|
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. |
Phát biểu tại Hội nghị Đối thoại quốc tế vừa diễn ra tại Mbabane, Thủ đô Swaziland, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách nước đôi của Mỹ về tự do hóa thương mại. Ông thuật lại cho hơn 15 nguyên thủ đương nhiệm và cựu nguyên thủ, cùng hơn 600 người tham dự hội nghị đến từ khắp nơi trên thế giới về vụ kiện cá tra, cá basa Việt Nam như một ví dụ điển hình.
Thủ tướng Mahathir kể về năm 1995 khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, và cá tra, cá basa Việt Nam được đón nhận nồng nhiệt tại cường quốc này: "Chỉ trong vài năm, hơn nửa triệu người Việt Nam đã sống bằng cá tra, cá basa". Cá nheo Mỹ cạnh tranh không nổi, vậy là Hiệp hội các nhà nuôi cá nheo Mỹ (CFA) tuyên chiến với những người nuôi cá tra, cá basa của Việt Nam.
Tiến sĩ Mahathir Mohamad là Thủ tướng Malaysia kể từ tháng 7/1981 đến nay. Sau hơn 22 năm cầm quyền, ông đã quyết định sẽ từ chức vào tháng 10 năm nay. Quyền hành sẽ được trao lại cho người kế nhiệm là Phó Thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi. |
Quay1800, Washington ra phán quyết rằng: Trong 2.000 loài mang họ cá nheo, chỉ có giống cá nheo bản địa Mỹ đủ tiêu chuẩn là 'cá nheo' - ông Mahathir nhắc lại. Và cá nheo Việt Nam sẽ chỉ được bán tại Mỹ dưới cái tên cá tra, cá basa.
Đại biểu của đảng Dân chủ tại bang Arkansas (Mỹ) Marion Berry thậm chí còn nói rằng cá tra, cá basa không an toàn vì chúng bị nhiễm chất độc màu da cam, trong khi chính người Mỹ đã rải chất độc này lên rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam trong các thập niên 1960, 1970. Thủ tướng Mahathir mỉa mai nói, những ngày đầu cá tra, cá basa Việt Nam được xuất sang Mỹ, nào thấy có ai nói chúng bị nhiễm chất độc màu da cam.
Những người nuôi cá nheo Mỹ buộc tội các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá cá tra, cá basa, rồi Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố Việt Nam không phải là nền kinh tế thị trường. "Vậy là gần nửa triệu người nuôi cá tra, cá basa Việt Nam mất việc làm và trở nên cơ cực" - Thủ tướng Mahathir nhấn mạnh.
Ông cho rằng, vụ kiện cá tra, cá basa là một minh chứng cho ý định thực của Mỹ là đóng cửa thị trường, trong khi vẫn tuôn ra những lời hùng biện về tự do hóa thương mại theo xu thế toàn cầu hóa.
Ông cũng nhắc lại kinh nghiệm cay đắng của dầu cọ Malaysia khi đang "ăn nên làm ra" tại thị trường Mỹ trong thập kỷ 80. Để bảo hộ các sản phẩm dầu làm từ đậu tương và hạt hướng dương, Hiệp hội Đậu tương Mỹ (American Soybean Association) đã tiến hành một chiến dịch làm mất uy tín của dầu cọ, bằng cách nói rằng dầu cọ có mức cholesterol cao và gây bệnh tim. Malaysia đã chứng minh ngược lại là dầu cọ trên thực tế chống tắc mạch máu vì có chứa vitamin E.
Mỹ cũng cho rằng găng tay cao su của Malaysia gây dị ứng, và kết quả là các bệnh viện của Mỹ đưa ra thông báo: không sử dụng găng tay cao su tự nhiên.
Thủ tướng Mahathir đã kết luận: "Mỹ và các nước châu Âu nói họ sẽ mở cửa thị trường cho chúng ta, nhưng họ lại tìm mọi cớ để đóng lại. Họ bảo chúng ta phải mở cửa hoàn toàn, phải tuân thủ những gì người giàu áp đặt; và chính phủ các nước nghèo phải từ bỏ vai trò nhà hoạch định, thực thi các chính sách của đất nước mình. Nếu không, họ sẽ tỏ ra xấu chơi, mà xấu chơi nhất vẫn là chiêu bài áp đặt lệnh trừng phạt".
(Đặng Hương - Theo Bernama) |