu Hậu, Trưởng ban QLDA thị xã, giải thích: "5 hộ chưa được cấp "giấy đỏ" là do vào thời điểm đó những lô đất họ mua đều có chủ cũ mà những hộ này đều không chịu di dời". Nói chính xác hơn là toàn bộ 28 hộ thuộc diện giải tỏa ở chợ TQT đều không chịu nhận tiền bồi hoàn để tiến hành di dời, từ đó mới dẫn đến chuyện 15 hộ mua nền bị chôn vốn bạc tỷ suốt hơn 5 năm qua.

Giải quyết cách nào?

Ông Nguyễn Thanh Tâm, trú ở tổ 4, khóm 5, phường 11, là một trong 28 hộ cương quyết không chịu di dời, cho biết: "Nền tôi đang ở có diện tích 50m2, dời sang chỗ mới chỉ còn có 40m2 phải mua với giá 1,8 triệu đồng/m2, tức tôi phải tốn 72 triệu đồng. Trong khi đó, Nhà nước chỉ bồi hoàn nhà chứ không bồi hoàn đất, nếu tôi chịu lãnh thì chỉ được 18 triệu đồng. Nhiều bà con ở đây muốn Nhà nước đổi nền lấy nền, chứ tính giá quá cao thì không đủ điều kiện di dời". Ông Tâm còn than phiền về chuyện bắt thăm chọn nền: Nền ông "bắt" được chỉ cách nơi gia đình đang ở có vài chục mét mà phải đập bỏ nhà cũ để xây nhà mới, vừa tốn kém cho ông, vừa lãng phí tiền bồi hoàn của Nhà nước.

Dự án xây dựng chợ TQT được UBND tỉnh chính thức phê duyệt từ ngày 21/8/1996, gồm các hạng mục: nhà bách hoá, nhà nông sản thực phẩm, sân chợ, đường nội bộ, cấp thoát nước, điện, phòng cháy chữa cháy trên diện tích 4.500m2 với tổng vốn đầu tư (dự kiến) hơn 1,487 tỷ đồng huy động từ nguồn bán kiốt và vay ngân hàng, giao UBND phường 11 làm chủ đầu tư. Do tính toán theo phương thức "lấy chợ nuôi chợ" nên đơn giá bán nền được ấn định quá cao, hiện còn 13/28 nền chưa thu được tiền SDĐ và nhà nông sản thực phẩm vẫn chưa được thi công. Là người trực tiếp chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện dự án, ông Châu Hữu Hậu cho biết: "Mắc mứu lớn nhất là bà con thắc mắc vì sao Nhà nước không bồi hoàn đất và đơn giá bán nền tái định cư quá cao. Thực ra, đất quy hoạch chợ TQT là thuộc quyền sở hữu của Nhà nước: UBND phường 11 đã được tỉnh cấp "giấy đỏ" từ trước đó rất lâu.

Ngày 22/8/2001, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Hân cũng đã chỉ đạo tính lại tiền SDĐ theo Quyết định 07 của UBND tỉnh. Đối với những hộ đã nộp tiền rồi, kiểm tra lại nếu cao hơn "07" thì thoái thu cho họ. Theo đó, đơn giá sẽ giảm khoảng 50%, sự chênh lệch tiền bồi hoàn và tiền mua nền mới sẽ không quá lớn". Cũng theo ông Hậu, việc UBND phường 11 tổ chức bắt thăm chọn nền vào năm 1998 đã gây sự xáo trộn không cần thiết. Sắp tới, phường phải họp dân để họ tự thương lượng nhằm tránh lãng phí, đồng thời thực hiện "thoái thu" đối với 15 hộ đã đóng tiền SDĐ và xử lý luôn 13 nền còn lại theo giá "07". Chúng tôi hỏi: "Thưa ông, sắp tới là khi nào?". Trưởng ban QLDA thị xã đáp: "Còn chờ hoàn tất 2 việc là vẽ bản đồ lưới địa chính và tính lại giá mới cho từng lô, UBND thị xã sẽ ra quyết định cụ thể. Tôi nghĩ, chậm lắm là trong tháng 10 để qua Tết Nguyên đán thi công dứt điểm hạng mục chót là nhà nông sản thực phẩm".

Hy vọng điều ông Hậu dự kiến là đúng, bởi tính từ ngày chủ tịch tỉnh trực tiếp chỉ đạo giải quyết vụ việc đến nay đã là... 2 năm! 

(Theo Lao Động)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cục Thuế TP.HCM sẽ phong toả tài khoản DN nợ thuế (22/09/2003)
Thị trường vải ở TP.HCM ế ẩm (22/09/2003)
Giá vàng lên đến 713.000 đồng/chỉ (22/09/2003)
Ngành thép đầu tư lệch, phát triển "ngọn" (22/09/2003)
Ngừng cấp visa một số mặt hàng dệt may (22/09/2003)
Thuỷ lợi chưa đáp ứng tốt nuôi trồng thuỷ sản (22/09/2003)
Vịnh Văn Phong đón tàu dầu khổng lồ thứ 16 (22/09/2003)
Khó mời gọi đầu tư mà vẫn giữ giá độc quyền (22/09/2003)
Các tỷ phú Mỹ giàu hơn (25/09/2003)
Chưa bán được tổng kho của Minh Phụng (22/09/2003)
''Chiến lược kinh tế cần hướng nhiều hơn đến người nghèo'' (22/09/2003)
Đầu tư 4 tỷ đồng phát triển viễn thông các xã miền núi khó khăn (03/11/2003)
13 mặt hàng sẽ được thưởng xuất khẩu (22/09/2003)
Thị trường VLXD và nhà đất trầm lắng (22/09/2003)
''Chiến lược kinh tế đôi khi chưa vì người nghèo'' (03/11/2003)
Tro ve dau trang