Có thể thanh toán cước điện thoại bằng thẻ ATM
15:33' 26/08/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Khách hàng dùng thẻ ATM của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) tại TP.HCM từ hôm nay (26/8) đã có thể dùng ATM thanh toán phí điện thoại và Internet với bưu điện. Không lâu nữa, dịch vụ này cũng sẽ được sử dụng trên địa bàn Hà Nội và các thành phố lớn trong cả nước.

ATM sẽ thay đổi thói quen ưa sử dụng tiền mặt trong thanh toán.

Một dịch vụ thương mại điện tử có tên gọi ''Vietcombank Cyber Bill Payment'' (V-CBP) đã được VCB đưa vào khởi động sáng nay. Dịch vụ này cho phép khách hàng có thể qua trang web www.vietcombank.com.vn hoặc bằng ATM để thực hiện miễn phí các giao dịch: Thanh toán cước phí điện thoại, chuyển tiền, thanh toán phí bảo hiểm (Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential và Công ty Bảo hiểm AIA), thanh toán các loại phí dịch vụ khác như cước phí internet, tiền điện, nước... và trả tiền mua hàng hoá tại các siêu thị, cửa hàng trên 14 tỉnh.

Với V-CBP, hệ thống thanh toán của Vietcombank được kết nối trực tuyến với hệ thống của các nhà cung cấp hàng hoá và dịch vụ, tạo điều kiện thực hiện giao dịch trực tuyến với thời gian xử lý giao dịch chỉ tính bằng giây, chính xác và an toàn. Bà Nguyễn Tú Anh - Trưởng phòng Quản lý thẻ VCB cho biết, thời gian tới số lượng các nhà cung ứng hàng hoá và dịch vụ cũng như địa bàn được kết nối với V-CBP sẽ sớm được mở rộng tới bưu điện các tỉnh, thành phố lớn và các đơn vị thu phí điện, nước và điện thoại di động.

VCB hy vọng rằng, V-CBP sẽ đóng vai trò là kênh kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ, hàng hoá và người tiêu dùng, phát huy tối đa vai trò trung gian tài chính của Ngân hàng. Việc phát triển kênh thanh toán không dùng tiền mặt này sẽ góp phần từng bước thay đổi thói quen ưa sử dụng tiền mặt trong thanh toán của đại bộ phận dân cư, giảm chi phí xã hội, nâng cao khả năng quản lý tiền tệ của Nhà nước. V-CBP cũng tạo tiền đề cho việc phát triển dịch vụ thương mại điện tử Business to Business, Business to Customer... tại Việt Nam.

Đang có khoảng hơn 120.000 tài khoản cá nhân đã được mở tại Vietcombank, trong đó gần 10.000 chủ tài khoản đã tham gia dịch vụ Internet-banking và 87.000 là chủ thẻ ATM. Hiện đã có gần 3 triệu giao dịch bằng thẻ Connect 24 được thực hiện và doanh số sử dụng của thẻ này đã vượt con số 1.500 tỷ đồng.

Kết nối với dịch vụ V-CBP, các nhà cung cấp dịch vụ, hàng hoá sẽ tiết kiệm được chi phí nhân công, trụ sở, chi phí thu giữ, vận chuyển và bảo quản tiền mặt. Đồng thời hiệu quả đồng vốn của các đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hoá cũng sẽ được nâng cao, vì ngay khi khách hàng thực hiện lệnh thanh toán thông qua V-CBP, tiền sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản của các đơn vị này và bắt đầu sinh lãi.

Về phía người tiêu dùng, khi sử dụng dịch vụ V-CBP, họ sẽ được chủ động chi trả các phí dịch vụ, thanh toán tiền mua hàng hoá mọi nơi, mọi lúc với tiêu chí nhanh chóng và an toàn, không phải trả phí giao dịch và phí đăng ký sử dụng dịch vụ.

Phó Tổng giám đốc Vietcombank - bà Nguyễn Thu Hà - cho biết, mục tiêu của VCB là sẽ mở rộng mạng lưới máy ATM trên cả nước lên 200 vào cuối năm, đồng thời mở chiến dịch khuyếch trương mạng lưới chấp nhận thẻ ATM.

  • Hồng Phúc - Thu Hường

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Trái phiếu đô thị ''giữ nhiệt'' cho thị trường tín dụng (26/08/2003)
Vòng 4 Hiệp định Hàng không Việt-Mỹ diễn ra vào tháng 10 (26/08/2003)
Thông qua Luật Hàng hải sửa đổi vào cuối năm 2004? (26/08/2003)
Bước ngoặt về phát triển Internet tại Việt Nam (03/11/2003)
Kinh doanh xăng dầu sẽ không được bù lỗ (25/08/2003)
Hai ngày, đạt 60 tỷ đồng đấu giá đất ở Đền Lừ 2 (25/08/2003)
Thanh toán không dùng tiền mặt phải trả thêm phí? (25/08/2003)
Giá tiêu dùng tháng 8 tiếp tục giảm (25/08/2003)
Nhập khẩu ôtô nguyên chiếc giảm mạnh (25/08/2003)
Máy bay ''made in Vietnam'' cất cánh (25/08/2003)
Thuỷ sản "sạch" - yêu cầu số 1 để vào thị trường EU (25/08/2003)
Việt Nam sở hữu chiếc Boeing đầu tiên (25/08/2003)
Việt Nam sở hữu chiếc Boeing đầu tiên (02/11/2003)
Cơ hội nhận tài trợ không hoàn lại (25/08/2003)
Việt Nam bị động trong nuôi trồng thuỷ sản bền vững (25/08/2003)
Tro ve dau trang