Bộ trưởng Lê Huy Ngọ
Cánh đồng 50 triệu tạo giá trị hàng hoá lớn
09:48' 05/08/2003 (GMT+7)
Bộ trưởng Lê Huy Ngọ.

(VietNamNet) - Tuy thiếu cơ sở khoa học cho phong trào "cánh đồng 50 triệu/ha" và "hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm", song, trên thực tế, rất nhiều nông dân, xã, huyện đã có thu nhập cao trên một đơn vị diện tích. Tại Hội thảo "Chuyển giao KHCN phục vụ xây dựng cánh đồng 50 triệu/ha và hộ nông dân thu nhập 50 triệu đồng/năm", chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Lê Huy Ngọ về một số vấn đề liên quan đến tiêu chí, quy mô và thời gian phát động phong trào.

- Thưa Bộ trưởng, tại sao chúng ta lại chọn tiêu chí cánh đồng 50 triệu/ha và hộ thu nhập 50 đồng/năm?

- Cánh đồng 50 triệu/ha là tổng thu nhập trên cánh đồng đó. Cánh đồng này có thể rộng 5ha, 10ha, do một hoặc nhiều người sản xuất. Cánh đồng đó cũng có thể gồm cả những trang trại 3ha, 5ha. Tôi nghĩ thế này, mình nói "cánh đồng 50 triệu/ha" là nhằm hướng tới nền nông nghiệp sản xuất tập trung, hàng hoá lớn, áp dụng KHCN mới. Chúng ta đã có cánh đồng, có xã và HTX đạt 50 triệu/ha, như ở Văn Giang (Hải Dương), thậm chí có cả huyện, như Gia Lộc... Gọi cánh đồng 50 triệu/ha tức là thu nhập khi chúng ta đã trừ chi phí sản xuất, như xăng dầu, giống, phân bón... ; còn về lao động, cho đến giờ, chưa nước nào tính được, và ở Việt Nam cũng vậy. Do đó, thu nhập của nông dân trên cánh đồng 50 triệu = (sức lao động + mức lãi/ha) - chi phí sản xuất.

Đối với cánh đồng 50 triệu/ha, chúng ta cần tính đến hiệu quả sản xuất. Hiện nay trên thế giới, tất cả các nước đều tính giá trị kinh tế thu được/ha, điều này phản ánh trình độ thâm canh, trình độ canh tác của mỗi nước. Như Đài Loan, họ nói thu nhập của nông dân đạt 10.000 USD/ha nghĩa là họ tính từ sản xuất nông nghiệp đến công nghiệp chế biến. Trong khi đó ở Việt Nam, chúng ta mới tính từ sản xuất cho đến khâu thu hoạch. Nếu so với Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, nông dân có thu nhập cao hơn, nhưng so với một số nước có ngành công nghiệp chế biến phát triển (chiếm đến 30% trong nông sản) như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... thì chúng ta thua, vì đó là nước nông nghiệp đã công nghiệp hoá. Việt Nam hiện mới chỉ công nghiệp hoá đầu vào.

Về hộ thu nhập 50 triệu/năm: Hộ nông dân là đơn vị cơ bản trong nông nghiệp, ở đó, mức sống của nông dân như thế nào thì được phản ảnh qua thu nhập, trình độ. Nói nông dân thu nhập 50 triệu đồng/năm có nghĩa: không phải chỉ những ai tham gia "cánh đồng 50 triệu/ha" mới được tính, mà nếu anh sản xuất đạt 50 triệu đồng/năm cũng được coi là sản xuất tiên tiến. Như vậy, phong trào của chúng ta đã mở rộng phạm vi, đối tượng thi đua, để cùng làm giàu, đời sống ngày càng tốt hơn.

