|
Ông Bùi Xuân Dũng |
Thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, một số tuyến xe buýt sắp mở ra sẽ được đấu thầu vận hành, khai thác. Ông Bùi Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Công chính Hà Nội, vừa có cuộc tiếp xúc với báo giới về vấn đề này.
- Xin ông cho biết đối tượng nào sẽ được tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực này?
- Mọi loại hình DN có đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hành khách, đủ năng lực về cán bộ và phương tiện (có ít nhất đủ số phương tiện vận hành trên 1 tuyến, tức khoảng 20 xe, chất lượng phương tiện phải đảm bảo, đã qua không quá 5 năm sử dụng) đều được tham gia đầu tư.
- Tại sao các hộ kinh doanh cá thể, các hợp tác xã vận tải không phải là đối tượng của chính sách này?
- Vận hành xe buýt là lĩnh vực hoạt động đặc biệt, phải đảm bảo tính liên thông trên toàn mạng cũng như độ đồng đều về chất lượng dịch vụ, do đó trước mắt chúng tôi lựa chọn đối tượng DN có tính tổ chức cao. Xin nói rõ rằng, thực tế các HTX vận tải hiện nay là HTX dịch vụ hỗ trợ, tổ chức có phần lỏng lẻo.
- Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là lĩnh vực luôn được bù lỗ không chỉ ở Việt Nam, mà cả ở nhiều nước trên thế giới, vậy đâu là sức hấp dẫn đối với các DN để họ bỏ vốn đầu tư?
- Thực chất vấn đề ở đây là Nhà nước đặt mua dịch vụ công cộng. Nói một cách khác, các DN tham gia vận chuyển hành khách theo đặt hàng của Nhà nước. Họ được hưởng mọi chính sách ưu đãi hiện hành dành cho vận tải hành khách công cộng: được miễn nhiều khoản thuế, được bù lỗ nếu thu không đủ bù chi theo nguyên tắc định mức trung bình tiên tiến. Trên thực tế, dù kế hoạch này còn đang trong giai đoạn chờ phê duyệt, nhiều DN, cả DN nhà nước lẫn công ty cổ phần, DN tư nhân... đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn được tham gia.
- Quá trình xã hội hóa được thực hiện thông qua hình thức cụ thể nào?
|
Ngày càng có nhiều người chọn xe buýt làm phương tiện đi lại |
- Đến cuối năm 2005 dự kiến Hà Nội sẽ có tổng cộng 55 tuyến xe buýt nội thành và một số điểm ngoại vi, cơ bản phủ kín những khu vực có thể chạy được xe buýt. Hiện đang có 33 tuyến vận hành. Nếu kế hoạch được phê duyệt, chúng tôi sẽ triển khai đấu thầu các tuyến mới mở.
- Như vậy phải chăng là dành lại phần "nạc" cho DNNN, phần "xương" mới đem ra đấu thầu?
- Như tôi đã nói, dịch vụ xe buýt phải là hệ thống mạng liên thông, vì vậy trước mắt Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo. Vả lại các DN được bù lỗ căn cứ vào thực tế hoạt động của họ. Song về lâu về dài, bản thân các DNNN hiện nay cũng phải chấp nhận cạnh tranh bình đẳng. Nếu các loại hình DN khác có khả năng cung cấp dịch vụ tốt hơn với chi phí thấp hơn thì không lý gì họ lại không được làm!
- Việc nhiều thành phần tham gia vào lĩnh vực này có đặt ra những thách thức mới nào không, thưa ông?
- Tất nhiên là có. Làm thế nào để bảo đảm một mặt bằng chung về chất lượng phương tiện, chất lượng dịch vụ, an ninh, thanh toán chi phí trợ giá cho DN đúng thực tế vận hành, chống thất thu cho Nhà nước... đều là những nhiệm vụ không hề đơn giản. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm soát doanh thu của từng tuyến thông qua hệ thống phát hành vé thống nhất, đồng thời tăng cường hiệu quả của công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.
(Theo Đầu Tư)
|