|
Với giá mía hiện nay thì người nông dân ''tạm sống'' được. |
Do khó khăn từ các yếu tố tạo nên giá thành đường công nghiệp gây nên giá thành cao, giá bán lại thấp cho nên hầu hất các công ty, nhà máy đường hiện chưa thoát cảnh lỗ lã, nhất là ở nhà máy mới khi khấu hao còn rất lớn: giá bán buôn tại các nhà máy chỉ 3.600-3.800 đồng/kg, âm 600-800 đồng/kg giá so với giá thành.
Cho đến nay, tổng diện tích mía niên vụ 2003-2004 hiện có: 305.000 ha (giảm 10.000 ha so với vụ trước), trong đó, vùng nguyên liệu cho nhà máy là 236.380 ha, diện tích đã ký hợp đồng là 194.811 ha. Dự kiến năng suất bình quân 52 tấn/ha sẽ cho sản lượng mía ước tính khoảng 15,8 triệu tấn. Với sản lượng mía trên sẽ sản xuất được 1,2 triệu tấn (quy đường trắng), trong đó, sản xuất công nghiệp 1,02 triệu tấn, đường thủ công 180 ngàn tấn.
Sống còn của ngành mía đường nói chung và từng công ty, nhà máy đường nói riêng là làm thế nào để hạ được giá thành mía, đường? Trước hết là phải thâm canh, tăng năng suất trồng mía trong đó khâu giống cực kỳ quan trọng. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều giống có tiềm năng năng suất cao, cần duy trì; các giống cũ đã thoái hoá cần nhập giống mới, nhân rộng thay thế, giống tốt cần đi đôi với các biện pháp thâm canh để có năng suất cao từ 60 đến 100 tấn/ha.
Sau đó, ngành mía cần thực hiện Quyết định 80 về ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm thành nề nếp; thống nhất mua mía theo giá sàn, giá trần, không mua mía sô tại ruộng mà mua tại nhà máy quy chữ đường, mía sạch... để đảm bảo tính minh bạch, đôi bên đều có lợi. Từng công ty nhà máy đường phải tự cứu mình trước bằng cách hạ mức chi phí nguyên liệu; tăng cường công tác quản lý, tận dụng sản xuất từ các phụ phẩm để có mặt hàng sau đường. Giải pháp tài chính, tín dụng phải gắn liền với sắp xếp đổi mới doanh nghiệp để làm ăn có hiệu quả. Giải pháp tình thế cho việc điều chỉnh vốn, lãi suất, thuế, khấu hao, xem xét nợ từ chênh lệch tỷ giá, có thể khoanh, giảm nợ cũ cho các công ty, các nhà máy đường là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, ngành tài chính, ngân hàng không thể hỗ trợ mãi ngành đường khi làm ăn không có lãi. Vai trò của chính quyền TW và địa phương phối hợp quản lý tạo mối thống nhất, chặt chẽ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ mía đường. Chính phủ đang nghiên cứu những kiến nghị của Bộ NN&PTNT và các Bộ ngành chức năng về hỗ trợ, tạo cơ hội cuối cùng cho ngành mía đường trụ vững được. Ngành mía đường phải tự cứu mình trước khi người khác cứu!
Vụ sản xuất kinh doanh mía đường năm 2002-2003, diện tích trồng mía cả nước đạt 315.000 ha, có sản lượng là 14,7 triệu tấn mía cây, chế biến được trên 1,2 triệu tấn đường (quy đường trắng) trong đó chế biến công nghiệp 1.050 triệu tấn đường thủ công: 150 ngàn tấn. Phần lớn mía của bà con nông dân đã được tiêu thụ hết với giá khá ổn định ở mức 200.000 - 220.000 đồng/tấn (quy 10 chữ đường tại ruộng) đúng giá hợp đồng với công ty, nhà máy đường. Lượng đường hầu hết đã được tiêu thụ, trong đó bán trong nước khoảng 1 triệu tấn, xuất khẩu 50.600 tấn, hiện còn tồn kho khoảng 140.000 tấn vừa đủ để cung cấp cho nhu cầu. Người tiêu dùng trong nước tiếp tục được ăn đường với giá hạ 4.500-5.000 đồng/kg đường trắng và đường luyện. |
(Theo NNVN) |