Hai mục tiêu này hỗ trợ cho nhau. Cánh đồng 50 triệu hỗ trợ cho nhiều hộ làm, nhưng như thế là chưa đủ mà cần nhiều hộ có thu nhập 50 triệu đồng/năm, do ở trung du, miền núi, làm gì có những cánh đồng rộng 5ha, 10ha? Nếu chỉ gò bó trong cánh đồng, xã 50 triệu đồng/ha thì chưa ổn, mà phải mở rộng ra toàn dân. Nông dân nào cũng thể tham gia vào phong trào này, ngoài làm nông phải chăn nuôi lợn, bò sữa, nuôi cá để tăng thu nhập. Cánh đồng hỗ trợ cho nông dân có thu nhập 50 triệu, hộ nông dân mở rộng phong trào cánh đồng 50 triệu ra. Như vậy, phong trào này mới mang tính quần chúng rộng rãi, cần thiết và có cơ sở khoa học và thực tiễn.

- Thưa ông, liệu những mô hình nông nghiệp mới, với khoa học kỹ thuật tiên tiến, phương pháp canh tác hiện đại có lấn át những mô hình nông nghiệp truyền thống?

- Không thể như thế được. Mô hình nông nghiệp cao này trước hết phải dựa trên mô hình truyền thống, đó là cơ sở vật chất kỹ thuật thuỷ lợi, kỹ năng và sự cần cù, sáng tạo của người nông dân. Đồng thời, còn góp phần nâng nông nghiệp truyền thống lên mức độ cao hơn, nông nghiệp truyền thống là điểm tựa cho nông nghiệp công nghệ cao.

- Vậy, người dân làm thế nào để lo được đầu ra cho sản phẩm, khi mà sản xuất hàng hoá nhiều lên?

- Trước hết, làm giàu là nhu cầu của người dân nhằm nâng cao đời sống. Trong điều kiện đất chật người đông, nông dân Việt Nam đã làm được, và thực tiễn đã chứng minh điều đó. Ở Hải Dương, 17% số hộ đã làm được như vậy. Phong trào này không riêng là chủ trương của các nhà lãnh đạo, cũng như ý kiến của các nhà khoa học, mà còn là sự sáng tạo của bà con nông dân, do cuộc sống bắt buộc họ phải làm được.

- Như vậy, chúng ta sẽ thống nhất mục tiêu của phong trào là "tổng thu/cánh đồng", "thu nhập giá trị/hộ"?

- Bây giờ thì chưa, đây vẫn còn là hội thảo, là cơ hội để chờ ý kiến phản hồi thêm của các nhà khoa học. Đến cuối năm, chúng tôi sẽ tập hợp lại và trình Chính phủ trước khi phát động chính thức một phong trào thi đua rộng rãi. Khi đó, sẽ công bố những tiêu chí, phương pháp tính toán.

  • H. An
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cơ hội giới thiệu hàng hoá tại Côn Minh (05/08/2003)
Mở đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (05/08/2003)
6 tháng, thu hơn 12 tỷ đồng qua xử phạt buôn lậu và gian lận thương mại (05/08/2003)
Sẽ cổ phần hoá các vườn cây, rừng trồng (05/08/2003)
Nha Trang bắt đầu ''điểm hẹn tháng 8'' (04/08/2003)
DN Malaysia đầu tư 16 triệu USD xây nhà máy bao bì tại VN (04/08/2003)
ASEAN hướng tới một thị trường tài chính thống nhất (04/08/2003)
Hà Nội sẽ có thêm một cây cầu bắc qua sông Hồng (04/08/2003)
Lúa ĐBSCL được mùa, trúng giá (04/08/2003)
Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt tiêu (04/08/2003)
Lao động Việt Nam thua thiệt do thuế thu nhập cá nhân (04/08/2003)
Hà Nội tiếp tục tổ chức đấu giá nhiều khu đất (04/08/2003)
Tìm cơ sở khoa học cho cánh đồng 50 triệu (04/08/2003)
Mới thu hồi được 1.095 tỷ đồng trong vụ Epco - Minh Phụng (03/08/2003)
Giao quyền quản lý luồng hàng hải cho Bộ GT-VT (04/08/2003)
Tro ve dau trang