(VietNamNet) - Theo báo cáo mới đây của Viện Kinh tế TP.HCM về điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn thành phố, hiện có 25 KCN trong danh sách được quy hoạch là KCN tập trung với tổng diện tích 7.635,7 ha.
|
Một KCN mới được xây dựng ở phía Nam |
Trong đó có 14 khu đã được Chính phủ cấp giấy phép hoạt động theo NĐ 36/CP về quy định hoạt động của các KCN, KCX với diện tích 4.550,7 ha. 11 KCN chưa được Chính phủ cấp giấy phép hoạt động nhưng hiện nay đã hình thành tự phát với một số lượng xí nghiệp công nghiệp có diện tích 3.085,0 ha.
Đầu tư 2,1 tỷ USD phát triển KCN, KCX
Trong các KCN, KCX tập trung theo NĐ 36/CP, tổng vốn đầu tư vào các KCN, KCX tính đến tháng 3/2003 là 2,1 tỷ USD. Riêng vốn đầu tư nước ngoài là khoảng 1,5 tỷ USD. Tốc độ tăng tổng vốn đầu tư nước ngoài bình quân hàng năm là 55,3% (1998-2003).
Kế hoạch quy hoạch KCN TP.HCM đến 2010 sẽ phát triển hệ thống 3 thể loại: KCN tập trung, CCN, làng nghề công nghiệp liên kết trên những khu vực, địa bàn có điều kiện vị trí địa lý-kinh tế thuận lợi, trong mối quan hệ hỗ trợ nhau cùng phát triển để tạo điều kiện hình thành những thị trấn công nghiệp, tiểu vùng công nghiệp, đô thị công nghiệp mới của thành phố hoặc của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và không bị ràng buộc bởi giới hạn hoặc bị chia cắt bởi địa giới hành chính giữa các quận, huyện, tỉnh, thành phố. Không quy hoạch KCN, CCN theo kiểu manh mún, phân tán theo kiểu quận huyện nào cũng có hoặc thấy chố nào còn trống thì quy hoạch KCN, CCN để giữ đất. |
Từ năm 1992-2003, chỉ tính các KCN-KCX đã hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng và cho thuê đất, TP.HCM đã phát triển tổng diện tích các KCN là 2.210ha, bình quân mỗi năm phát triển diện tích KCN mới là 192,7ha. Trong đó, Tân Thuận và Linh Trung là 2 trong 6 KCN được thành lập của cả nước phát triển đúng tiến độ, bước đầu đạt được 5 mục tiêu đề ra cho KCX.
Qua tổng hợp tình hình phát triển số lượng các KCN tập trung và CCN cho thấy diễn biến phức tạp, một trong những tồn tại chính là quy hoạch KCN nhưng không quy hoạch địa bàn chịu tác động trực tiếp của KCN, CNN nên khi KCN, CCN phát triển đã tác động đến sự đô thị hoá tự phát rất nhanh các địa bàn lân cận.
Dự báo nhu cầu vốn đầu tư vào các KCN thành phố từ năm 2003 - 2010 là 3,607 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn từ 2003-2005 là 1,403 tỷ USD, giai đoạn 2006-2010 là 2,204 tỷ USD.
Tạo việc làm cho 110.000 lao động
Các KCN-KCX tạo việc làm cho 110.000 người (tăng 23.600 so với năm 2001). Việc thu hút lao động của thành phố và nhiều tỉnh khác phần lớn là thành viên với tỷ lệ lao động nữ khoảng 75%. Mức thu nhập bình quân tại doanh nghiệp KCX là 800.000-900.000 đồng/người/tháng, ở doanh nghiệp KCN là 600.000-700.000đồng/tháng/người. Trong đó có 50% lao động từ khu vực nông thôn.
Tuy nhiên việc quy hoạch, xây dựng, phát triển các KCN trong các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn bị chia cắt địa giới hành chính nặng nề. Hậu quả là một tỷ lệ rất lớn lao động ngoại tỉnh (50-70%) nhập cư vào thành phố, trong khi đó thành phố đang có nhiều bất cập về nhà ở; xây dựng khu dân cư mới, các vấn đề xã hội và tệ nạn xã hội phát sinh chưa được giải quyết đúng mức, kịp thời đã gây áp lực lớn về đáp ứng nhà ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội quá tải.
|