Hai quan niệm trái ngược nhau về doanh nghiệp
09:07' 18/08/2003 (GMT+7)
Sẽ bớt phải chờ đợi nếu tất cả các dịch vụ công được cung cấp qua mạng.

Hiện có hai quan niệm phổ biến trái ngược nhau về DN. Quan niệm thứ nhất coi DN là một chủ thể kinh tế và xã hội hoàn toàn độc lập, có quyền và nghĩa vụ trước pháp luật, tương tự như một công dân. Cơ quan chức năng nhà nước chỉ can thiệp trực tiếp khi xuất hiện hiện tượng ''vượt rào'' bằng ''chế tài'' theo luật định (1). Quan niệm thứ hai lại coi DN là một đối tượng quản lý, được đặt dưới sự giám sát thường xuyên của các cơ quan nhà nước (2).

Hãy thử kiểm nghiệm hai quan niệm trên qua thực tế thực hiện Luật Doanh nghiệp ở Việt Nam và thực tế ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển, như Đức chẳng hạn.

Đăng ký kinh doanh

Ở Đức hay Việt Nam, trách nhiệm đó đều được luật định nhưng khác nhau ở chỗ: Ở Đức người ta coi đó như trách nhiệm làm giấy khai sinh. Khai sinh trước hay sau khi sinh đều được. Chỉ có điều, nếu do chậm trễ xảy ra thiệt hại cho mình, thì phải tự chịu (cũng giống như sinh mà chưa được khai thì không được cấp các tiêu chuẩn xã hội dành cho sinh đẻ, chứ không vì thế mà bị phạt hay đưa ra toà), mặt khác, mọi nghĩa vụ trước pháp luật đối với kinh doanh đều phải gánh, mặc dầu chưa đăng ký. Đó chính là kết quả của quan niệm (1), có tác dụng khuyến khích tạo điều kiện cho kinh doanh không bị ảnh hưởng, chậm trễ bởi thủ tục.

Ở Việt Nam, nếu chưa đăng ký, thì không được phép và không thể kinh doanh, bởi chưa đăng ký kinh doanh thì chưa là đối tượng quản lý giám sát của các cơ quan chức năng, nên không được các cơ quan đó cấp các thủ tục để có thể kinh doanh. Đó chính là hệ quả của quan niệm (2), có tác dụng nắm chắc DN, phòng ngừa hoạt động kinh doanh vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, nhưng cũng chính vì thế mà sẽ đẩy những hoạt động kinh doanh chưa kịp làm thủ tục vào thế giới ''ngầm''. Giống như bán đất, làm nhà hiện nay, cứ diễn ra bất chấp thủ tục.

Xin giấy phép kinh doanh

Đối với một số ngành nghề nhất định, ở Đức hay Việt Nam đều cần đến ''giấy phép con''. Nhưng giấy phép con ở Đức là nhằm ''đánh'' vào trách nhiệm các cơ quan chức năng. Họ phải giám sát các quy phạm, yêu cầu pháp lý mà người xin phải hoàn tất. Không như trong kinh doanh thông thường, họ chỉ có trách nhiệm can thiệp khi xảy ra vượt rào. Bản chất giấy phép, vì vậy, không hề chứa đựng quan hệ ''xin-cho'' vốn có của tên gọi, phản ánh khái niệm DN được hiểu theo quan niệm (1). Ở đây, người xin thực ra không phải xin, mà phải hoàn tất các yêu cầu pháp quy. Người cho cũng không có quyền cho mà phải cấp đúng luật định. Mặc dù vậy, nếu giấy phép con đặt ra cho mọi loại kinh doanh, thì quan niệm (1) sẽ đồng nhất với quan niệm (2). Chính vì vậy giấy phép con ở họ rất hạn chế, chỉ đặt ra đối với loại kinh doanh liên quan trực tiếp đến sinh mạng, sức khoẻ, an toàn xã hội...

Ở Việt Nam, đã và còn không ít giấy phép con chỉ đơn thuần nhằm đảm bảo sự giám sát trực tiếp của cơ quan cấp. Đó là kết quả của quan niệm (2). Chưa nói đến, nếu hiểu sai giấy phép theo kiểu xin cho thuần tuý, sẽ gây cản trở kinh doanh do động cơ đặc quyền đặc lợi cá nhân chi phối giấy phép.

