Việt Nam bị động trong nuôi trồng thuỷ sản bền vững
07:52' 25/08/2003 (GMT+7)
Đa dạng hoá đối tượng nuôi là một trong những biện pháp phát triển NTTS ven biển bền vững.

(VietNamNet) - Ông Trần Văn Nhường, Quản đốc dự án VIE/97/030 về chính sách phát triển nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) ven biển bền vững, cho biết, gần đây, tốc độ chuyển đổi cơ cấu chóng mặt và việc phát triển NTTS tự phát đã tác động tiêu cực đến môi trường, như rừng ngập mặn bị phá, dịch bệnh và ô nhiễm phát sinh. Trong khi đó, các chính sách và biện pháp quản lý môi trường NTTS ven biển rất không đồng bộ.

Phong trào NTTS đang tiếp tục phát triển mạnh cả về diện tích, sản lượng và giá trị hàng hoá. Tính đến nay, diện tích nuôi trồng đã tăng lên gần 1 triệu ha. Song song đó, quá trình tăng thâm canh cũng diễn ra ngày càng mạnh. Tất cả các nỗ lực này đã góp phần đưa thuỷ sản thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm vị trí thứ 3 về giá trị xuất khẩu (năm 2001 và 2002).

Yếu tố môi trường bị đe dọa 

Tuy nhiên, ông Trần Văn Nhường cho rằng, việc thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo đã phần nào tác động không thuận đến NTTS ven biển bền vững. Mặc dù Bộ Thuỷ sản đã xây dựng chiến lược SAPA - “Phát triển bền vững NTTS phục vụ xoá đói giảm nghèo”, song, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng ven biển còn khá lớn. Do vậy, phát triển NTTS ven biển sẽ tác động trực tiếp, gián tiếp, có tính tích cực hoặc tiêu cực đến xoá đói giảm nghèo vùng ven. Ai cũng biết, nuôi tôm là nghề siêu lợi nhuận, song, độ rủi ro rất cao. Điều tra của Viện Kinh tế Quy hoạch thuỷ sản cho thấy, tại ĐBSCL, năm được mùa nhất vẫn có khoảng 20% số hộ lỗ.

Bên cạnh đó, việc NTTS ven biển không theo quy hoạch khiến cho dịch bệnh bùng phát và tác động ngược trở lại môi trường, như làm thay đổi các bãi triều, đầm phá hoang hoá hay bãi cát ven biển. Gần đây, thực hiện chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cả diện tích trồng lúa, làm muối hoặc trồng cói năng suất thấp ven biển cũng được đưa vào NTTS. Phát triển NTTS dẫn đến mất rừng ngập mặn, mất bãi đẻ tự nhiên của các loài thuỷ sinh vật và phá vỡ cảnh quan vùng ven biển. Ông Trần Văn Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư Trung ương, nhận xét, chừng nào con người còn tự ý lấy nước ngầm, nước mặt để NTTS, thì chừng đó, NTTS ven biển vẫn chưa thực sự bền vững. Cũng không ai dám khẳng định rằng, 100% người dân không sử dụng sản phẩm biến đổi gen trong thức ăn, hoá chất, kháng sinh... trong quá trình nuôi.

Ở một cách tiếp cận khác, vùng ven biển lại ít có cơ hội sinh kế. Nếu không phát triển nghề NTTS ven biển, người dân quay lại đánh bắt và khai thác tài nguyên tự nhiên. Với áp lực dân số ngày càng tăng, việc khai thác này có thể dẫn đến tình trạng cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường. Do đó, cần thiết phải phát triển NTTS, cải tiến phương pháp quản lý tài nguyên thiên nhiên, song, phát triển và cải tiến như thế nào là điều đáng bàn.

Theo ông Hà Xuân Thông, Viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch thuỷ sản (Bộ Thuỷ sản), cung cầu và giá cả thị trường cũng là những yếu tố tác động đến NTTS bền vững. Khi sản phẩm đã xuất ngoại thì rủi ro và bất ổn định về thị trường là rất khó dự báo. Sự bất ổn định này có thể tác động xấu, đẩy người sản xuất vào tình thế: khi sản phẩm bán chạy thì đẩy mạnh nuôi, đến khi nuôi quá nhiều lại không tiêu thụ hết. Đó là chưa kể, nhiều thị trường nhập khẩu đã đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

NTTS ven biển được quản lý theo ngành dọc thuộc Bộ Thuỷ sản. Tuy vậy, sự phát triển không ngừng của nó đang làm cho hệ thống quản lý nhà nước về NTTS ven biển trở nên bất cập. Đa số các địa phương không có đủ biên chế cán bộ với năng lực phù hợp để thực hiện tốt công tác quản lý NTTS bền vững. Với đặc trưng sản xuất hộ gia đình quy mô nhỏ, nếu không kịp thời phát triển hình thức quản lý NTTS dựa vào cộng đồng và đồng quản lý để hỗ trợ cho quản lý nhà nước thì nghề NTTS ven biển Việt Nam sẽ gặp rất nhiều vấn đề nan giải về dịch bệnh, ô nhiễm và suy thoái môi trường.

4 giải pháp

Do vậy, tại hội nghị định hướng phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững NTTS ven biển, tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành thuỷ sản cần thực hiện đồng bộ 4 giải pháp.

