17.000 USD mua... lối đi chung ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng?
11:40' 06/08/2003 (GMT+7)

Nhà chung cư ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

Gần 100 khách hàng của Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng (PMH) mua nền đất tại khu nhà ở kết hợp kinh doanh (dự án Hưng Phước III) thuộc khu đô thị PMH (quận 7, TP.HCM) đã thanh toán hết tiền nhưng ngày nhận giấy chủ quyền nhà thì còn trong ''thì tương lai''. Hơn thế nữa, họ chỉ được phép sử dụng 116m2 trên 148m2đã bỏ tiền ra mua. Diện tích còn lại được dùng làm lối đi chung.

Trả tiền cao nhưng không được sở hữu quyền sử dụng

Ông Phạm Long Trung mua một lô (khu R). Trên hợp đồng (đã ký cách đây 2 năm) được ghi lô đất có diện tích 148m2. Tháng 3/2003, Ông Trung thanh toán xong tiền đất, gần 80.000 USD. Một tuần sau, giao đất cho ông Trung, Công ty liên doanh PMH yêu cầu xây dựng ông phải chừa đằng trước 2m, đằng sau 2m, không được rào chắn. Ông Trung thắc mắc: ''Nếu đây là đường thông hành địa dịch thì không được thu tiền. Bằng không khách hàng chúng tôi phải biết mình sẽ được sử dụng như thế nào. Phần diện tích này có được ghi trên giấy chủ quyền?''.

Nhiều khách hàng tính: mỗi nền đất, phần diện tích không được xây dựng là 32m2 . Nếu phần đất này được sử dụng là đất công cộng, làm lối đi chung cho khu phố thì công ty đã buộc mỗi khách hàng phải đóng (thay vì phần này chủ đầu tư phải chịu) gần 17.300 USD. Dự án có 96 lô, số tiền lên đến 1,65 triệu USD. Khu đô thị có năm dự án nhà ở kết hợp kinh doanh, lẽ nào khách hàng phải trả 8 triệu USD nhưng không được sở hữu quyền sử dụng?

Điệp khúc ''nếu...thì...''

''Đó không phải là đất thông hành địa dịch hay vỉa hè!'' - Phó Tổng giám đốc Công ty liên doanh PMH Bùi Thanh Sơn khẳng định. Ông Sơn cho rằng phần đất đó công ty được phép kinh doanh, chuyển nhượng cho khách hàng. Khách hàng được quyền sử dụng phần diện tích này. ''Nhưng khi xây dựng nhà phải chừa một khoản lùi, bỏ trống, không được rào chắn, vì đây là ở kết hợp kinh doanh'' - ông Sơn nói.

Tương tự thiết kế của khu R, tại khu H (nơi đã hoàn chỉnh), phần chừa trống phía trước để tạo thông thoáng có thể chấp nhận được. Nhưng phần phía sau, do không được rào chắn, nên thực tế ở đây đúng nghĩa là chỗ để xe và lối đi chung cho một dãy nhà.

Trả lời thắc mắc ''khách hàng được rào lại phần diện tích trong khuôn viên của nhà mình'', ông Sơn cho biết: ''Khi người mua dọn đến đầy đủ, nếu mọi người nhất trí rào lại khoảng lùi này thì đề nghị ban quản lý khu Nam bãi bỏ qui định và cho rào phần đất riêng của mình''. Trong trường hợp nếu chủ quyền nhà không thể hiện đủ diện tích đã thoả thuận thì Công ty liên doanh PMH cam kết ''hoàn lại với số tiền tương ứng với diện tích thiếu cộng lãi suất ngân hàng''.

Nhưng đến bao giờ khách hàng mới có chủ quyền (điều này không thể hiện trên hợp đồng)? Chủ đầu tư lắc đầu: ''Chúng tôi không dám chắc, con đường đi của hồ sơ xin cấp chủ quyền tại khu Nam này nếu không trục trặc thì cũng phải mất 160 ngày''. Lời giải thích này khiến không ít khách hàng lo lắng: trường hợp có trục trặc thì sao?

Theo một số chuyên gia về nhà đất, người dân có toàn quyền sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu của mình (dưới đất và trên không). Tuy nhiên, đối với một khu đô thị mới như PMH, do có cơ chế riêng, quy hoạch riêng, tất cả đều phải thể hiện trên hợp đồng dân sự. Trường hợp hợp đồng không được thực hiện đầy đủ, các bên có thể đưa đơn ra toà.

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tàng trữ, lưu hành tiền giả và một bản án 21,5 năm tù (06/08/2003)
"Đường vào WTO mỗi ngày mỗi khó" (06/08/2003)
Giá hạt tiêu tăng cao, nông dân vẫn găm hàng (06/08/2003)
Việt Nam tiếp tục xuất khẩu điện qua Lào (06/08/2003)
6 DN thuỷ sản được phục hồi xuất khẩu vào EU (06/08/2003)
Nối lại tuyến du lịch biển Việt Nam - Trung Quốc (06/08/2003)
Du khách đến Ngũ Hành Sơn tăng đột biến (06/08/2003)
Giám đốc bị khởi tố được 7 tháng mới thông báo cho nhà đầu tư! (05/08/2003)
"Mục tiêu cánh đồng 50 triệu và hộ thu nhập 50 triệu/năm còn thấp" (05/08/2003)
Tìm giải pháp hạ giá đường (05/08/2003)
''Cần tăng hàng hoá hấp dẫn cho TTCK'' (05/08/2003)
Đã quy định cụ thể cả mức phí trông xe (05/08/2003)
Hợp đồng tiêu thụ lúa lớn nhất ở An Giang (05/08/2003)
Cánh đồng 50 triệu tạo giá trị hàng hoá lớn (05/08/2003)
Cơ hội giới thiệu hàng hoá tại Côn Minh (05/08/2003)
Tro ve dau trang