Khắc con dấu

Ở Đức hay Việt Nam, DN đều cần đến con dấu. Gọi là con dấu, nên vai trò của nó thực ra chỉ là một dấu hiệu (chứ không phải là dấu hiệu duy nhất) để DN khẳng định trách nhiệm pháp lý của mình trong văn bản. Vì vậy, ở Đức con dấu khắc kiểu gì và khắc lúc nào là việc của DN. Thậm chí nhiều văn bản của ngay các cơ quan chức năng nhà nước cũng không đến cả đóng dấu, họ kèm chú thích: ''Văn bản này được viết bằng máy tính, có hiệu lực không cần đóng dấu''! Bởi họ hiểu DN theo quan niệm (1): Con dấu không phải không làm giả được, nên không thể đồng nhất tuyệt đối DN với con dấu hay ngược lại, con dấu với DN. Còn cá nhân hay DN nào khi giao dịch mua bán bị lừa do tin tưởng như trên, cá nhân hay DN đó phải tự gánh chịu thiệt hại. Nhà nước không thể bảo vệ cho từng cá nhân tránh bị lừa, bằng cách quản lý con dấu.

Ở Việt Nam, con dấu phải được công an cho phép, đó là do hiểu DN theo quan niệm (2): Nhà nước phải luôn canh chừng các rủi ro, tai họa dân sự cho từng cá nhân và từng DN, bằng cách quản lý con dấu. Cái giá phải trả cho quan niệm trên là chi phí cho bộ máy cấp và quản lý con dấu; DN lệ thuộc vào đó về thời gian và công sức khi làm con dấu, thiếu trách nhiệm phòng ngừa lừa đảo, giả mạo, ỷ lại Nhà nước.

Cấp mã số hải quan, mã số thuế

Ở Đức hay Việt Nam đều cần đến mã số thuế và hải quan (nếu xuất nhập khẩu). Nhưng ở Đức, do hiểu DN theo quan niệm (1) và mục đích cấp mã số là phục vụ cho lợi ích tài chính, thu thuế của nhà nước, nên việc cấp nó không được phép gây trở ngại cho DN. Nếu xảy ra chậm trễ, cơ quan nhà nước liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm. Vì vậy ở Đức, DN có thể làm việc qua điện thoại lấy mã số thuế, uỷ quyền cho hãng vận tải xin mã số hải quan... Ở Việt Nam, việc xin cấp nó mất không ít thời gian, do một phần hiểu DN theo quan niệm (2).

Hoá đơn đỏ

Do hiểu DN theo quan niệm (1), nên ở Đức, người ta chỉ đưa ra một số quy định khi viết hoá đơn phải tuân thủ, nhằm xác định chính xác nghĩa vụ thuế đối với nhà nước và trách nhiệm pháp lý của hai bên mua và bán. Còn nội dung hình thức như thế nào là do DN tự in, tự viết. Trong chương trình máy tính, người ta cài đặt sẵn nhiều mẫu hoá đơn dành cho người sử dụng tự chọn. Bởi tờ giấy hoá đơn người ta cũng quan niệm như con dấu, có thể làm giả được, và quan trọng nhất là trách nhiệm của chính DN phải gánh đối với những nội dung ghi trong hoá đơn chứ không phải hình thức tờ hoá đơn. Chức năng kiểm tra, can thiệp của nhà nước liên quan đến nội dung chứ không liên quan đến hình thức.

Còn ở Việt Nam, áp dụng chế độ hoá đơn đỏ như hiện nay, thực chất là đồng nhất giấy hoá đơn với nội dung ghi trong hoá đơn, qua đó cơ quan chức năng giám sát DN dễ dàng hơn nhờ căn cứ vào số lượng hoá đơn đỏ phát ra. Điều đó phản ánh cách hiểu DN theo quan niệm (2). Cái giá phải trả cho chế độ hoá đơn đỏ là ''lạm hiểu'' coi hoá đơn như tiền, gây nên tình trạng buôn bán đổi chác không tránh khỏi ở ta. DN phải thực hiện thêm nhiều thủ tục hình thức, tốn kém chi phí lao động tiền lương để được cấp hoá đơn đỏ. Bộ máy nhà nước cồng kềnh thêm phần nhân sự chuyên theo dõi, cấp phát, thu hồi hoá đơn đỏ, tương tự như cơ chế cấp phát tem phiếu trước đây. Hệ quả dây chuyền xảy ra là cơ quan cấp phường cũng bị lôi vào cuộc: chứng nhận đủ thứ, sở hữu nhà đất, mua bán, cho thuê, nhân thân... trong khi hoạt động kinh doanh của DN không thể bó buộc trong phạm vi một phường, và không thể phụ thuộc vào số lượng tờ hoá đơn.

