Doanh nghiệp Đà Nẵng méo mặt vì... điện
10:42' 15/08/2003 (GMT+7)

Công nhân Điện lực Đà Nẵng sửa chữa đường dây, nhưng điện vẫn chập chờn!

(VietNamNet) - Điện tụt áp bất ngờ đã làm Công ty Dệt may 29/3 hư hỏng các bộ điều khiển tự động của hai máy hồ nhuộm vừa tốn mấy tỷ đồng để nhập về. Cũng với lý do đó, Công ty Cung ứng tàu biển – Thương mại và Dịch vụ Đà Nẵng bị hư hại gần hết hệ thống máy điều hoà nhiệt độ lắp đặt trong các phòng làm việc... Doanh nghiệp Đà Nẵng đang kêu trời không thấu bởi chất lượng điện áp trên địa bàn!

Doanh nghiệp kêu trời vì điện chập chờn

Có lẽ vì quá “thấu hiểu” về tình trạng nổi hứng “bất tử” của nguồn điện ở Đà Nẵng nên Giám đốc Công ty Dệt may 29/3 Huỳnh Văn Chính đã cho nhân viên lập sổ thống kê sự cố điện tụt áp, thậm chí mất đột ngột xảy ra cho đơn vị ông trong suốt cả 7 tháng qua dù chỉ để chờ có dịp nói lên nỗi khổ của doanh nghiệp vì cái sự chập chờn của ''ông nhà đèn''!

Trong đó, sự cố nặng gần nhất là vào khoảng 15 - 16h ngày 20/6, tuy chỉ dao động ngắn song điện áp đã tụt rất thấp làm mọi hoạt động sản xuất ở công ty này phải... ngừng hẳn! Kết quả của những sự cố tụt áp bất ngờ đó là 2 máy hồ nhuộm Ecosoft và Minisofl trị giá mấy tỷ đồng trong dây chuyền dệt khép kín của Công ty Dệt may 29/3 bị hư hỏng các bộ điều khiển tự động và nhiều chi tiết khác. Lãnh đạo Công ty này đã phải quyết định mua mới một bộ điều khiển Ecosoft tốn hơn 6.200 EURO nhưng rốt cuộc vẫn phải cho công nhân máy vận hành thủ công dù biết rằng làm như vậy sẽ không đảm bảo được chất lượng của màu sắc sản phẩm. Nhưng biết làm sao hơn một khi các sự cố tụt áp, mất điện đột ngột liên tục xảy ra không chỉ khiến hư hỏng các thiết bị máy móc mà còn làm ngưng các hoạt động hấp, tẩy, dệt dẫn đến không ít sản phẩm cũng hư hỏng theo?

Chung nỗi khổ với ông Huỳnh Văn Chính, thậm chí hơn thế, là các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp Hoà Khánh vốn là một khu vực ở vị trí cao, thường có sét đánh vào mùa khô và cứ mỗi lần như vậy thì... sự cố điện dao động chập chờn, tụt áp hoặc mất hẳn lại diễn ra. Lãnh đạo Công ty Thép Đà Nẵng lắm lần phải dở khóc dở cười khi những mẻ thép đang ra lò đã giảm hẳn chất lượng bởi không thể xử lý kịp hệ thống nước làm mát khi điện áp tụt hay mất đột ngột. Các doanh nghiệp dệt may thì khỏi phải nói, cứ mỗi lần điện áp giảm bất thình lình, dù chỉ vài phút, cũng khiến nhịp điều làm việc của hàng trăm công nhân bị xáo trộn (chưa kể các hư hỏng máy móc, thiết bị, sản phẩm xảy ra như với Công ty Dệt may 29/3). Và họ phải mất khá nhiều thời gian để ổn định lại!

Một cán bộ người Việt ở Công ty sản xuất đồ chơi xuất khẩu Keyhinge Toys (100% vốn đầu tư nước ngoài) bức xúc cho biết: “Mỗi lần xảy ra sự cố điện là lãnh đạo người nước ngoài của công ty rất bất bình. Thà điện cúp hẳn và có thông báo trước để chúng tôi bố trí lại sản xuất chứ không thể chịu nổi kiểu điện chập chờn, có cũng như không thế này!”.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất mà các doanh nghiệp dịch vụ cũng ngao ngán khi được hỏi về tình hình điện cung cấp cho hoạt động của đơn vị. Giám đốc Công ty cổ phần Cung ứng tàu biển - Thương mại và Dịch vụ Đà Nẵng Nguyễn Hồng Vân cho biết, các sự cố điện tụt áp xảy ra gần đây đã làm hầu hết hệ thống máy điều hoà nhiệt độ lắp đặt trong các phòng làm việc của công ty này. Nhân viên công ty phải ngưng việc chạy đi tìm người sửa chữa và lắp đặt máy mới, tốn kém “ngoài dự kiến” hàng chục triệu đồng.

