Tàu ở gần bờ, vốn trôi xa bờ
09:32' 16/08/2003 (GMT+7)

Tàu đánh cá do ngư dân tự đầu tư  lại hiệu quả hơn.

Chuyện ''mía đắng, đường chua'' đang là một bài học nóng hổi vè kiểu đầu tư theo phong trào, thì tiếp đến Chương trình vay vốn ưu đãi đánh bắt hải sản xa bờ đang làm cho chủ nợ nhức đầu vì khó có thể thu hồi nợ. Hai chủ nợ là Quỹ Hỗ trợ phát triển Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đang ''nhìn'' hơn 1.300 tỷ đồng của mình trôi ra ''xa bờ'', còn những chiếc tàu thì đang ''đắm'' ngay tại bờ hoặc không đủ sức đi xa.

Mục tiêu vươn ra biển xa

Chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi để đóng tàu, thuyền đánh bắt hải sản xa bờ được khởi động từ tháng 6/1997, nằm trong mục tiêu phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá ngành thuỷ sản. Ông Tạ Quang Ngọc, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, cho biết chương trình này được thực hiện ở 29 tỉnh, thành phố ven biển và đến tháng 6/2003, từ nguồn vốn vay ưu đãi 1.338 tỷ đồng, ngư dân cả nước đã đóng mới và hoán cải được 1.362 con tàu thành tàu đánh bắt xa bờ (bình quân mỗi con tàu ngư dân vay vốn trên dưới 1 tỷ đồng). Cùng với hơn 4.000 chiếc tàu đánh bắt xa bờ mà ngư dân tự bỏ vốn đầu tư hoặc vay thương mại từ các nguồn khác, đội tàu đánh bắt xa bờ của Việt Nam đã được nâng lên 6.300 chiếc.

''Sự hiện diện của tàu đánh bắt xa bờ ở vùng biển xa góp phần bảo vệ an ninh trên biển, chủ quyền quốc gia và hạn chế tàu thuyền nước ngoài đánh bắt trái phép ở vùng biển xa Việt Nam'', ông Ngọc nói. Ngoài ra, chương trình đánh bắt xa bờ đã tạo được lực đẩy để ngư dân đóng mới tàu thuyền công suất lớn, vươn ra khơi xa, giảm áp lực khai thác gần bờ làm nguồn tài nguyên hải sản cạn kiệt, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ven biển.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tân cho biết: đội tàu đánh bắt xa bờ trước đây chủ yếu của các doanh nghiệp đánh cá quốc doanh, rất ít tàu của ngư dân. Giờ đây đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân tăng mạng, vượt ra biển xa, nên hạn chế được tàu của các nước đánh bắt hải sản lén lút trong ngư trường của Việt Nam.

Dõi theo đồng vốn

Ông Nguyễn Ngọc Hồng, Thứ trưởng  Bộ Thuỷ sản, cho biết trong tổng số 1.338 tỷ đồng vốn vay mới đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ, đến nay, ngư dân mới chỉ trả nợ gốc được 100,4 tỷ đồng, dư nợ còn lại đến 1.237,7 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn và lãi đến hạn chưa thu được lên đến 684,4 tỷ đồng, chiếm 55% dư nợ. Ông Hồng cũng cho hay, kể từ khi khởi động chương trình đến nay, Chính phủ đã ban hành ba quyết định có liên quan đến mức lãi xuất, thời hạn vay, xử lý nợ vay. Điều này chứng tỏ việc thu hồi nợ vay của chương trình không phải dễ dàng.

Chủ nợ lớn nhất là Quỹ Hỗ trợ phát triển Việt Nam (DAF) với doanh số cho vay là 1.100 tỷ đồng. Ông Lại Văn Đạo, Phó tổng giám đốc DAF cho biết dư nợ của DAF hiện nay là 994 tỷ đồng nhưng nợ và lãi đến hạn chưa thu được khoảng 500 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng dư nợ. Điều làm mọi người giật mình chính là khả năng trả nợ còn quá thấp.

Theo ông Đạo, số vốn còn đóng tàu đánh bắt xa bờ mà sau đó ngư dân làm ăn có hiệu quả, có khả năng trả được nợ chỉ có 11 tỷ đồng, chiếm 1% tổng dư nợ, tức chỉ khoảng 11 chiếc tàu trong số cả ngàn chiếc được đóng bằng vốn vay của DAF. Còn lại là chây ỳ, không có khả năng trả nợ chiếm 29%; sản xuất thua lỗ do thiên tai, do ngư trường thu hẹp... chiếm đến 69%. Có những trường hợp mà ông Đạo không biết xếp vào loại ''nợ khó đòi'' nào cả. Đó là chuyện ở Đà Nẵng, ở một người con rể vì giận bố vợ mà lái chiếc tàu đánh bắt xa bờ của bố vợ  ra ngoài khơi rồi phóng lửa đốt; hay như ngư dân lập ra hợp tác xã đã giải tán, chủ nợ không biết đòi ai và cũng chẳng ai thèm quan tâm quản lý những chiếc tàu này...

