Doanh nghiệp VN chuẩn bị gì nếu nhân dân tệ tăng giá?
10:52' 11/09/2003 (GMT+7)

Các thông tin gần đây về việc Trung Quốc (Trung Quốc) đang chịu sức ép phải thả nổi đồng nhân dân tệ (NDT) gây ít nhiều băn khoăn. Tỷ giá NDT/USD thay đổi sẽ tác động ra sao tới tình hình kinh tế tài chính của khu vực châu Á? Quan hệ thương mại Việt - Trung nói chung và giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với Trung Quốc nói riêng liệu có bị ảnh hưởng? Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới - ông Đinh Tuấn Việt đã nói về điều này.

Ông Đinh Tuấn Việt: ''Đây là cơ hội cho Việt Nam tăng vị thế xuất khẩu và thu hút đầu tư''.

- Thưa ông, tại sao gần đây việc thay đổi tỷ giá giữa đồng NDT và USD lại nổi lên như là một vấn đề trong quan hệ thương mại Trung - Mỹ và được hầu hết các diễn đàn kinh tế khu vực đề cập tới?

- Đầu những năm 1980, khi Trung Quốc bước vào công cuộc cải cách và mở cửa kinh tế, Trung Quốc ấn định mức tỷ giá 2,4 NDT/USD. Tới những năm 1990, khoảng 10 năm sau cải cách, nền kinh tế Trung Quốc có những bước phát triển mạnh mẽ thể hiện ở xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Các nhà quản lý ở Trung Quốc hiểu rằng một tỷ giá hối đoái cố định sẽ không giúp kích thích tăng trưởng và xuất khẩu.

Do vậy Trung Quốc bắt đầu hướng tới một cơ chế tỷ giá mềm dẻo với sự tham gia nhiều hơn của các yếu tố thị trường nhưng vẫn có sự kiểm soát của nhà nước. Tỷ giá đồng NDT vào mức khoảng 5,8 - 5,9 NDT/USD những năm 1990-1993.

Đến cuối năm 1993, đầu năm 1994, để kích thích xuất khẩu hơn nữa, Trung Quốc đã quyết định chuyển tỷ giá lên 8,7 NDT/USD. Sau nhiều lần điều chỉnh, tỷ giá này dừng ở mức khoảng 8,2 - 8,3 NDT/USD và duy trì từ năm 1994 tới nay.

Những lợi thế về một đồng tiền rẻ đã khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc ngày càng chiếm lĩnh thị trường thế giới. Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ tính toán rằng đồng NDT đang được định giá thấp hơn 15-40% giá trị thực của nó và cho rằng tỷ giá nên ở mức 6-7 NDT/USD là chính xác.

Phía EU cũng cho rằng đồng NDT đang thấp hơn khoảng 20% giá trị, đề nghị thay đổi tỷ giá ở mức 6,5 NDT/USD. Như vậy yêu cầu thả nổi đồng NDT đưa ra với Trung Quốc mang ý nghĩa tăng giá trị đồng NDT so với USD.

Xin lưu ý điều này bởi vì rất nhiều người vẫn nghĩ các thông tin gần đây về thả nổi hay phá giá đồng NDT tức là đồng NDT bị mất giá trị so với USD, mang ý nghĩa tiêu cực, bất ổn về kinh tế.

- Vì sao Mỹ lại muốn phía Trung Quốc tăng giá trị NDT? Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến quan hệ thương mại Mỹ - Trung?

- Theo phía Mỹ, việc định giá đồng NDT thấp hơn giá trị của nó là một dạng trợ giá cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Do giá thành rẻ, hàng Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường thế giới hơn bao giờ hết.

Năm 2002, thâm hụt thương mại (nhập nhiều hơn xuất) của Mỹ vào khoảng 500 tỷ USD thì có tới 100 tỷ USD là thâm hụt với Trung Quốc. Hơn nữa, việc có một đồng NDT rẻ đã khiến môi trường đầu tư của Trung Quốc hấp dẫn và các nhà đầu tư Mỹ đã và đang chuyển sang đầu tư sản xuất ở Trung Quốc.

''Còn quá sớm để đi tới một kết luận về việc đồng NDT đang thấp hay cao hơn giá trị. Vì vậy, sẽ là không khôn ngoan nếu như Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá dựa trên những giả định như vậy'', thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (Ngân hàng Nhân Dân) Chu Tiểu Xuyên phát biểu trên Tân Hoa xã ngày 8/9.

Phía Mỹ ước tính riêng việc các nhà sản xuất Mỹ chuyển sang đầu tư ở Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đã khiến nước Mỹ mất đi 2,6 triệu việc làm trong ba năm gần đây.

Điều này gây áp lực có lẽ còn cao hơn chuyện thâm hụt thương mại bởi sắp đến mùa bầu cử ở Mỹ, những vấn đề thất nghiệp, việc làm luôn là vấn đề nóng hổi của mỗi kỳ bầu cử.

Tuy nhiên, phía Mỹ cũng đang phải cân nhắc. Lý do là với mức dự trữ ngoại tệ khoảng 300 tỷ USD (lớn thứ hai trên thế giới sau Nhật Bản), Trung Quốc hiện là khách hàng hàng đầu mua trái phiếu chính phủ của Mỹ.

