Tiền lương và hạnh phúc
18:39' 06/09/2003 (GMT+7)
 

Kiếm thêm được nhiều tiền không hẳn làm người ta hạnh phúc.

Các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy khi các nước phát triển ngày càng giàu có hơn, người dân của các nền kinh tế này dường như lại không cảm thấy hạnh phúc hơn. Các nhà kinh tế lý giải thế nào về hiện tượng này?

Theo kết quả của các cuộc điều tra gần đây, nhìn chung người dân ở Mỹ, châu Âu và Nhật hiện không cảm thấy hài lòng với cuộc sống của họ so với những năm 50. Điều này quả là đáng ngạc nhiên vì thông thường người giàu dường như bao giờ cũng ''sống khoẻ'' hơn người nghèo. Chẳng hạn, trong số một phần tư người Mỹ giàu nhất, có 37% cho biết họ ''rất hạnh phúc'', trong khi đó tỷ lệ này ở một phần tư nhóm người Mỹ nghèo nhất chỉ là 16%. Nhìn vào những con số này, chúng ta dễ lầm tưởng rằng, khi một nước giàu có hơn và thu nhập tăng lên thì người giàu cũng như người nghèo đều cảm thấy hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Điều nghịch lý ở đây là: một cá nhân sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nếu anh ta giàu có hơn, nhưng khi toàn bộ xã hội giàu có hơn, dường như không ai cảm thấy hài lòng hơn.

Tính thích nghi nhanh

Trước đây, người ta thường đánh giá hạnh phúc của người dân một nước qua mức sống của nước đó. Trong trường hợp này, chỉ tiêu mà các nhà kinh tế hay sử dụng là tổng thu nhập tính trên đầu người (GDP). Thế nhưng, điều nghịch lý trên đã buộc các nhà kinh tế phải nghiên cứu khái niệm ''hạnh phúc'' dựa trên những thước đo mới.

Richard Layard, một nhà kinh tế của trường Kinh tế London, đã xem xét vấn đề hạnh phúc dựa trên nhiều yếu tố khác nhau thuộc về tâm lý học, xã hội học và những nguyên lý của riêng mình để trả lời câu hỏi tại sao con người không cảm thấy hạnh phúc hơn khi giàu có hơn. Theo Layard, một trong những yếu tố có thể lý giải cho điều nghịch lý này là ''tính thích nghi nhanh'' của con người: con người thường tự điều chỉnh mình rất nhanh chóng trước những thay đổi về điều kiện sống. Do vậy, những cải thiện về mức sống chỉ có thể làm cho họ vui lên một lúc, nhưng niềm vui này rồi cũng nhanh chóng qua đi. Chẳng hạn, 30 năm trước đây, một hệ thống sưởi ấm trung tâm cho một căn nhà được xem là một thứ hàng xa xỉ nhưng nay nó đã trở thành nhu cầu thiết yếu.

Hạnh phúc là hơn người khác

Một nguyên nhân khác quan trọng hơn khiến con người không cảm thấy hạnh phúc hơn khi kiếm được nhiều tiền hơn là họ thường có xu hướng so sánh mình với người khác. Ví dụ, khi các sinh viên Đại học Harrvad được hỏi sẽ chọn công việc nào nếu: (a) Mức lương của họ là 50.000 USD một năm trong khi lương của những người khác chỉ bằng một nửa con số này, hoặc (b) Mức lương của họ là 100.000 USD một năm trong khi mức lương của những người khác sẽ gấp đôi con số này, đa số đã chọn công việc (a). Họ cảm thấy vui hơn khi có ít tiền hơn, miễn là họ khá hơn người khác chứ không coi trọng mức lương tuyệt đối. Điều này cho rằng cố làm việc hết sức tích cực hơn thực tế không đem đến cho con người nhiều hạnh phúc như họ mong đợi. Bởi lẽ, khi họ kiếm được nhiều tiền thì người khác cũng làm được điều đó.

