Hầu hết các công trình trọng điểm quốc gia đều chậm
15:29' 10/09/2003 (GMT+7)
 
 
Mô hình Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - 1 trong 4 dự án trọng điểm quốc gia.

Ngày 9/9, tại Hà Nội, ông Trương Quang Được - Phó Chủ tịch Quốc hội, đã làm việc với Bộ Công nghiệp về tiến độ thực hiện 4 công trình trọng điểm quốc gia (Khí điện đạm Bà Rịa - Vũng Tàu, Khí điện đạm Cà Mau, Thuỷ điện Sơn La, Nhà máy lọc dầu Dung Quất); đồng thời nghe báo cáo về hoạt động khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường ngành công nghiệp giai đoạn 2001 - 2003.

Khí điện đạm Bà Rịa - Vũng Tàu: Điều chỉnh tiến độ

Dự án này bao gồm 15 dự án thành phần, với tổng đầu tư lên đến gần 6,1 tỷ USD, được Quốc hội thông qua năm 1997. Đến nay, nhiều dự án đã được ký kết, cấp phép đầu tư và đang triển khai thực hiện, một số dự án đã đưa vào vận hành và phát huy hiệu quả như phần chu trình đơn dự án Nhà máy điện Phú Mỹ 2-1 mở rộng, Phú Mỹ 1, LPG Dinh Cố, hệ thống phân khí thấp áp. Các dự án phát triển mỏ khí lô 06.1, đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn, Trung tâm Phân phối khí Phú Mỹ đã hoàn thiện và chính thức đưa vào vận hành an toàn từ cuối năm 2002 đầu 2003 và đảm bảo công suất cấp khí trên 10 triệu m3/ngày. Đối với dự án này, do một số hạng mục vướng giải phóng mặt bằng, Bộ Công nghiệp đã đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh tiến độ.

Cụm khí điện đạm Cà Mau: Vừa chậm, vừa tăng thêm 150 triệu USD

Theo nhận xét của Bộ Công nghiệp, dự án này đang gặp nhiều khó khăn. Việc hoàn thành toàn bộ dự án có thể kéo dài tới cuối năm 2006, chậm nhiều so với thời hạn nhận khí mà Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (PV) thoả thuận với nhà thầu Malaysia. Về hiệu quả đầu tư, vốn đầu tư đã tăng 15% (đối với dự án đạm). Tồn tại lớn nhất của gói thầu EPC nhà máy đạm Cà Mau là một số phát sinh liên quan tới phần xử lý nền móng khu công nghệ và trong hàng rào nhà máy, nhà thầu chào giá không bao gồm các công việc chủ đầu tư đã làm (trị giá 36 triệu USD), tỷ giá USD thay đổi. Bộ Công nghiệp kiến nghị tiếp tục hỗ trợ để dự án nhà máy đạm được áp dụng một số cơ chế đặc biệt, cơ chế bù giá đạm và có sự điều tiết tiến độ đồng bộ giữa các dự án.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Đang xem xét gói thầu số 1

Tính đến nay, tiến độ 7 gói thầu của công trình khổng lồ này (trị giá hơn 1,2 tỷ USD) được triển khai như sau: Gói thầu số 2 (khu bể chứa dầu thô) và số 3 (bể chứa sản phẩm, tuyến ống dẫn sản phẩm) đang được Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) thực hiện, đạt khoảng 50% giá trị về thiết kế; gói thầu số 4 (trạm rót dầu không bến và đường ống ngầm đang xem xét; gói thầu 5a (đê chắn sóng), nhà thầu Lũng Lô đã xây dựng được 500m gốc đê đến cao trình 2,75m nhưng hiện đang phải tạm dừng vì phát sinh túi bùn; các gói thầu 5b (cảng xuất sản phẩm), số 7 (khu nhà hành chính và các xưởng phụ trợ) đang triển khai. Riêng gói thầu số 1, trị giá 742 triệu USD, "trái tim" của nhà máy vẫn đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ.

Dự án Thuỷ điện Sơn La: Năm 2005 khởi công xây dựng

Để khởi công công trình vào năm 2005, chạy tổ máy 1 vào năm 2012 và hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2015, một loạt hạng mục như đường đến công trường, điện, khu tái định cư... đã được thực hiện trong thời gian qua. Quy hoạch tổng thể di dân tái định cư đang được Bộ NN&PTNT cùng UBND hai tỉnh Sơn La, Lai Châu thực hiện.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Quang Được nhấn mạnh: Bộ Công nghiệp cần tập trung đặc biệt đến việc lo vốn, chú ý đẩy  nhanh tiến độ của các dự án trọng điểm. Vướng mắc ở đâu cần chủ động đề xuất với Chính phủ những biện pháp tháo gỡ. Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ Quốc hội - ông Hồ Đức Việt cũng lưu ý Bộ Công nghiệp rằng, việc các dự án trọng điểm quốc gia nói trên (đặc biệt là Khí điện đạm Cà Mau và Dung Quất) chậm tiến độ đã làm giảm hiệu quả của dự án, giảm tính cạnh tranh, làm thiệt hại cho nền kinh tế nói chung. Bộ Công nghiệp cần làm việc kỹ với các chủ đầu tư, các đơn vị thực hiện dự án, để đẩy nhanh hơn tiến độ các công trình.

Về Chương trình khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường 2001 - 2003 của Bộ Công nghiệp, đồng chí Trương Quang Được chỉ đạo: Ngành công nghiệp phải đặc biệt chú ý đến sự hài hoà giữa phát triển và gìn giữ môi trường bền vững trong Chiến lược phát triển ngành; phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam phải cơ bản trở thành một nước công nghiệp; xây dựng những tiêu chí cụ thể của điều đó; trong quá trình phát triển phải đặc biệt lưu tâm đến sở hữu công nghiệp, đến xây dựng và bảo vệ môi trường.

(Theo Lao Động)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đăk Lăk lo được mùa ngô (10/09/2003)
Hải Phòng tồn đọng gần 400 tấn cá đặc sản (10/09/2003)
TP.HCM đề ra 11 chương trình hội nhập kinh tế (10/09/2003)
Đối tác nước ngoài làm môi giới xuất khẩu phải nộp thuế (10/09/2003)
Tháo gỡ vướng mắc cho đấu giá đất ở quận Tây Hồ (10/09/2003)
Cần đẩy mạnh việc phát triển và ứng dụng CNTT (10/09/2003)
Thành lập Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (10/09/2003)
Thắp sáng niềm tin và cơ hội cho tài năng kinh doanh trẻ (10/09/2003)
OCI ''tham chiến'' thị trường Internet phone Việt Nam (10/09/2003)
Đà Nẵng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư về môi trường (10/09/2003)
Xe đạp điện vắng khách (10/09/2003)
Chuẩn bị ký kết gói thầu số 1 nhà máy lọc dầu Dung Quất (10/09/2003)
Giá vàng tăng chóng mặt (03/11/2003)
Rẹm ''xơi tái'' 8.000 ha tôm, người dân khốn đốn (09/09/2003)
Giá mủ cao su xuất khẩu tăng (09/09/2003)
Tro ve dau trang