Ông Trịnh Bằng Có, Giám đốc Công ty cổ phần Phương Đông thì không ít lần phải hứng chịu mọi lời ca thán, thịnh nộ của khách du lịch đến ở tại khách sạn của ông vì bất thình lình bị... nhốt trong thang máy, hoặc bị tắt máy lạnh bất ngờ trong các phòng ngủ đóng kín cửa... Khách đến dự các hội nghị được Ban tổ chức thuê hội trường ở khách sạn này để tổ chức cũng lắm lúc phải nổi cáu vì hệ thống âm thanh bất ngờ bị “tắt tiếng”! Có một hội nghị, sau khi tổ chức xong, khách hàng... cắt luôn 50% giá trị hợp đồng vì lý do này. Cũng như vậy, rất nhiều cơ sở dịch vụ, du lịch, bán hàng khác ở khu vực nội thị Đà Nẵng đã “méo mặt” liên hồi vì mọi thứ cứ... bất ngờ đứng sựng lại.

Người viết bài này có lần đã nổi cáu với hiệu ảnh Anh Đức vì giao ảnh trễ hẹn, nhưng rồi phải “thông cảm” khi chủ hiệu đưa ra cả đống ảnh bị hư vì... máy dù không hỏng mà vẫn đứng như trời trồng! Ban tổ chức lễ tuyên dương thành tích của đội bóng đá U.21 Đà Nẵng giành chức vô địch giải U.21 quốc gia 2003 cũng vài lần toát mồ hôi trước sự chứng kiến của hàng ngàn khán giả và lãnh đạo TP vì Trung tâm TDTT Nguyễn Tri Phương bị mất âm thanh, ánh sáng giữa chừng, dù Giám đốc Sở TDTT Đà Nẵng liên tục alô cho Giám đốc Điện lực Đà Nẵng!... Rồi mọi chuyện đều được doanh nghiệp âu lo chỉ về phía ông “nhà đèn” hay hứng bất tử!

Ngành điện thể hiện trách nhiệm đến đâu?

Có thể nói ở Điện lực Đà Nẵng thì Phòng Điều độ là... bận rộn nhất với các hàng trăm cú điện thoại gọi đến mỗi ngày, nhất là khi xảy ra tụt áp, mất điện. Chúng tôi cũng thử vài lần gọi đến số máy (0511) 821154 và 835838 của Phòng Điều độ Điện lực Đà Nẵng. Khi thì nhân viên ở đây dõng dạc tuyên bố việc cúp điện ở nơi này, nơi khác đã có lịch thông báo trước. Có lần khách hàng nổi nóng, nói hơi nặng lời liền “được” nhân viên của Phòng Điều độ Điện lực Đà Nẵng “răn đe” số máy, địa chỉ lẫn... giọng nói của người gọi đến đã được “ghi âm”! Phải tất tả chạy tìm báo Đà Nẵng từ 5 - 7 ngày trước để kiểm tra xem có lịch thật không; bởi không phải người dân Đà Nẵng nào cũng có tờ báo này để đọc. Chưa kể cách viết thông báo của Điện lực Đà Nẵng thường dùng các ký hiệu mã số khiến nhiều người đọc không thể biết được ở chỗ mình có bị mất điện vào ngày đó, ngày kia hay không? Và ngay cả khi có thông báo rồi thì... cũng không phải đã đáng tin cậy.

Trong số khá nhiều ngày mất điện vào cuối tháng 7 vừa qua ở khu vực mà người viết bài này đang sống, có lần mất điện 2 ngày liên tiếp. Ngày đầu, các đơn vị, gia đình trong khu vực đành “ráng chịu” vì đã có thông báo từ trước, dù so với thông báo đó thì thời gian cắt điện đã bị kéo dài hơn cả tiếng đồng hồ. Nhưng đến hôm sau thì họ không thể chịu nổi nữa. Alô lên Phòng Điều độ, được trả lời “đã có thông báo”! Hỏi: Cắt điện 2 ngày liên tục ở một khu vực làm sao dân sống nổi, cũng chỉ được trả lời: “Đã thông báo!”. Buộc lòng người viết bài này phải phản ảnh thẳng với Giám đốc Điện lực Đà Nẵng. Và có lẽ do nhận thấy việc xếp lịch cắt điện liên tục 2 ngày ở cùng một khu vực là bất hợp lý nên... chưa tới 10 phút sau, khu vực mà người viết bài này đang sống lại có điện. Người của Phòng Điều độ Điện lực Đà Nẵng còn “cẩn thận” gọi điện đến tận nhà thông báo cuối giờ chiều sẽ cắt điện chừng 10 phút để... đổi nguồn điện (!) Sao lại có thái độ trái ngược như vậy?

