|
Lâm trường Tam Thắng, Phú Thọ. | (VietNamNet) - Bộ NN-PTNT hiện đang xây dựng Đề án cổ phần hoá (CPH) các vườn cây, rừng trồng trên địa bàn toàn quốc. Theo đó, trước tiên, sẽ thí điểm CPH ở những địa phương và các tổng công ty, các nông lâm trường quốc doanh có vườn cây, rừng trồng phát triển; sau đó, mới tiếp tục CPH các vườn cây, rừng trồng kém hiệu quả.
Nếu không có gì thay đổi, việc CPH sẽ bắt đầu tiến hành vào cuối năm nay, kết thúc năm 2005. TS. Nguyễn Ngô Hạo, Chuyên viên Vụ Chính sách (Bộ NN-PTNT), người trực tiếp soạn thảo đề án này, cho biết, việc CPH các vườn cây, rừng trồng nhằm tạo điều kiện cho các nhà máy chủ động và phát triển nguồn nguyên liệu. Đối với người lao động, họ có quyền làm chủ diện tích đất của mình và tạo việc làm từ các vườn cây, rừng trồng đó.
Khi tiến hành CPH, việc định giá vườn cây, rừng trồng chính xác đến 80-90%, do đây là những tài sản đặc thù. Nếu là vườn cây cao su 5 năm hay rừng trồng 7 năm thì đương nhiên, chúng ta biết được giá trị thực của nó. Song, công việc này đòi hỏi phải gắn bó chặt chẽ với các tổng công ty, xí nghiệp và các nông, lâm trường, mà ở đó đã có hội đồng quản trị.
Theo Quyết định 28 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, những nông trường chuyên canh cây lâu năm (như cao su, cà phê, chè, cây ăn quả... ), có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, cần tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả theo hướng: tập trung đầu tư thâm canh diện tích vườn cây đã trồng, gắn với đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở chế biến hiện có hoặc xây dựng cơ sở chế biến mới (theo hướng huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nông trường tham gia góp cổ phần). Chỉ mở rộng thêm diện tích trồng mới khi có dự án thực sự hiệu quả; diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả thì chính quyền địa phương thu hồi để sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
|