Công nghệ thông tin và truyền thông sẽ chiếm 9% GDP?
08:18' 20/08/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hiệp hội Viễn thông Quốc tế cho rằng, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển có cơ sở hạ tầng viễn thông tăng trưởng nhanh nhất cũng như có thị trường viễn thông phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Đây là một cơ sở để Bộ Bưu  chính - Viễn thông (MPT) soạn thảo Chiến lược quốc gia về Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) đến năm 2010 và những năm tiếp theo.

Hiện, ngành CNTT&TT chiếm 1,5% GDP.

Dự thảo này được trình bày tại một Hội thảo thứ hai trong loạt Hội thảo Bàn tròn đa bên về ''Mở đường tới Chiến lược CNTT&TT của Việt Nam'' do MPT tổ chức tại Hà Nội với sự hỗ trợ của UNDP.

8 máy điện thoại/100 người dân

Theo Hiệp hội Viễn thông Quốc tế, tốc độ tăng trưởng hàng năm về viễn thông và Internet của Việt Nam trong giai đoạn 1995-2002 là 32,5%. Tổng số thuê bao điện thoại cố định tính đến tháng 8 năm 2003 đạt gần 6,4 triệu, với mức tăng hàng năm từ 20% đến 40%. Mật độ sử dụng điện thoại hiện nay là 8 máy/100 người dân. Các dịch vụ điện thoại di động đã phủ sóng trên toàn bộ 61 tỉnh, thành phố trong năm 2002. Tổng số thuê bao điện thoại di động vào khoảng 1,9 triệu với mật độ là 2,47 máy/100 người dân. Các dịch vụ mới và các dịch vụ giá trị gia tăng về điện thoại cố định và điện thoại di động đều tăng.

Hội thảo này diễn ra trong hai ngày (19 và 20/8), tập trung thảo luận về việc phát triển ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT). 

9% GDP vào năm 2010?

Theo dự thảo Chiến lược quốc gia về Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) đến năm 2010 và những năm tiếp theo được công bố sáng qua, Việt Nam dự kiến sẽ mở cửa thị trường để cho phép và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào ngành CNTT&TT. Chủ trương này nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành CNTT Việt Nam.

Chiến lược cũng đưa ra tầm nhìn đầy tham vọng cho lĩnh vực CNTT đến năm 2020: Việt Nam sẽ trở thành một thị trường đầy triển vọng về CNTT và là một trong ba nước đứng đầu ASEAN về cơ sở hạ tầng CNTT&TT. Ngành CNTT&TT của Việt Nam sẽ đạt mức doanh thu là 5,5 tỷ USD vào năm 2010, chiếm 9% GDP (hiện ngành CNTT&TT chỉ chiếm 1,5% GDP). Bốn nội dung chủ chốt của Chiến lược là nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện các ứng dụng của CNTT và tăng cường ngành CNTT của Việt Nam.

Ông Jordan Ryan - Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam - hoan nghênh chủ trương mở cửa thị trường CNTT. Ông Ryan cho rằng chủ trương này sẽ loại bỏ được nhiều yếu tố gây cản trở quá trình Việt Nam khai thác tiềm năng của mình để trở thành con hổ về CNTT&TT. Ông Ryan nói: ''Việt Nam có nhiều lợi thế riêng trong việc phát triển ngành CNTT&TT, đó là Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, cần cù và có tay nghề, và ban lãnh đạo đất nước quyết tâm phát triển ngành công nghiệp này''. Ông cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng tạo ra lợi thế cạnh tranh trong quá trình hội nhập toàn cầu. Ví dụ, việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép ngành CNTT&TT của Việt Nam tranh thủ tốt hơn các cơ hội tiếp cận với thị trường toàn cầu ở các nước có trình độ phát triển cao hơn. Ông cũng nhấn mạnh nhu cầu khai thác tiềm năng của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi đó là động lực thúc đẩy đầu tư và sự sáng tạo.

Trong báo cáo mới đây với tiêu đề ''Nền kinh tế Việt Nam: Câu chuyện thành công hay tình trạng lưỡng thể bất thường?'', được xây dựng theo yêu cầu của UNDP và Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, Giáo sư David Dapice - người đã từ lâu quan tâm theo dõi tình hình Việt Nam đưa ra ý kiến đề xuất rằng Việt Nam cần tự đánh giá hay tự so sánh chính mình với các nước hàng đầu trong khu vực. Ông cho biết ở Trung Quốc, cước phí điện thoại thấp và các dịch vụ được mở rộng rất nhanh chóng, cho phép các doanh nghiệp sử dụng điện thoại hay Internet như công cụ và tạo ra sức cạnh tranh.

CNTT&TT chưa được tận dụng triệt để

Mặc dù đầu tư cho lĩnh vực viễn thông cũng như mức tăng trưởng về các công nghệ thông tin di động và vô tuyến ở Việt Nam đã tăng lên, song tiềm năng CNTT&TT chưa được khai thác một cách toàn diện để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ông Ryan nói: ''Bằng bất cứ giá nào, Việt Nam cũng cần phải tránh tình trạng phát triển với hai tốc độ, có nghĩa là hầu hết tiến bộ về các mặt đều tập trung ở một số ít tỉnh, còn các tỉnh khác thì bị tụt hậu''. Theo Ông Ryan, CNTT&TT mang lại sự lan toả về tri thức và của cải chưa từng có, song nó cũng tạo ra khoảng cách mới rất rộng về công nghệ số, và khoảng cách này đã làm cho tình trạng nghèo về thông tin, một hậu quả có lẽ là nguy hại nhất trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, trở nên trầm trọng hơn.

Các cuộc đối thoại chính sách đa bên sẽ tiếp tục được triển khai cho đến cuối năm 2003 nhằm nâng cao nhận thức cho các bên tham gia của Nhà nước và tư nhân về lợi ích của CNTT&TT phục vụ phát triển. Quá trình đối thoại này còn nhằm tăng cường năng lực của Chính phủ trong việc phát triển ngành CNTT&TT và sử dụng CNTT&TT phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội.

  • Hồng Phúc
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam có thể lên 20 tỷ USD (20/08/2003)
TP.HCM quy hoạch 25 khu công nghiệp tập trung (20/08/2003)
Quy định mức phí cấp phép quảng cáo quá chung chung! (19/08/2003)
VN có 2 doanh nghiệp du lịch sinh thái kiểu mẫu (19/08/2003)
Hải quan Hải Phòng trực tiếp đến DN đòi nợ thuế (19/08/2003)
Diễn đàn thương mại và đầu tư đầu tiên tại Việt Nam (19/08/2003)
Lựa chọn mạng di động nào: GSM, CDMA hay iPAS? (19/08/2003)
TP.HCM bán 200-300 tỷ trái phiếu đô thị cho cá nhân (19/08/2003)
Việt Nam đã vươn đến tầm cao mới (19/08/2003)
Giá tính thuế mới chưa hết bấp cập! (19/08/2003)
Thủ tướng Malaysia chỉ trích Mỹ về vụ kiện cá basa (19/08/2003)
Quy định khung giá đất tại đảo Phú Quốc (18/08/2003)
Liên hoan Du lịch quốc tế Hà Nội 2003 sẽ là một lễ hội lớn (18/08/2003)
Mới có 1/5 DN nông nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu (20/08/2003)
Sẽ thành lập Học viện bảo hiểm ASEAN (18/08/2003)
Tro ve dau trang