Đó là với loại “cắt điện có thông báo”, còn với các sự cố tụt áp, mất điện xảy ra bất ngờ thì sao? Thường thì nhân viên của Phòng Điều độ Điện lực Đà Nẵng “chuyển” lý do cho... đường dây 500kV bị xảy ra sự cố ở chỗ nọ, chỗ kia. Khi ấy hẳn là doanh nghiệp lẫn người dân đều phải bó tay, vì không thể kiểm tra có đúng sự thật hay không? Hoạ hoằn lắm mới có lần Phòng Điều độ Điện lực Đà Nẵng nhận lỗi về mình, nhưng lại cũng đổ cho sự cố khách quan, rằng... thì... mà... là... bị nổ bình biến áp, bị đứt dây diện... ở đâu đó. Tuy vậy, đã có lần người viết bài này trực tiếp chứng kiến một khu vực trên đường Ông Ích Khiêm bị mất điện do đội công nhân đang thi công đường dây điện qua đó, nhưng khi hỏi Phòng Điều độ thì vẫn được trả lời là... có sự cố ở trạm biến áp trên đường Lê Duẩn!

Vẫn biết do nhu cầu dùng điện ngày một tăng cao nên dễ xảy ra các sự cố. Nhưng rõ ràng là ngành điện phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng điện áp cung cấp cho khách hàng, phải có giải pháp hợp lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người bỏ tiền ra mua điện. Trong hợp đồng mua bán điện, ngành điện luôn đưa ra yêu cầu buộc khách hàng phải tuân thủ, đồng thời cũng nêu các cam kết với người dùng điện. Điện lực Đà Nẵng tỏ ra mạnh tay cắt điện, phạt tiền khi khách hàng chậm nộp tiền điện. Vậy đã khi nào họ gánh chịu các thiệt hại do sự cố điện gây ra cho khách hàng?

Người dùng điện có quyền đòi hỏi ngành điện phải có trách nhiệm đầu tư trang thiết bị để đảm bảo cung ứng tốt nhất dịch vụ cho khách hàng, trừ những sự cố “bất khả kháng”, chứ không thể đổ lỗi cho mọi sự cố đều là bất khả kháng! Tại sao khi sử dụng điện họ lại không được bảo hiểm về độ an toàn của thiết bị điện và độ tin cậy của dịch vụ cung ứng điện, trong khi điện là yếu tố sống còn đối với mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, kể cả sinh hoạt của con người?

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có quy định nếu cúp điện không thông báo trước thì ngành điện sẽ bị phạt. Tuy nhiên, hầu như chưa thấy các điện lực địa phương có sự triển khai cụ thể để đảm bảo thực hiện tốt quy định này; trong khi đó thông tin về tăng giá điện lại vừa được Tổng Công ty Điện lực VN đưa ra! Có thể nói với thực trạng chất lượng điện áp và dịch vụ cung ứng như hiện nay thì việc tăng giá điện sẽ gặp phải sự bất bình của khách hàng. Nhưng với ngành điện, có lẽ điều đó cũng không “đáng kể” gì, vì khách hàng không thể mua điện ở nơi nào khác!

  • Thanh Hải
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Lần đầu tiên Việt Nam đóng mới tàu biển cho Nhật Bản (15/08/2003)
Giảm chi phí hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng (15/08/2003)
Đề nghị miễn thuế 3 năm đầu cho nuôi thuỷ sản (15/08/2003)
Thắt chặt hơn việc thành lập DNNN (15/08/2003)
Chỉ quản lý niêm yết, còn giá thuốc hợp lý thì... chưa! (14/08/2003)
Vietnam Airlines nối lại đường bay thẳng tới Bắc Kinh (14/08/2003)
Hỗ trợ DN là ưu tiên cao của ngành ngoại giao (14/08/2003)
164 thương hiệu vào chung kết giải "Sao Vàng đất Việt" (14/08/2003)
Xây 5 nhà máy điện tại Lào để xuất điện về Việt Nam (14/08/2003)
Xuất gạo dự trữ quốc gia khắc phục hậu quả hạn hán (14/08/2003)
'Ngành công nghệ cao không hề bế tắc' (14/08/2003)
VASEP đã chính thức khởi kiện Bộ Thương mại Mỹ (13/08/2003)
Cần làm cho kiều bào thấy được cái lợi của việc làm ăn ở trong nước (13/08/2003)
Đánh thuế cao thuốc lá, muối, bông ngoài hạn ngạch (13/08/2003)
Hà Nội nhập 300.000 con cá tra, basa giống (13/08/2003)
Tro ve dau trang