Tín dụng ''nóng'', ngân hàng ''rên xiết''!
08:29' 14/09/2003 (GMT+7)

Cho vay khu vực doanh nghiệp nhà nước lớn là một nguyên nhân làm lãi suất tín dụng quá ''nóng''.

Dư nợ NH tại TP.HCM trong 8 tháng vừa qua tăng trưởng đến 39,1% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng tín dụng quá ''nóng'' đã kéo theo lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay liên tục tăng. ''Trong những tháng còn lại cần duy trì mức tăng trưởng tín dụng sao cho tăng trưởng của cả năm 2003 dừng lại ở mức 25-26%, nếu tăng cao hơn mức này sẽ đe doạ nền kinh tế'' - Thống đốc NH Nhà nước Lê Đức Thuý cho biết.

Một cuộc họp bất thường đã được tổ chức sáng 10/9 tại TP.HCM với sự có mặt của Thống đốc NH Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thuý và đại diện hầu hết các NH thương mại trên địa bàn nhằm nhận diện chính xác các vấn đề mà ngành NH đang đối mặt.

Tính đến cuối tháng 8/2003, các NH thương mại địa bàn TP.HCM đã cho vay khoảng 92 170 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp nhà nước chiếm 32,9%, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân chiếm 44,66%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 20,34% và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài chiếm 2,1%.

Các NH cổ phần đang mở rộng cả thị phần cho vay lẫn huy động. NH thương mại nhà nước tuy bị giảm thị phần nhưng vẫn chiếm ưu thế. Trong 8 tháng đầu năm, thị phần của NH cổ phần đã tăng:  huy động tăng 1,2%, cho vay tăng 1,1%.

Dù đã được NH Nhà nước cảnh báo trước đó hơn 2 tháng nhưng tại hội nghị này, các vấn đề nói trên vẫn được tiếp tục đặt ra một cách cấp bách bởi trên thực tế nó hầu như chưa được cải thiện. Các NH thương mại cũng đã thực sự nhận ra các nguy cơ của tình trạng tín dụng tăng trưởng rất ''nóng'', mệt mỏi trước việc phải liên tục ''chạy đua'' tăng lãi suất huy động vốn. Thế nhưng, họ vẫn không thể dừng lại trước nhu cầu vốn tín dụng liên tục gia tăng.

Nguyên nhân dẫn đến tín dụng tăng trưởng ''nóng'' được ông Trần Ngọc Minh - Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM lý giải: ''Sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, tốc độ phát triển các dự án lớn của Chính phủ, các dự án đầu tư phát triển của DN... là nguyên nhân kích thích tăng tổng cung về vốn. Theo đó tác động kích thích lãi suất huy động vốn tăng để thu hút nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng. Và ông thực sự lo lắng về các nguy cơ song hành: ''Lãi suất tăng làm tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng, làm giảm thu nhập, tích luỹ, ảnh hưởng đến các hoạt động dự phòng, tác động trực tiếp đến khả năng tài chính, khả năng kinh doanh của các NH, nhất là các tổ chức tín dụng quy mô nhỏ...''.

Vấn đề ''đau đầu'' nhất của các NH được ông Phạm Văn Thiệt - Tổng giám đốc NH Á Châu (ACB) nêu ra: ''Trong khi có đến 80% vốn huy động là vốn ngắn hạn thì 40% vốn cho vay là vốn trung dài hạn. Lẽ ra, nhu cầu vốn trung dài hạn phải do thị trường vốn trung dài hạn (các loại trái phiếu...) hay thị trường chứng khoán đảm nhận nhưng các thị trường này hiện quá yếu. Quy mô của thị trường chứng khoán hiện rất nhỏ trong khi các loại trái phiếu, tín phiếu... thì tính thanh khoản rất thấp''.

Ông Nguyễn Phước Thanh - Phó tổng giám đốc NH Ngoại thương Việt Nam có ý kiến tương tự: ''Để có vốn trung dài hạn, các NH phải huy động với lãi suất rất cao, đến 8,4-9%/năm. NH Nhà nước đã cho các NH thương mại dùng 20% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; tỷ lệ đó đã được nâng lên 30% và chưa biết bao giờ dừng lại. Để giải quyết vấn đề này cần có chính sách vĩ mô thích hợp''.

Chính sách đó - theo ông Phan Văn Thiệt - phải giải quyết được cả mắc mứu hiện nay các NH mua rất nhiều các loại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu đô thị... Thực chất đó là lấy vốn ngắn hạn huy động của người dân chuyển hoá sang vốn trung dài hạn mà thôi''. Ông Thiệt cũng nêu một thực trạng khác ''các NH quốc doanh hiện chiếm khoảng 80% thị phần tín dụng trong khi vốn tín dụng của NH thương mại quốc doanh chủ yếu đầu tư cho các DN nhà nước. Khoản vốn tín dụng còn lại rất hạn chế trong khi nhu cầu vốn các thành phần kinh tế dân doanh, liên doanh nước ngoài cũng rất cao''.

Vấn đề này được Thống đốc NH Nhà nước Lê Đức Thuý đồng tình: ''Các NH quốc doanh dồn vốn quá lớn cho nhiều công trình dự án trong khi nhiều dự án hiệu quả thấp, tiềm ẩn tính rủi ro cao, làm giảm cung ứng vốn cho các dự án kinh tế khác''. Thống đốc NH Nhà nước Lê Đức Thuý đề nghị ''các NH nên ngồi lại bàn cách để giảm lãi suất hiện nay khoảng 0,02% chọn những dự án khả thi nhất để cho vay; quay vòng vốn nhanh hơn...''.

Đại diện nhiều NH thương mại có mặt tại hội nghị cho biết họ thừa nhận giải pháp mà Thống đốc đưa ra là hợp lý nhất trong tình hình hiện nay. Thế nhưng, gánh nặng kéo theo nhiều nguy cơ đối với các NH chỉ thực sự được giảm bớt khi nào các kênh cung ứng vốn khác như thị trường vốn, thị trường chứng khoán... khác đảm đương được phần nào vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế dồn lên ngành NH như hiện nay.

(Theo Thanh Niên)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Đụng độ'' nảy lửa trong vấn đề nông nghiệp (14/09/2003)
Luật Phá sản sẽ điều chỉnh cá nhân kinh doanh (13/09/2003)
Hungary miễn đàm phán gia nhập WTO với Việt Nam (13/09/2003)
Khởi công công dự án tổ hợp kim loại màu lớn nhất nước (13/09/2003)
Việt Nam cần đẩy mạnh cổ phần hoá (13/09/2003)
Campuchia và Nepal chính thức là thành viên WTO (13/09/2003)
Wave Alpha lại... "sốt" (13/09/2003)
Có gian lận trong xuất hàng dệt may vào Mỹ (13/09/2003)
Giảm hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư cho một số dự án (13/09/2003)
Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn việc mua bán đất trao tay (12/09/2003)
Bãi bỏ việc cấp, đầu tư trở lại từ các khoản thu ngân sách (12/09/2003)
Một số mẫu xe nổi bật tại Triển lãm ôtô Frankfurt 2003 (12/09/2003)
TP.HCM đầu tư 11 tỷ đồng xây dựng trang web (12/09/2003)
Sống hết mình trong môi trường kinh doanh giả định (12/09/2003)
Sắp có nghị định giám sát kiểu bán hàng đa cấp (12/09/2003)
Tro ve dau trang