DN nhà nước và dân doanh

Ở Đức hay Việt Nam đều tồn tại hai loại DN trên. Sẽ dễ dàng phân biệt chúng, khi quyền sở hữu 100% thuộc về ai, thuộc nhà nước thì đó là DN nhà nước, thuộc người dân (cá nhân, nhóm, tổ chức không phải không phải nhà nước) thì đó là DN dân doanh. Quan niệm (2) tuyệt đối hoá sự phân biệt này. Dẫn đến thực thi luật pháp, hành xử công việc, cơ quan chức năng nhà nước thiên vị DN của nhà nước hơn so với DN không phải của nhà nước. Có thể kiểm nghiệm sự thiên vị đó trên tất cả mọi mặt liên quan đến kinh doanh ở Việt Nam: thuế, vay vốn, nợ, đấu thầu, hạn ngạch, hợp đồng...

Ở Đức, do hiểu DN theo quan niệm (1), nên pháp luật không phân biệt chủ sở hữu DN, mà chỉ phân biệt phạm vi điều chỉnh đối với từng ''loại hình'' DN như: Công ty cổ phần chịu sự điều chỉnh của luật công ty cổ phần; công ty TNHH có luật công ty TNHH chi phối; công ty hợp doanh do luật công ty hợp doanh điều chỉnh... Dù là nhà nước hay người dân, thành lập loại hình DN nào đều phải tuân theo luật chi phối của loại hình DN đó, từ khởi sự, chủ DN, lãnh đạo, cơ cấu tổ chức, tài chính, cổ phần, rủi ro, phân chia lỗ lãi... cho đến giải thể. Cũng nhờ vậy, việc tổ chức DN nhà nước, phân biệt chức năng chủ sở hữu và chức năng kinh doanh, hay việc mua bán cổ phần công ty nhà nước ở họ diễn ra tự động theo luật định không bị động, lúng túng như thường thấy ở Việt Nam hiện nay.

Quan niệm (1) là quan niệm của nền kinh tế thị trường. Quan niệm (2) là đặc trưng của nền kinh tế quản lý tập trung. Việc chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường, vì vậy, phụ thuộc rất nhiều vào việc thay thế quan niệm (2) bằng quan niệm (1), mà rốt cuộc là nhằm thực hiện một nguyên lý: DN là nơi tạo ra của cải vật chất cho xã hội, việc làm và tiền lương cho người lao động, lợi nhuận cho người đầu tư, thuế cho nhà nước. Mọi nỗ lực phát triển kinh tế sẽ là số không, nếu qua đó DN vẫn không thể hình thành, mở mang và phát triển, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay.

(Theo TBKTSG)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cuối tháng 8, đấu giá 3.970m2 đất tại khu đô thị Đền Lừ (18/08/2003)
Nhà nước bán quyền khai thác cảng cho doanh nghiệp (18/08/2003)
Giá đường tăng 200 đồng/kg (18/08/2003)
Giao dịch nhà đất Hà Nội tăng mạnh (17/08/2003)
Đầu tư khu du lịch: Chủ ăn xổi, khách ở thì! (17/08/2003)
DN trong nước ''bỏ quên'' thị trường nội địa? (17/08/2003)
Đề nghị hoãn thực hiện niêm yết giá thuốc từ 1/10 (16/08/2003)
Kiểm soát chặt dư lượng kháng sinh trong thuỷ sản (16/08/2003)
Tàu ở gần bờ, vốn trôi xa bờ (16/08/2003)
WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giảm nghèo và tiết kiệm điện (16/08/2003)
Đề nghị hoãn thực hiện niêm yết giá thuốc từ 1/10 (16/08/2003)
DN chưa hiểu đúng quy định của cơ quan thuế (16/08/2003)
Người nuôi tôm ở Đà Nẵng được mùa (16/08/2003)
Thu 1,2 tỷ đồng từ bán đấu giá CP Garmex Sài Gòn (15/08/2003)
Hội chợ triển lãm quốc tế về ôtô và nhiên liệu (15/08/2003)
Tro ve dau trang