Thủ tướng Phan Văn Khải:
"Mục tiêu cánh đồng 50 triệu và hộ thu nhập 50 triệu/năm còn thấp"
17:18' 05/08/2003 (GMT+7)
Sản xuất rau an toàn.
(VietNamNet)
- Sáng nay (5/8), tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần nhanh chóng chuyển sang thời kỳ sản xuất hàng hoá lớn, tìm cây con có giá trị, cho thu nhập cao. Thủ tướng cho rằng, mục tiêu cánh đồng 50 triệu/ha và hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm còn thấp nếu chia cho 12 tháng và tính theo GDP bình quân đầu người/năm của Việt Nam hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ, qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, ngành nông nghiệp đã về đích sớm hầu hết các mục tiêu, thậm chí, sản lượng thóc, cà phê còn vượt mặc dù diện tích giảm. Tuy nhiên, riêng chỉ tiêu trồng rừng tập trung không đạt yêu cầu, bởi trong năm nay, ước tính chúng ta mới trồng thêm được 195ha, trong khi mục tiêu mà Nghị quyết đề ra là 1.300ha.

Theo Bộ NN-PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản trong năm 2003 ước đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2002. Riêng trong 6 tháng đầu năm đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất chủ yếu đạt giá trị cao như gạo (2,4 tấn, đạt 439 triệu USD), cà phê 347.000 tấn, 242 triệu USD (lượng chỉ bằng 90% so với cùng kỳ nhưng kim ngạch tăng 68%), cao su (168.000 tấn, 134 triệu USD)... Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ nội địa đối với các mặt hàng nông sản cũng đã có sự chuyển biến tích cực.

Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cho biết, qua gần 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005, cơ cấu nông nghiệp có sự chuyển dịch rõ rệt, diện tích các cây trồng có thị trường khó khăn như lúa, cà phê giảm để chuyển sang nuôi trồng thủy sản và các khác có giá trị cao hơn, nhưng giá trị sản lượng vẫn tăng và an ninh lương thực được đảm bảo. So với năm 2000, diện tích gieo trồng lúa của cả nước giảm gần 180.000ha, song, nhờ sự tiếp sức của giống mới, thuỷ lợi nên năng suất lúa tăng từ 42,4 tạ/ha (năm 2000) lên 45,7 tạ/ha (2003), sản lượng lúa đạt 34,2 triệu tấn, hoàn thành mục tiêu 34 triệu tấn trước 3 năm.

Bên cạnh đó, việc sản xuất một số sản phẩm thay thế nhập khẩu và có thị trường tiêu thụ trong nước tăng nhanh, như diện tích bông vải (đạt 40.000ha năm nay), đậu tương (160.000 ha), ngô (815.000ha), cây ăn quả (650.000ha)... Số lượng đàn bò sữa tăng gấp đôi, đạt 74.000 con; sản lượng sữa tươi cũng tăng gấp 2,34 lần.

Riêng các cây công nghiệp xuất khẩu ổn định diện tích. Nhờ tăng cường đầu tư thâm canh, đẩy mạnh chế biến sâu nên sản lượng và giá trị sản lượng, giá trị xuất khẩu cũng tăng nhanh: cao su đạt gần 60.000 tấn (do giá tăng), giá trị sản lượng đạt cao nhất từ trước đến nay; sản xuất điều đứng thứ hai thế giới với gần 130.000 tấn; hồ tiêu số một thế giới với 55.000 tấn; riêng mặt hàng chè gặp khó khăn do ảnh hưởng chiến tranh Iraq...

Chăn nuôi cũng có bước phát triển mạnh, đưa tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp từ 17% lên 20% năm 2003. Do nhu cầu về thịt, trứng, sữa trong nước tăng nhanh, nguồn thức ăn dồi dào nên chăn nuôi 3 năm qua tăng khá. Ví như, đàn bò đạt 4,22 triệu con, đàn lợn đạt 24,6 triệu con, gia cầm 256 triệu con. Nhiều trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa phát triển mạnh, mở ra triển vọng tăng tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Vang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chăn nuôi, giá thức ăn cho gia súc của Việt Nam còn cao (hơn 11% so với các nước khu vực), hàng năm vẫn phải nhập khẩu bò thịt (hiện chăn nuôi trong nước mới đáp ứng được 7,5% nhu cầu), hệ thống quản lý giống kém...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ nhận xét, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn còn chậm, chưa gắn bó chặt chẽ với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Cơ cấu kinh tế nông thôn vẫn còn nặng về nông nghiệp (khoảng 65%), trong nông nghiệp vẫn nặng về trồng trọt (75%). Cơ cấu đầu tư phát triển hạ tầng chưa hợp lý, vẫn nặng về thuỷ lợi. Một số chương trình trọng điểm của ngành triển khai chậm, hiệu quả thấp, như chương trình phát triển nông thôn, công nghiệp chế biến nông lâm sản (yếu về bảo quản và tổ chức sản xuất), chương trình phát triển rừng, 1 triệu tấn muối... 