Việc tăng giá trị đồng NDT có thể làm giảm nguồn thu ngoại tệ của Trung Quốc (từ xuất khẩu và từ đầu tư nước ngoài) khiến Mỹ có thể mất đi một khách hàng lớn trong thị trường vốn.

- Như vậy theo ông, việc tăng giá trị đồng NDT có sớm xảy ra?

- Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hơn ai hết hiểu rằng việc tăng giá trị đồng NDT sẽ khiến các DN xuất khẩu của Trung Quốc gặp khó khăn do hàng xuất khẩu giảm tính cạnh tranh về khía cạnh giá, từ đó dẫn tới tình trạng các DN phải đóng cửa và thất nghiệp tăng. Việc giảm xuất khẩu, giảm thu hút đầu tư cũng có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Tuy nhiên, do Trung Quốc đã gia nhập WTO cũng phải đối mặt với sức ép mở cửa ngành tài chính, dịch vụ ngân hàng.

Theo như thỏa thuận với WTO, các ngân hàng và định chế tài chính nước ngoài sẽ được kinh doanh bằng đồng NDT tại Trung Quốc vào năm 2006. Đến lúc đó, tỷ giá tiền tệ sẽ được quyết định hoàn toàn bởi thị trường.

Trước áp lực này, Trung Quốc cũng đang trong quá trình mở cửa khu vực tài chính, ngân hàng để nâng cao năng lực và tăng tính cạnh tranh cho các ngân hàng trong nước.

Như vậy, một sự thay đổi tỷ giá đồng NDT ngay lập tức sẽ khó xảy ra nhưng rất có thể Trung Quốc sẽ áp dụng một cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn được điều tiết chủ yếu bởi lực lượng thị trường.

Hoặc cũng có thể Trung Quốc sẽ cho áp dụng một biên độ giao động rộng hơn đối với tỷ giá đồng NDT thay vì một biên độ quá hẹp như hiện nay.

- Việc tăng giá trị đồng NDT, nếu xảy ra, có ảnh hưởng đến thương mại Việt-Trung?

- Chúng ta hiện đang xuất sang Trung Quốc khoảng 1,5 tỷ USD, chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhập khẩu vào khoảng 2,2 tỷ USD. Phần lớn các giao dịch với các DN ''thị tứ'', các DN vừa và nhỏ ở vùng ven của Trung Quốc và nhất là giao dịch biên mậu thường thanh toán bằng nội tệ.

Theo tôi, tác động trực tiếp từ việc tăng giá NDT không nhiều bởi tổng trao đổi mậu dịch song phương sẽ khó có bước đột phá. Tất nhiên các DN Việt Nam đang nhập khẩu hàng của Trung Quốc sẽ phải tính toán để mở rộng thị trường nhập khẩu của mình bởi giá hàng Trung Quốc sẽ cao hơn song tác động rõ nét hơn là tác động gián tiếp.

Do thay đổi tỷ giá, hàng xuất khẩu của Trung Quốc có thể kém cạnh tranh hơn so với hàng hóa các nước khác tại thị trường nước thứ ba, và Trung Quốc sẽ kém hấp dẫn hơn trong việc thu hút đầu tư. Đây là cơ hội cho Việt Nam và các nước trong khu vực tăng vị thế xuất khẩu của mình cũng như thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài.

- Từ chuyện đồng NDT, ông có nghĩ rằng việc thay đổi giá trị đồng Việt Nam được đặt ra với Việt Nam?

- Chúng ta đang thực hiện một cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nhiều so với Trung Quốc, có sự tham gia của nhiều yếu tố thị trường hơn. Tỷ giá đồng Việt Nam so với USD hiện giờ phản ảnh tương đối xác thực hiện trạng của nền kinh tế.

Theo tôi, mức tỷ giá hiện nay là khá hợp lý. Tuy nhiên, khi Việt Nam càng hội nhập với thế giới, mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa kinh tế Việt Nam và các nước càng nhiều thì những tranh cãi về giá trị đồng tiền hoàn toàn có thể xảy ra.

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hàn Quốc tái mở thầu mua 20.000 tấn gạo (11/09/2003)
Giá thuốc nội giảm mạnh, thuốc ngoại tăng (11/09/2003)
Cá basa Việt Nam an toàn hơn cá Mỹ (11/09/2003)
Mía đường ngày càng đắng! (11/09/2003)
Sắp có Hiệp hội kinh doanh chứng khoán (10/09/2003)
Cẩn thận khi mua vàng! (10/09/2003)
''Đang có một dòng đầu tư của các DN Nhật vào Việt Nam'' (03/11/2003)
Khó đòi hàng trăm tỷ đồng nợ thuế nhập khẩu (10/09/2003)
Hầu hết các công trình trọng điểm quốc gia đều chậm (10/09/2003)
Đăk Lăk lo được mùa ngô (10/09/2003)
Hải Phòng tồn đọng gần 400 tấn cá đặc sản (10/09/2003)
TP.HCM đề ra 11 chương trình hội nhập kinh tế (10/09/2003)
Đối tác nước ngoài làm môi giới xuất khẩu phải nộp thuế (10/09/2003)
Tháo gỡ vướng mắc cho đấu giá đất ở quận Tây Hồ (10/09/2003)
Cần đẩy mạnh việc phát triển và ứng dụng CNTT (10/09/2003)
Tro ve dau trang