|
Hàng hoá Việt Nam xuất vào Nam Phi vẫn phải qua trung gian. |
Ông Nguyễn Khánh Toàn - tuỳ viên thương mại của tham tán thương mại Việt Nam tại Nam Phi - cho biết: Việt Nam đang xuất vào Nam Phi các mặt hàng gạo, giày dép, cao su, cà phê, hạt tiêu, hàng dệt may với tổng kim ngạch gần 50 triệu USD/năm. Tuy nhiên hiện mối quan hệ làm ăn giữa DN hai nước chủ yếu thông qua các nước thứ ba và các DN liên doanh.
Tuy nhiên, tình hình có nhiều cải thiện vì đã có những DN Việt Nam sang Nam Phi khảo sát trực tiếp. Những vấn đề nào cần chú ý liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu, cải cách tính thuế, những điều kiện cần thiết khi đưa hàng nhập khẩu Nam Phi?
Theo ông Nguyễn Khánh Toàn, trước hết, tất cả các nhà nhập khẩu phải đăng ký với Ban quản lý thuế vụ hải quan trước khi bán hàng tới Nam Phi để được cấp số đăng ký (registration number, hay còn gọi là custom code number). Khi nhập khẩu hàng, ngoài thuế đánh theo giá hàng, một số mặt hàng phải chịu thêm mức thuế định lượng (specific duties) và thuế đặc biệt (excise duties). Loại thuế này áp dụng cho các mặt hàng nhập khẩu giống như thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào hàng tiêu thụ trong nước. Ví dụ: nước khoáng, rượu, bia, chất có cồn, xì gà, thuốc lá, thuốc tẩu và dầu hoả. Nhưng mức thuế đánh vào các mặt hàng được sản xuất trong nước khác với mức đánh vào hàng nhập khẩu. Ngoài ra còn có thuế xăng dầu (fuel levy) được áp dụng cho xăng, dầu có gas, dầu diesel và các dạng tổng hợp của dầu lửa với các chất dầu bôi trơn.
Riêng thuế VAT được áp dụng khác Việt Nam, ở mức 14% cho tất cả hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu cũng như tiêu thụ trong nước. Thuế VAT được áp dụng trên cơ sở giá bán đối với hàng tiêu thụ nội địa và giá FOB đối với hàng nhập khẩu công thêm 10% chi phí vận tải và các phí không hoàn lại khác của Hải quan nếu có. Bên cạnh các loại thuế trên, cảng phí cũng được đánh vào hàng nhập khẩu ở mức 1,78% trên tổng giá trị FOB của lô hàng với mức áp dụng tối đa 9.000 rand/tấn hoặc m3 (khoảng 73 rand đổi được 1 USD).
Hiện nay các mặt hàng nhập khẩu chỉ được phép nhập khẩu nếu có giấy cho phép nhập khẩu của Cục Quản lý xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương Nam Phi. Riêng một số mặt hàng đòi hỏi phải có thêm các giấy phép khác chẳng hạn như trà phải xin giấy phép nhập khẩu trước khi hàng chuyển đi Nam Phi ít nhất hai tuần. Việc cấp phép không mất phí và được tiến hành trong ba ngày kể từ ngày đăng ký.
(Theo Tuổi Trẻ) |