Ông Đạo rất lo lắng khi mà có đến 120 tỷ đồng vốn, tương ứng với 120 con tàu đang nằm trên bờ, không thể ra khơi vì chủ nhân những con tàu này có người chưa một lần... ra khơi đánh cá. Trong số này, có nhiều chiếc đang mục dần, xuống cấp theo thời gian. ''Những con tàu này đang ở gần bờ nhưng đồng vốn của Nhà nước thì đang xa bờ, theo thời gian'', một cán bộ ngành thuỷ sản chua chát nói.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đang theo dõi một cách vô vọng đồng vốn của mình, khi mà họ cho vay đầu tư trong chương trình này khoảng 300 tỷ đồng nhưng nợ và lãi đến hạn chưa thu được lên tới 100 tỷ đồng.

Vẫn là bệnh đầu tư phong trào

Cũng giống như chương trình mía đường hay xi măng lò đứng, nguyên nhân khó thu hồi nợ của chương trình đánh bắt cá xa bờ có khá nhiều, mà từ lâu công luận đã lên tiếng. Nhưng nguyên nhân cốt lõi, theo ông Tân, là đầu tư ''chạy theo phong trào'', đã biến chương trình phát triển nghề cá thành chương trình xoá đói giảm nghèo theo cách nghĩ của một số cán bộ và ngư dân.

''Có ngư dân tài sản chỉ có chiếc thuyền thúng, không có vốn, không có tay nghề nhưng lại được xét duyệt cho vay đóng con tàu cả tỷ đồng, đóng xong anh ta chẳng biết làm gì với con tàu đó cả'', ông Tân kể. Rồi ai ai cũng đóng tàu làm nghề giã cào thì làm sao mà ngư trường không thu hẹp và khủng hoảng thừa đội tàu giã cào. Ông Đạo thừa nhận điều này, khi cho rằng có quá nhiều sơ hở trong việc lập dự án, xét duyệt dự án không đúng đối tượng và không lường trước được việc hình thành các ''hợp tác xã ma'' chỉ để được vay vốn, sau đó ''tự nguyện'' tan rã.

Không chỉ đầu tư cho vay theo phong trào, mà còn đầu tư giàn trải, xé lẻ. Ông Tân nói ngư dân có vốn, có kinh nghiệm, chí thú làm ăn thì vay được một tỷ đồng nữa mới đóng được một chiếc tàu hoàn chỉnh để đi biển thực sự. Còn người không có khả năng thì được vay 1 tỷ đồng nhưng họ chỉ đóng tàu 700 triệu đồng, còn lại là mua xe máy, xây nhà. ''Có dự án 7 tỷ đồng mà đóng đến 20 con tàu thì làm sao mà thành tàu đánh bắt xa bờ đúng nghĩa được'', ông Tân nói.

Ngư dân tự đầu tư lại hiệu quả.

Trong khi đó, ông Tạ Quang Ngọc cho biết từ đầu năm đến nay hầu như không một địa phương nào vay được vốn của chương trình vì nợ quá hạn, nhưng đội đánh bắt xa bờ của cả nước vẫn có thêm 169 chiếc, do ngư dân tự đầu tư. Có xã ven biển mấy năm qua không hề vay được đồng vốn nào từ chương trình nhưng ngư dân vẫn đóng được 100 chiếc tàu đánh bắt xa bờ có công suất trên 90 mã lực và làm ăn có hiệu quả. Còn trên phạm vi cả nước, đội tàu đánh bắt xa bờ của dân tự đầu tư có đến 4.000 chiếc, điều đó càng chứng tỏ ngư dân tự lượng sức mình để đầu tư đóng tàu đánh bắt xa bờ lại có hiệu quả hơn là đóng tàu bằng vốn vay ưu đãi, mà giờ đây, chuyện thu hồi nợ trở thành chuyện ''dài nhiều tập''.

(Theo TBKTSG)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giảm nghèo và tiết kiệm điện (16/08/2003)
Đề nghị hoãn thực hiện niêm yết giá thuốc từ 1/10 (16/08/2003)
DN chưa hiểu đúng quy định của cơ quan thuế (16/08/2003)
Người nuôi tôm ở Đà Nẵng được mùa (16/08/2003)
Thu 1,2 tỷ đồng từ bán đấu giá CP Garmex Sài Gòn (15/08/2003)
Hội chợ triển lãm quốc tế về ôtô và nhiên liệu (15/08/2003)
Doanh nghiệp Đà Nẵng méo mặt vì... điện (15/08/2003)
Lần đầu tiên Việt Nam đóng mới tàu biển cho Nhật Bản (15/08/2003)
Giảm chi phí hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng (15/08/2003)
Đề nghị miễn thuế 3 năm đầu cho nuôi thuỷ sản (15/08/2003)
Thắt chặt hơn việc thành lập DNNN (15/08/2003)
Chỉ quản lý niêm yết, còn giá thuốc hợp lý thì... chưa! (14/08/2003)
Vietnam Airlines nối lại đường bay thẳng tới Bắc Kinh (14/08/2003)
Hỗ trợ DN là ưu tiên cao của ngành ngoại giao (14/08/2003)
164 thương hiệu vào chung kết giải "Sao Vàng đất Việt" (14/08/2003)
Tro ve dau trang