|
Hàng lậu ở chợ Đông Kinh được ''hợp thức hoá''? |
Hàng tỷ đồng hàng hoá ngoại nhập không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp nhưng lại được "hợp thức hoá" bằng những bộ hoá đơn, chứng từ khi vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Khi hàng lậu bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện, chuyển cơ quan thuế xử lý thì lại... "tắc" do cơ chế bất cập với thực tiễn.
Hàng lậu vẫn phải... thả!
Minh chứng cho sự "vô lý" này, thiếu tá Dương Công Mạnh, Phó phòng CSKT- CA tỉnh Lạng Sơn cùng một số đồng nghiệp dẫn ra ví dụ: Ngày 3/3/2003, CSKT Lạng Sơn phát hiện xe ôtô mang biển số BKS 29 H- 9917 chở 17 mặt hàng trị giá tới 300 triệu đồng. Chủ hàng đã xuất trình 31 bộ hoá đơn mua từ 12 hộ buôn bán ở TP. Lạng Sơn. Nghi ngờ, cơ quan công an truy ngược lại thì các chủ hộ này đều không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số hàng trên.
Thế nhưng, theo Thông tư 17/1999/TT-BTC của Bộ Tài chính và Công văn 2080/VPCP của Văn phòng Chính phủ thì cơ quan công an vẫn phải "thả" cho hàng hoá đi, còn chuyển hồ sơ sang cơ quan thuế xử lý người bán. Song đáng buồn là ngay cả cơ quan thuế cũng lúng túng chưa biết xử lý thế nào.
Những vụ việc tương tự cũng xảy ra ở Phòng CSGT- CA tỉnh: Ngày 14/5/2003, phát hiện xe 98K- 2465 chở nhiều hàng hoá trị giá hơn 40 triệu đồng; ngày 11/4/2003, phát hiện xe 12 H- 7109 chở lượng hàng hoá trị giá gần 50 triệu đồng; ngày 20/5/2003 phát hiện xe 89 K- 2591 chở số hàng trị giá 20 triệu đồng... Tất cả số hàng này đều là hàng nhập lậu nhưng cũng được hợp thức hoá bằng các bộ hoá đơn chứng từ hợp lý... không chê vào đâu được! Các anh còn cho biết thêm, ở mốc biên giới 05- 06, hàng hoá chỉ cần lăn qua đường biên thì 10 phút sau bọn buôn lậu đã có hoá đơn hợp thức ngon lành.
Đến Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục QLTT Lạng Sơn), quyền Đội trưởng Trần Mạnh Hùng cũng rất bức xúc khi anh đưa ra nhiều vụ tương tự như của công an tỉnh, nhưng vụ mới nhất là vào ngày 29/8/2003, đội phát hiện xe 12H- 5169 chở tới 60 mặt hàng, trị giá gần 300 triệu đồng, trong đó có 25 mặt hàng (có cả số lượng lớn linh kiện xe máy) được hợp thức hoá bằng 35 bộ hoá đơn chứng từ trị giá 113 triệu đồng, nhưng khi truy nguyên, các chủ hàng cũng không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Vụ việc đã được chuyển qua cơ quan thuế xử lý, song xem ra cũng rơi vào... im lặng như nhiều vụ trước đó.
Sự im lặng... có lý!
Mang nỗi bức xúc này đến Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn - Cơ quan phát hành bộ hoá đơn chứng từ cho các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh và cũng là đơn vị xử lý những vi phạm về thuế theo tinh thần Thông tư 17/1999/TT-BTC của Bộ Tài chính. Cục phó Hứa Thanh Hà bày tỏ ngay thái độ: "Chúng tôi cũng cực chẳng đã đây". Theo ông Hà, có 2 nguyên nhân cơ bản khiến Cục Thuế Lạng Sơn lúng túng không biết xử lý thế nào. Thứ nhất, theo tinh thần của Bộ Tài chính là khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể dùng hoá đơn chứng từ để buôn bán ngày càng văn minh, chống trốn lậu thuế, dễ quản lý. ''Tuy nhiên, có một thực tế quá khó cho chúng tôi là một mặt liên tục vận động các hộ này dùng hoá đơn chứng từ, nhưng khi họ dùng hoá đơn thì lại quay sang... phạt họ!". Còn nguyên nhân thứ hai, theo ông Hà, nếu xử phạt theo tinh thần Thông tư 17 nói trên (phạt tiền bằng trị giá lô hàng) thì dường như không có tính khả thi vì chủ hàng hầu hết không có... tiền (có vụ lên tới hàng trăm triệu đồng). Tất nhiên, ông Hà cũng thừa nhận, không ít kẻ buôn lậu đã lợi dụng việc dùng hoá đơn chứng từ để "hợp pháp hoá" một số lớn hàng nhập lậu.
Song theo ông, việc phát hiện xử lý nguồn gốc bất hợp pháp của hàng hoá là của các cơ quan chống buôn lậu, không phải vì vậy mà bỏ việc dùng hoá đơn chứng từ- một phương thức kinh doanh văn minh, tiên tiến hiện nay. Đồng tình với quan điểm này, khi trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Bá Nhiên đặt vấn đề ngược lại: Nếu không phát hành hoá đơn liệu có ngăn được tình trạng buôn lậu? Vì thế vấn đề là ở chỗ quản lý sau phát hành hoá đơn như thế nào để vừa chống được buôn lậu, vừa không "ngăn sông cấm chợ"?
Thực tế "đòi" sửa lại cơ chế
Cái "khó" trong việc xử lý các vi phạm liên quan đến hoá đơn chứng từ không chỉ là chuyện riêng của Lạng Sơn mà cũng là nỗi nan giải của nhiều tỉnh biên giới phía bắc, điển hình là Quảng Ninh.
Nguyên nhân - theo nhiều nhà quản lý lẫn các lực lượng chống buôn lậu - là Thông tư 17/1999 của Bộ Tài chính đã tỏ ra "lạc hậu" so với thực tế hiện nay mà điểm mấu chốt nhất là thiếu chế tài xử lý các hộ bán hàng và bán hoá đơn khi không chứng minh được nguồn gốc hàng hoá hợp pháp. Mặt khác, với thực tế Lạng Sơn thì hai chợ Đồng Đăng và Đông Kinh không được coi là "chợ biên giới" trong khi đặc thù, tính chất của nó rất giống với chợ biên giới (như Móng Cái hay Tân Thanh). Bởi vậy, nếu áp dụng các quy chế với chợ biên giới vô hình trung hai chợ này bị loại khỏi đối tượng và như vậy gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng. Ngoài ra, quy chế, chế tài xử lý với hành vi lợi dụng hoá đơn, chứng từ (như quay vòng hoá đơn- lỗ hổng chính để bọn buôn lậu lợi dụng) lại tỏ ra lúng túng, không có tính khả thi.
Được biết, hiện liên bộ (Công an - Tài chính - Thương mại) đang hoàn thiện thông tư liên tịch sửa đổi lại thông tư 17. Tuy nhiên, một số vướng mắc hình như vẫn chưa đạt được sự đồng thuận nên các lực lượng thực thi ở địa phương vẫn đành phải... chờ và điều này đang làm "oải" không ít tinh thần của những người chống buôn lậu.
(Theo Lao Động) |