Thắp sáng niềm tin và cơ hội cho tài năng kinh doanh trẻ
11:16' 10/09/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) -  5 giải vàng, 5 giải bạc và 10 giải đồng đã được trao cho các thí sinh tại đêm chung kết cuộc thi "Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ", diễn ra tối 9/9, tại Hà Nội. Song, điều mà Ban tổ chức kỳ vọng, là sau khi được phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng, họ sẽ trở thành những nhà quản lý, nhà kinh doanh giỏi, các chuyên gia xuất sắc có khả năng vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học kinh doanh.

Trải qua 3 vòng thi, là 10 gương mặt tiêu biểu nhất, họ đã cùng thi đấu trên một sân chơi chung, một "thương trường" sớm để khẳng định tài năng của mình. Nói như lời ông Phan Diễn - Uỷ viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, đây là một hướng đi đúng, và cũng là một cuộc thử nghiệm táo bạo. Bởi theo ông, "trong khi đất nước đang phát triển theo hướng kinh tế thị trường, rất cần một đội ngũ kinh doanh, một đội ngũ doanh nhân thuộc nhiều thành phần kinh tế, có tài, có khả năng đua tranh, sánh vai ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới, để quản lý các DN và nền kinh tế nước nhà".

Tự tin và nhanh nhạy

Tại đêm chung kết, các thí sinh đã phải trải qua 4 vòng thi. Vòng một kiểm tra tố chất thông minh bằng phương pháp trắc nghiệm. Với các câu hỏi đa dạng, về mọi lĩnh vực, từ kinh doanh đến hiểu biết chính trị - xã hội, văn hoá nghệ thuật, như: mục tiêu của một DN là như thế nào, đồng EU tăng giá so với USD phản ánh điều gì, tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2002 là bao nhiêu, bước đầu tiên trong chiến lược nhân sự của công ty, "vô vi" là triết học của tôn giáo nào, tổng thống hiện thời của Philippines là ai, tác phẩm nào là của Shakespeare?... Hầu hết các thí sinh đều trả lời đúng, đặc biệt trong phần thi này, thí sinh Kim Ngọc Minh dẫn đầu với số câu trả lời đúng là 9/10.

Sau vòng hai là thi đấu theo đội, tại vòng thi thứ ba, các thí sinh đã nếm thử sự quyết liệt của thương trường thông qua việc đấu giá các sản phẩm. Với một số vốn nhất định, các thí sinh phải mua với giá hợp lý, sao cho việc đầu tư hiệu quả nhất. Phần thi này thể hiện khả năng nhạy bén, sự thông minh và quyết đoán của các nhà kinh doanh tương lai trước những biến động, rủi ro bất thường của thị trường.

Có chiến lược kinh doanh trong... 1 phút rưỡi

Song, phần thi thu hút được sự quan tâm của khán giả, cũng như khiến 10 thí sinh phải huy động tối đa yếu tố nhanh nhẹn, tài xử trí, óc phân tích, tổng hợp, nói chung là phải động não nhiều nhất, chính là phần trả lời câu hỏi của Ban giám khảo. 8 thành viên Ban giám khảo đã đưa ra những câu hỏi hóc, như về chiến lược, kế hoạch mở rộng thị trường, phát triển nhân lực của công ty, làm thế nào để xây dựng được thương hiệu, chúng ta đang gặp khó khăn gì trong hội nhập kinh tế quốc tế... Có lẽ, bản thân họ là những doanh nhân, cũng phải vắt óc nghĩ hàng tháng, hàng năm, nhiều năm trời, trong khi các thí sinh chỉ được trả lời trong một phút rưỡi, với một câu hỏi chính và hai câu hỏi phụ. Đây thực sự là một cuộc đấu trí giữa hai nhà kinh doanh, hai thế hệ kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều vị khán giả đã phải trầm trồ, khen ngợi sự giỏi giang, thông minh, nhanh nhạy của các thí sinh. Ví như đối với câu hỏi và phần trả lời của Chủ tịch Hội các nhà DN trẻ Trương Gia Bình với thí sinh Ngô Thị Ngọc Anh, hay câu hỏi của ông Dương Viết Roãn đối với thí sinh Đặng Quốc Hiệp; đại diện Công ty Kỹ thuật Dầu khí (Tổng công ty Dầu khí Việt Nam) đối với bạn Nguyễn Quang Tiệp...

So tài. Ảnh: Việt Dũng

VietNamNet xin trích một trong những đoạn phỏng vấn đó: Ông Dương Viết Roãn, hỏi: Một trong những hoạt động nổi bật nhất của chúng tôi là xuất khẩu và chế biến hoa quả sang thị trường châu Âu. Theo bạn, làm thế nào để khai thác tối ưu nhất thị trường này? Thí sinh Đặng Quốc Hiệp: Theo em, SANAM cần phải tiến hành 4 bước: phát triển thương hiệu tại thị trường này; nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt được những tiêu chuẩn quốc tế, như ISO 9000, ISO 14000, HACCP... ; xây dựng một kênh phân phối hợp lý, có thể thông qua các hệ thống siêu thị lớn của châu Âu như Carefour, Wallmart... ; xây dựng sản phẩm đặc biệt, mang đậm tính nhiệt đới của Việt Nam. Hỏi: Việc xây dựng thương hiệu của SANAM sẽ được triển khai như thế nào? Trả lời: Có 4 bước, gồm đăng ký nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu, củng cố thương hiệu và đa dạng hoá sản phẩm, phù hợp thị hiếu khách hàng. Hỏi: Nếu một DN bị mất uy tín trên thương trường, bằng cách nào nhanh nhất để vực dậy uy tín của DN đó? Trả lời: Công ty khi gặp khó khăn, thì một trong những vấn đề lớn nhất là quản lý. Em sẽ xây dựng một đội ngũ quản lý hợp lý và cố gắng huy động một đội ngũ nhân viên, nhân lực tốt.