Năm 2004, nhu cầu vốn đầu tư của ngành NN-PTNT là 4.800 tỷ đồng, trong đó, thuỷ lợi cần 3.500 tỷ, nông nghiệp 300 tỷ, lâm nghiệp 336 tỷ, hạ tầng nông thôn 229 tỷ. Trong đó, tập trung cho KHCN, đặc biệt là đẩy mạnh chương trình mô hình công nghệ cao phục vụ mục tiêu xây dựng cánh đồng 50 triệu/ha và hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm. Theo đó, mỗi viện, trường có khu trình diễn công nghệ cao, mỗi tỉnh có một mô hình công nghệ cao cho 4-5 sản phẩm chủ lực, các DN chủ lực, chủ trang trại đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ cao trong quy trình sản xuất, đặc biệt đối với các sản phẩm xuất khẩu. Đối với thị trường xuất khẩu, chú trọng thị trường châu Mỹ, châu Phi và củng cố các thị trường đã có.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phan Văn Khải, lãnh đạo Bộ đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xúc tiến và hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất nông lâm ngư nghiệp tỉnh huyện và quy hoạch kinh tế - xã hội năm 2005; tiếp tục ưu tiên đầu tư cho NN-PTNT, tăng mức đầu tư từ 17% hiện nay lên 23-24% từ năm 2004 (trước mắt, đề nghị bổ sung 1.390 tỷ đồng trong năm 2003 để xử lý nợ cho chương trình giống nông lâm nghiệp 100 tỷ đồng, thuỷ lợi 1.290 tỷ đồng); tạm ứng 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ hỗ trợ nông dân, DN mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Chính phủ cũng cần có chương trình phát triển kinh tế - xã hội với khu vực phía Tây của các tỉnh Duyên hải miền Trung để phát huy có hiệu quả công trình giao thông huyết mạch (đường Hồ Chí Minh), chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển. Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ có chính sách đánh thuế tiêu thụ muối ăn khoảng 20% để đầu tư toàn bộ cho phát triển nghề muối. Đồng thời, phát động phong trào thi đua sản xuất xây dựng cánh đồng 50 triệu/ha/năm, hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm trên phạm vi cả nước.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã lưu ý lãnh đạo ngành nông nghiệp, mặc dù có những tiến bộ đáng kể, song, hiện nay, chất lượng gạo của chúng ta vẫn thua Thái Lan, cao su thua Malaysia... Cần phải nâng cao hơn thu nhập trên một đơn vị diện tích, chứ mục tiêu cánh đồng 50 triệu/hahộ thu nhập 50 triệu/năm xem ra còn thấp. Điều đặc biệt là, ngành nông nghiệp phải hình thành những vùng tập trung chuyên canh cho năng suất cao, xác định khâu nào là đột phá, là động lực phát triển, như giống, KHCN hay thuỷ lợi? Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp hiện đại cần đi đôi với xây dựng nông thôn mới.

  • Hà Yên 
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tìm giải pháp hạ giá đường (05/08/2003)
''Cần tăng hàng hoá hấp dẫn cho TTCK'' (05/08/2003)
Đã quy định cụ thể cả mức phí trông xe (05/08/2003)
Hợp đồng tiêu thụ lúa lớn nhất ở An Giang (05/08/2003)
Cánh đồng 50 triệu tạo giá trị hàng hoá lớn (05/08/2003)
Cơ hội giới thiệu hàng hoá tại Côn Minh (05/08/2003)
Mở đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (05/08/2003)
6 tháng, thu hơn 12 tỷ đồng qua xử phạt buôn lậu và gian lận thương mại (05/08/2003)
Sẽ cổ phần hoá các vườn cây, rừng trồng (05/08/2003)
Nha Trang bắt đầu ''điểm hẹn tháng 8'' (04/08/2003)
DN Malaysia đầu tư 16 triệu USD xây nhà máy bao bì tại VN (04/08/2003)
ASEAN hướng tới một thị trường tài chính thống nhất (04/08/2003)
Hà Nội sẽ có thêm một cây cầu bắc qua sông Hồng (04/08/2003)
Lúa ĐBSCL được mùa, trúng giá (04/08/2003)
Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt tiêu (04/08/2003)
Tro ve dau trang