Thứ nhất, cần nhanh chóng xây dựng hệ thống quan trắc và kiểm soát môi trường. Đây sẽ là cơ sở xây dựng hồ sơ nguồn gốc sản phẩm để trình cho các nhà nhập khẩu trong trường hợp họ yêu cầu. Chính phủ và chính quyền địa phương đã nhận thức rõ điều này. Tuy vậy, theo Phó Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, ông Bùi Văn Thưởng, đến nay, ngoài tỉnh Bến Tre đã có hệ thống quan trắc, việc triển khai hệ thống cảnh báo môi trường vẫn rất chậm.

Thứ hai, đa dạng hoá hình thức và đối tượng NTTS ven biển. Đến nay, đối tượng NTTS ven biển chủ yếu là tôm sú. Ngoài ra, các đối tượng NTTS ven biển khác cũng đang được chú trọng phát triển như tôm thẻ chân trắng, các loài giáp xác khác như cua, ghẹ; các loài nhuyễn thể, rau câu và cá biển. Sự đa dạng về hình thức nuôi là cần thiết, phản ánh đúng thực lực của hộ gia đình nông dân NTTS hiện nay, được thực hiện bằng cách nuôi các loài bản địa hay các loài nhập từ nước ngoài vào. Việc du nhập này chứa đựng nguy cơ sinh học, cần phải được xem xét và thử nghiệm thận trọng.

Thứ ba, cần cải tiến quy hoạch phát triển NTTS ven biển. Để định hướng phát triển NTTS ven biển bền vững, quy hoạch phát triển NTTS ven biển thường được xây dựng cho từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, đa số trường hợp quy hoạch NTTS ở Việt Nam được triển khai ở mức “tổng quan”, “tổng thể”, thiếu các quy hoạch chi tiết để định hướng phát triển sản xuất NTTS cho từng tiểu vùng cụ thể. Các dự án đầu tư NTTS ven biển được quy hoạch chi tiết nhưng thường sa vào quy hoạch sử dụng đất, phát triển cơ sở hạ tầng và bố trí mặt bằng khu nuôi, thiếu các yếu tố chi tiết khác như tổ chức thực hiện, tổ chức quản lý và đánh giá quy hoạch để định hướng phát triển NTTS bền vững. Các bất cập trong quy hoạch cần sớm được cải tiến để định hướng nghề NTTS có tính dài hạn.

Biện pháp thứ tư là nâng cao năng lực, nhận thức cho các bên tham gia. Để đảm bảo phát triển bền vững, sớm tháo gỡ các thử thách đang đặt ra phía trước đòi hỏi phải huy động và tạo điều kiện để các bên được tham gia và góp ý kiến trong quá trình xây dựng, cũng như thực hiện và đánh giá hoạt động NTTS ven biển. Đặc biệt, việc nâng cao năng lực quản lý môi trường, chuyển tải thông tin liên quan cho cán bộ quản lý các cấp, cộng đồng địa phương và người dân trở nên rất cần thiết.

Việc phát triển NTTS ven biển cần được cần nhắc chu đáo, không đơn thuần chỉ mở rộng diện tích và tăng sản lượng nuôi. Cần hướng tới nhiều biện pháp đồng bộ, như giảm thiểu các tác động môi trường, sản xuất theo quy trình sạch và giữ vững thị trường quốc tế. Chính phủ và chính quyền các cấp, cùng với sự ủng hộ của cộng đồng các tổ chức tài trợ, đã có rất nhiều nỗ lực để từng bước tháo gỡ khó khăn. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, phản ứng của Việt Nam phần nhiều vẫn mang tính chất bị động. Rõ ràng, Việt Nam cần có chính sách định hướng phát triển NTTS ven biển cho một thời gian dài, đi trước và đón đầu các xu hướng phát triển, ngăn chặn kịp thời các rủi ro và tác động xấu.

  • Hạnh Phương

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng nhẹ (02/11/2003)
Giá cá tra, basa nội địa quá cao (24/08/2003)
“Sẽ triển khai đấu thầu các tuyến xe buýt mới mở” (24/08/2003)
DN trẻ TP.HCM kiến nghị lập quỹ đầu tư mạo hiểm (23/08/2003)
Giảm 10% giá đất Phú Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng (23/08/2003)
Sẽ có thương hiệu ''Thanh Long Bình Thuận'' (23/08/2003)
Xây dựng khách sạn 5 sao đầu tiên tại Tây Nguyên (23/08/2003)
Khai trương trung tâm bảo hành Cityphone tại Hà Nội (23/08/2003)
Hà Nội điều chỉnh giá đất nông nghiệp nội thành (23/08/2003)
Đề nghị xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo và cá basa (23/08/2003)
Canada kiểm tra nitrofuran trong thủy sản nhập khẩu (23/08/2003)
Honda Vietnam - nửa về nông thôn nửa xuất ngoại? (23/08/2003)
DN tự quyết mức trích Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc (23/08/2003)
Phú Mỹ 3 vận hành tuốc bin khí đầu tiên (22/08/2003)
Hà Nội cắt vốn các dự án triển khai chậm (22/08/2003)
Tro ve dau trang