Đại diện Công ty Kỹ thuật Dầu khí, chất vấn: Trong việc phát triển dịch vụ dầu khí ra nước ngoài, cần có những điều kiện gì? Thí sinh Nguyễn Quang Tiệp: Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy tiếp nhận những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới để chuyển giao cho các nước khác; nâng cao trình độ cho CBCNV của mình; kết hợp với các công ty dầu khí lớn để cùng nhau đầu tư; đề nghị Chính phủ tạo hành lang pháp lý thông thoáng (ông Tiến khen câu trả lời rất tốt). Hỏi: Khó khăn của các DN Việt Nam nói chung khi hội nhập kinh tế quốc tế? Trả lời: Hạn chế lớn nhất của các DN Việt Nam, theo em, là trình độ của đội ngũ quản lý và tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, kế đó là quy mô về vốn. Hỏi: Trong vòng chung kết hôm nay, có tới 6/10 bạn là nữ, vậy trong 7-10 năm tới, liệu Việt Nam có tới 60% DN vừa và nhỏ là của nữ không? Trả lời: Không có gì đáng xấu hổ khi chúng ta có những người phụ nữ tài năng. Khi đất nước càng ngày càng có nhiều phụ nữ đứng trên bục cao danh vọng là điều càng mừng, vì điều đó chứng tỏ xã hội chúng ta ngày càng công bằng, dân chủ và văn minh.

Qua đánh giá công minh của Ban giám khảo, cuộc thi chung kết "Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ" đã lựa chọn được 5 thí sinh đạt giải vàng, gồm : Nguyễn Quang Tiệp (sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, ĐH Ngoại thương), Đặng Quốc Hiệp (SV năm thứ 3, chuyên ngành tiếng Anh thương mại, ĐH Ngoại thương), Kim Ngọc Minh (SV năm thứ 4 khoa QTKD, ĐH Ngoại thương), Ngô Thị Ngọc Anh (SV năm thứ 4, QTKD - ĐH Ngoại thương) và Lê Thị Thanh Tâm (Khoa Thị trường chứng khoán - Học viện Ngân hàng); 5 giải bạc gồm Ngô Việt Đức, Phùng Ngọc Hạnh, Vũ Minh Hường, Quách Thu Phương và Nguyễn Thị Thanh Sơn. Mỗi giải vàng được nhận một học bổng MBA 100% mang tên nhà tài trợ và tiền mặt (tổng trị giá 78 triệu đồng); mỗi giải bạc là một học bổng MBA 50% (39 triệu đồng).

Ảnh: Việt Dũng

Theo đánh giá của Trưởng ban tổ chức cuộc thi, thì các thí sinh đã thực sự trưởng thành, mà ở độ tuổi này, bản thân họ cũng chưa thể làm được. "Ban Giám khảo cũng tự nhận thấy, với năng lực của mình, cũng không thể lựa chọn được hoàn toàn chính xác, nhưng tin rằng, họ đều là người chiến thắng". Ông Phương Hữu Việt, Phó Chủ tịch Hội các nhà DN trẻ, thì khẳng định, sau khi được đào tạo, những gương mặt xuất sắc này sẽ trở thành những doanh nhân giỏi ở độ tuổi dưới 35. Với lý tưởng và hoài bão, giàu nghị lực, có đạo đức và tri thức, họ sẽ đưa khoa học kinh doanh vào thực tiễn, tránh phải đi đường vòng như thế hệ trước.

Cuộc thi nào cũng có người thắng thua, người được và không được, song, liệu những cá nhân xuất sắc này có trở thành những nhà kinh doanh giỏi trong tương lai hay không, còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, vào quá trình bồi dưỡng, kinh nghiệm, khả năng và trải nghiệm thực tế.

  • Hà Yên

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
OCI ''tham chiến'' thị trường Internet phone Việt Nam (10/09/2003)
Đà Nẵng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư về môi trường (10/09/2003)
Xe đạp điện vắng khách (10/09/2003)
Chuẩn bị ký kết gói thầu số 1 nhà máy lọc dầu Dung Quất (10/09/2003)
Giá vàng tăng chóng mặt (03/11/2003)
Rẹm ''xơi tái'' 8.000 ha tôm, người dân khốn đốn (09/09/2003)
Giá mủ cao su xuất khẩu tăng (09/09/2003)
Chính phủ huy động 63.000 tỷ đồng qua trái phiếu (09/09/2003)
Bán đường cho dân quản để bảo trì đường bộ? (09/09/2003)
11 người châu Á lọt vào danh sách giàu nhất thế giới (09/09/2003)
Quảng bá du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc (09/09/2003)
Rút kiến nghị đánh thuế muối ăn (09/09/2003)
Cuộc chiến lãi suất đã chấm dứt (09/09/2003)
Đồng nát... đắt hàng! (08/09/2003)
Thêm một dự án luyện cán thép (08/09/2003)
Tro ve dau trang