(VietNamNet) - Ngân hàng Chính sách xã hội vừa đệ đơn lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) về việc nâng mức cho vay đối với học sinh và sinh viên từ 200.000 đồng/tháng/1 sinh viên lên 300.000 đồng/tháng/1 sinh viên. Họ cho rằng việc này nhằm tạo điều kiện cho sinh viên đáp ứng được chi phí học tập tối thiểu trong điều kiện giá cả thực tế đã tăng lên.
|
Hiện một sinh viên khó khăn được vay 200.000 đồng/tháng từ ngân hàng. |
Tuy nhiên, nếu xét theo các quy định thì mức cho vay này do Hội đồng quản trị của Ngân hàng Chính sách (NHCS) quyết định và công bố trên cơ sở nhu cầu vay vốn và khả năng của họ. SBV cho rằng, việc này sẽ làm tăng kế hoạch vốn huy động và cho vay của NHCS cũng như việc cấp bù chênh lệch lãi suất của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính. NHCS sẽ phải xin ý kiến 2 cơ quan trên.
Bên cạnh đó, NHCS cũng đề nghị với SBV việc sẽ không cho học sinh, sinh viên đứng ra vay trực tiếp như hiện nay mà chuyển sang cho vay đối với hộ gia đình học sinh, sinh viên. SBV cho rằng việc thay đổi cách thức cho vay thuộc thẩm quyền của NHCS nhưng khuyến cáo, ''do học sinh sinh viên và gia đình không sống chung với nhau nên việc cho vay và thu nợ trực tiếp từ gia đình học sinh sinh viên sẽ phát sinh thủ tục phức tạp''; yêu cầu NHCS cần có khảo sát thực tế tại các trường đại học để có giải pháp về quy trình thủ tục không quá phức tạp đối với sinh viên.
Ngoài ra, NHCS cũng đề nghị được điều chỉnh lãi suất cho vay học sinh, sinh viên từ 0,45%/tháng lên 0,5%/tháng; đồng thời bỏ quy định miễn lãi trong thời gian ân hạn khi cho sinh viên vay mà lãi tiền vay sẽ được tính cả trong thời gian này bởi việc này sẽ làm tăng ý thức trả nợ của sinh viên và hạn chế cho vay vượt mức cần thiết. SBV cho phép NHCS thực thi phương án này nhưng số lãi này sẽ chỉ phải trả kể từ khi học sinh, sinh viên tốt nghiệp đến khi hết thời hạn vay.
|