Thiếu thời gian để nghỉ ngơi

Điều tồi tệ hơn là làm việc vất vả hơn để kiếm được nhiều tiền hơn nhằm mưu cầu một đời sống vật chất khá hơn thậm chí còn làm cho con người trở nên buồn rầu hơn trước đây nếu như họ không có đủ thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi, giải trí. Khi các sinh viên Đại học Harvard được hỏi sẽ chọn công việc nào nếu: (c) họ sẽ có hai tuần để nghỉ phép, trong khi những người khác chỉ có một tuần, (d) họ sẽ có bốn tuần nghỉ phép trong khi những người khác có tám tuần, đa số chọn (d). Layard cho rằng kết quả này phản ảnh một thực tế là ở các xã hội phát triển con người có xu hướng làm việc vất vả hơn để tiêu thụ nhiều hàng hoá vật chất hơn, trong khi ít có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn hơn, và đây chính là nguyên nhân khiến con người cảm thấy không hạnh phúc hơn dù kiếm được nhiều tiền hơn người khác.

Các học thuyết kinh tế cổ điển cho rằng việc đánh thuế có thể tác động đến việc chọn lựa giữa nghỉ ngơi giải trí và làm việc tích cực để có mức thu nhập cao. Thuế thu nhập cao sẽ làm giảm động lực làm thêm giờ hoặc nỗ lực làm việc để được thăng chức. Chẳng hạn, thuế thu nhập ở Mỹ thấp hơn ở châu Âu nên các công nhân được giữ lại nhiều thu nhập hơn từ việc làm thêm ngoài giờ. Các nhà kinh tế cho rằng, đây chính là lý do tại sao dân Mỹ lại làm việc nhiều hơn dân châu Âu. Trong 20 năm qua, số giờ làm việc trung bình hàng năm của người Mỹ không ngừng tăng lên trong khi con số này ở châu Âu lại giảm mạnh: hiện nay trung bình, thời gian làm việc của người Mỹ 15%.

Phân tích của Layard cho thấy vấn đề không phải là người châu Âu làm việc quá ít mà là người Mỹ làm việc quá nhiều với mong muốn có thêm thu nhập nhằm bắt kịp với những người xung quanh, thay vì dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Các nhà kinh tế cho rằng xác định một mức thuế thu nhập hợp lý cũng góp phần giúp con người tự điều chỉnh giữa công việc và nghỉ ngơi, giải trí nhằm có một đời sống hạnh phúc hơn.

(Theo TBKTSG)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hà Nội công bố quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Cầu Giấy (06/09/2003)
PB Air tăng chuyến trên đường bay Bangkok - Đà Nẵng (06/09/2003)
TV, máy lạnh được sản xuất tại... chợ (03/11/2003)
Tư vấn công trình giao thông thiếu cả ''tài'' lẫn ''tâm''? (06/09/2003)
Đẩy mạnh bán trái phiếu đô thị TP.HCM ở phía Bắc (06/09/2003)
Larry Ellison - Người đe doạ thế độc quyền của Microsoft (06/09/2003)
''Lỗ hổng'' lớn trong hướng dẫn viên du lịch (06/09/2003)
Thay đổi cách nhìn về thương nhân (06/09/2003)
Vàng lên giá do chính sách duy trì đồng tiền yếu (09/09/2003)
ASEAN đạt được thoả thuận tiến gần một thị trường chung (09/09/2003)
Dự án đấu giá đất tại quận Thanh Xuân vẫn ách tắc (05/09/2003)
Việt Nam dự triển lãm hoa quốc tế tại Moscow (05/09/2003)
TP.HCM tìm đường cho xuất khẩu thiết bị (05/09/2003)
Khơi dậy niềm đam mê kinh doanh (09/09/2003)
Quảng Nam điều chỉnh giá đất ở khu kinh tế mở Chu Lai (09/09/2003)
Tro ve dau trang