Chuyện Công ty Vientiane Industrial Gas (Lào) và P.K Metal Sheet (Thái Lan) vừa ký hợp đồng đặt mua tám loại thiết bị trị giá 3 tỷ đồng đã làm nhiều đơn vị chế tạo máy trong nước xôn xao. Đó là những thiết bị nằm trong chương trình ''Chế tạo thiết bị với giá thấp có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập'' của TP.HCM.
''Thông qua mối quan hệ của một số công ty nước ngoài làm việc tại Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KH-CN & MT), những công ty này khi về Lào và Thái đã nói lại bên Việt Nam có thể tạo được các thiết bị này. Sau đó, họ đã trao đổi trực tiếp với nơi nghiên cứu, thiết kế chế tạo máy để đặt hàng'', ông Phan Minh Tân - Phó giám đốc Sở KH-CN & MT TP.HCM - cho biết. Ông Tân cho rằng từ trước đến nay chương trình chưa hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Nay có đặt hàng từ nước ngoài mới ''phát hiện'' ra mình có khả năng cung ứng thiết bị ra nước ngoài!
''Chúng tôi đang tìm cách thay đổi cơ cấu cơ quan quản lý nhà nước, thôi làm giùm chức năng môi giới, quảng bá thiết bị công nghệ. Vấn đề này cần phải làm thật chuyên nghiệp nếu muốn đi đường dài'', ông Tân cho biết. Chính vì vậy sở trình UBND thành phố đề án thành lập ''trung tâm thiết kế chế tạo thiết bị công nghệ mới'' và đã được duyệt. Kinh phí của trung tâm sẽ do thành phố đầu tư với khoảng vài chục tỷ đồng, chủ yếu phục vụ công tác thiết kế chế tạo các thiết bị mẫu. Từ các thiết bị mẫu này công nghệ sẽ được tiếp tục hoàn chỉnh để có thể đưa ra thị trường thương mại hoá trong thời gian ngắn. Còn hiện nay thị trường công nghệ và chuyển giao trong nước còn tương đối nhỏ, chưa phát huy được tiềm lực vốn có.
Thứ đến, cơ chế điều hành của chương trình vẫn còn nhiều trở ngại, nhất là về mặt pháp lý. Chẳng hạn, trong những năm qua, sở quản lý chương trình này chỉ dưới hình thức dự án sản xuất thử nghiệm của một đề tài khoa học. Tức vẫn có xét duyệt dự án, thẩm định, nghiệm thu, xét duyệt tài chính... Chưa kể các định mức kinh phí áp dụng cho loại dự án sản xuất thử nghiệm này cũng không phù hợp. Đây chính là rào cản, khiến quy mô thiết bị của chương trình chỉ gói gọn ở mức ''tầm tầm'': lớn không lớn, nhỏ không nhỏ...
Trong năm 2003 này, chủ trương của thành phố đã quyết định chuyển hẳn loại dự án này sang thành dự án đầu tư để dễ giải quyết về tài chính. Tiếp nữa là vấn đề bản quyền tác giả cũng cần phải xem xét lại.Vì đây là chương trình lấy kinh phí từ thành phố giao cho các nhà khoa học (nhiệm vụ chính chỉ nghiên cứu, chế tạo) thực hiện nên lợi ích phân chia sẽ ra sao nếu sản phẩm nghiên cứu đã được thương mại hoá với số lượng lớn? Vấn đề bảo hộ quyền tác giả cũng vậy. Riêng với sự phối hợp giữa các ngành nghề cũng chưa được tốt lắm. Chính sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các sở ngành đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp ở các vùng xa (khối quận, huyện) không tiếp cận được với chương trình, thậm chí có doanh nghiệp còn không biết trong nước có thể chế tạo loại máy nào mình cần.
Các thiết bị đã chế tạo và đưa vào ứng dụng khẳng định khả năng chế tạo thiết bị trong nước là hoàn toàn có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu của doanh nghiệp cần trong nhiều lĩnh vực với giá thành chỉ bằng 30-60% so với thiết bị nhập ngoại. Còn hướng xuất khẩu? ''Phải cần thời gian, nhất là sau cuộc triển lãm tại Thái Lan (nơi đặt hàng yêu cầu mang thiết bị sang triển lãm toàn quốc vào tháng 11 tới), chúng ta mới đánh giá được hết hiệu quả cũng như tiềm năng của chính mình. Nhưng tôi cho rằng có thể tạo ra bước đột phá trong chủ trương tìm đường xuất khẩu cho thiết bị'', ông Tân khẳng định.
(Theo Tuổi Trẻ) |