Đầu tư khu du lịch: Chủ ăn xổi, khách ở thì!
09:22' 17/08/2003 (GMT+7)
Khách du lịch nước ngoài thích tìm hiểu những nét độc đáo trong văn hoá Việt.

Có nhà tổ chức du lịch đã ví chuyện đầu tư mở các khu du lịch hiện nay ở nước ta như phong trào mở "làng nướng" của ngành kinh doanh ăn uống ở TP.HCM. Khắp mọi tỉnh thành, đầu tư, mở điểm đến du lịch đang là chuyện thời sự. Song, đầu tư nhiều nhưng thiếu bài bản vẫn là "căn bệnh" phổ biến của các ngành kinh doanh ở Việt Nam, không ngoại trừ ngành kinh doanh khu du lịch.  

Ông Nguyễn Tiến Dzũng, Phó Giám đốc Trung tâm du lịch -  Công ty Bến Thành, nói: “Thật đau khổ khi lĩnh vực kinh doanh du lịch nào của ta cũng phải đem Thái Lan ra để so sánh, nhưng phải thừa nhận, họ xây dựng thương hiệu cho các điểm đến rất tốt”. Ông Dzũng dẫn chứng: “Phuket, Safari của Thái chẳng hạn, cả thế giới đều biết; còn ta, dường như chưa có nơi nào có tiếng vang".

 

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Lĩnh Nam Co-op Tourist nhận xét, sau “hội chứng” đầu tư công viên nước, hiện ngành kinh doanh khu du lịch đang vào "hội chứng" mở resort mà không ý thức được rằng dạng khách du lịch cao cấp luôn chỉ chiếm phần ngọn của "tháp du lịch". Còn theo ông Lý Tất Vinh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Công ty Du lịch Chợ Lớn, các tuyến điểm của ta không có tính độc đáo, khi thì lai kiểu này, khi thì lai kiểu kia". Ông Vinh cho rằng, hiện giá vào các khu du lịch của ta còn bị đẩy lên quá cao, và giảm giá cho khách đoàn vẫn còn là chuyện hiếm có.

Manh mún, thực dụng

 

Phó Giám đốc Công ty Vinasun, ông Trần Anh Dũng, than thở: “So với Thái Lan, chúng ta có quá nhiều thuận lợi để phát triển du lịch: dải bờ biển mặt tiền biển Ðông tuyệt đẹp, chỉ riêng di sản thế giới trong khu vực, ta ẵm hết 5 cái... ".

 

Hội An, một trong 5 di sản kể trên, được xem là điểm đến hiếm hoi có được sự đầu tư tạo thêm nét riêng. Thế nhưng, theo ông Dũng, điều gây phiền hà cho du khách là việc bán vé vào phố cổ. "Mỗi người khách vào đây đều phải mua vé, đến 60.000 đồng chứ đâu ít? Có luật nào bắt du khách phải mua vé khi vào một khu phố? Chẳng lẽ, một vị khách ở cả tháng tại đó, mỗi khi ra vào đều phải mua vé?”

 

Giám đốc Trung tâm lữ hành Công ty du lịch Phú Thọ, ông Phạm Quốc Phú, cho rằng, nhiều khu du lịch hiện được đầu tư khá manh mún, thực dụng. Ông nói: “Ở nhiều nơi, khu du lịch được xây không theo một kế hoạch ban đầu mà thành từng hạng mục, hễ hạng mục nào đem lại lợi trước mắt thì làm".

 

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lửa Việt, đồng tình: “Trừ những DN lớn, hiện đa số nhà đầu tư cho khu du lịch là dân “ngoại đạo” trong kinh doanh du lịch. Họ là những người đầu tư tự phát, không hề có chút nghiệp vụ". Nhiều khu du lịch được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng hiệu quả mang lại rất thấp, thậm chí, có thể còn ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung do sự luộm thuộm.

 

Thiếu kịch bản đầu tư

 

Ông Mỹ nói: "Nhiều khu du lịch làm rồi, chả lẽ đập bỏ để xây lại. Thật là đáng xót xa cho sự lãng phí dạng này. Lẽ ra khi duyệt xét các dự án đầu tư khu du lịch, các nhà quản lý cần tư vấn là cái nào nên làm, cái nào không, làm như thế nào... theo những quy hoạch phát triển chung". Ông Vinh cho rằng, các nhà chuyên môn về mỹ thuật, kiến trúc đáng lẽ phải được mời vào cuộc, hỗ trợ các nhà đầu tư có được những tổng thể mỹ quan và nét đặc trưng cho các khu du lịch.

 

Theo ông Trang, nhà đầu tư khu du lịch không nên chỉ đơn độc kinh doanh mà cần phải có sự hợp tác của địa phương để tạo nên một bộ mặt tổng thể "thân thiện" với du khách. "Du lịch là một dịch vụ văn hóa, du khách không chỉ đến một một điểm rồi dừng chân ở đó mà còn có nhu cầu tìm hiểu đời sống văn hóa ở các vùng lân cận", ông Trang nói.

 

Việc đầu tư cho các điểm đến hiện nay còn mang nặng tính “cát cứ”, địa phương. Như du lịch ĐBSCL chẳng hạn, lẽ ra, cần liên kết để tạo thành một chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo, khác nhau. Song, khi đi Mỹ Tho, Vĩnh Long hay Cần Thơ, chúng ta cũng chỉ thấy những sản phẩm giống nhau là du lịch nhà vườn. Ðường Trường Sơn lịch sử với dãy núi hùng vĩ, chỉ cách duyên hải không quá 90km, sẽ là cực kỳ thuận lợi để khai thác du lịch nếu các nhà đầu tư cùng ngồi lại theo một kịch bản, được Tổng cục Du lịch đạo diễn chung.

 

(Theo SGTT)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
DN trong nước ''bỏ quên'' thị trường nội địa? (17/08/2003)
Đề nghị hoãn thực hiện niêm yết giá thuốc từ 1/10 (16/08/2003)
Kiểm soát chặt dư lượng kháng sinh trong thuỷ sản (16/08/2003)
Tàu ở gần bờ, vốn trôi xa bờ (16/08/2003)
WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giảm nghèo và tiết kiệm điện (16/08/2003)
Đề nghị hoãn thực hiện niêm yết giá thuốc từ 1/10 (16/08/2003)
DN chưa hiểu đúng quy định của cơ quan thuế (16/08/2003)
Người nuôi tôm ở Đà Nẵng được mùa (16/08/2003)
Thu 1,2 tỷ đồng từ bán đấu giá CP Garmex Sài Gòn (15/08/2003)
Hội chợ triển lãm quốc tế về ôtô và nhiên liệu (15/08/2003)
Doanh nghiệp Đà Nẵng méo mặt vì... điện (15/08/2003)
Lần đầu tiên Việt Nam đóng mới tàu biển cho Nhật Bản (15/08/2003)
Giảm chi phí hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng (15/08/2003)
Đề nghị miễn thuế 3 năm đầu cho nuôi thuỷ sản (15/08/2003)
Thắt chặt hơn việc thành lập DNNN (15/08/2003)
Tro ve dau trang