Hà Nội sẽ có thêm một cây cầu bắc qua sông Hồng
22:23' 04/08/2003 (GMT+7)
Hình ảnh cầu Nhật Tân theo phương án cầu treo dây võng.

UBND TP. Hà Nội vừa tổ chức buổi họp với các bộ, ban, ngành để lấy ý kiến thông qua báo cáo tiền khả thi dự án xây dựng cầu Nhật Tân và tuyến đường hai bên cầu. Theo dự kiến, chiếc cầu này sẽ được khởi công chậm nhất vào quý I/2004 và hoàn thành giai đoạn I vào năm 2006, với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng.

Theo ông Đỗ Hoàng Ân, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng cầu Nhật Tân để có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Xây cầu ở đâu?

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty tư vấn thiết kế cầu lớn, hầm (thuộc Tổng Công ty Tư vấn - Thiết kế giao thông vận tải), thì phạm vi nghiên cứu của dự án cầu Nhật Tân tại xã Phú Thượng, quận Tây Hồ, và xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Theo quy hoạch, tuyến vị trí phía bờ nam của cầu Nhật Tân nằm song song và cách đường Lạc Long Quân khoảng 420m, hướng tuyến xiên với đường đê Phú Thượng góc 45 độ. Hiện tại, vị trí tuyến này đã được hoạch định trên bản đồ 1/5000. Đây là vị trí phù hợp với điều kiện địa hình cũng như cân đối trong việc phân bổ luồng phương tiện giao thông trên khu vực đô thị phía nam Hà Nội. Điểm đầu nối tuyến bờ bắc liên quan đến các phương án lựa chọn vị trí cầu.

Căn cứ vào quy hoạch chi tiết huyện Đông Anh và quận Tây Hồ đã được phê duyệt, đơn vị tư vấn thiết kế đã nghiên cứu và đưa ra 4 phương án về vị trí cầu. Tuy nhiên, theo ý kiến đóng góp của các chuyên gia, lãnh đạo thành phố đã nhất trí chọn vị trí cầu Nhật Tân theo phương án 1. Tại phương án này, theo quy hoạch được duyệt, tuyến bờ bắc của cầu Nhật Tân chạy song song thôn Ngọc Chi, cách đường dọc thôn từ 80-150m. Sau khi cắt qua quốc lộ 5 kéo dài, tuyến chuyển hướng đông bắc giao với quốc lộ 3. Theo ý kiến của chuyên gia tư vấn, cầu Nhật Tân nên chọn ở vị trí này bởi nó trùng với tuyến quy hoạch đã được duyệt nên khi triển khai không làm xáo trộn, phá vỡ các quy hoạch đô thị đã được hoạch định. Mặt khác, nó phù hợp với sự phát triển trong tương lai và sẽ tạo được điểm nhấn của cả khu quy hoạch đô thị.

Cũng theo phương án này, khoảng cách hai đê theo hướng tim cầu là 3.200m; chiều dài cầu dự kiến 3.874m và chiều dài tuyến hai đầu cầu là 4.620m (theo quy hoạch điểm cuối tuyến nối với quốc lộ 3).

Quy mô và phương án kết cấu

Mặt cắt ngang cầu Nhật Tân sẽ bao gồm 6 luồng xe, trong đó có 4 luồng xe cơ giới, 2 luồng xe hỗn hợp và hai vỉa hè cho người đi bộ. Như vậy, mỗi hướng sẽ gồm 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe hỗn hợp và lề cho người đi bộ. Tổng bề rộng cầu trong giai đoạn này là 24m.

Dự kiến sau năm 2010 (giai đoạn 2 của dự án cầu Nhật Tân) sẽ xây dựng thêm một cầu mới, tổ chức giao thông theo hai hướng đi và về trên hai cầu riêng biệt. Tổng số luồng xe trên mặt cắt ngang gồm 6 làn xe cơ giới, 4 làn xe hỗn hợp, 2 làn dành riêng cho xe bus và 2 vỉa hè hai bên. Tổng bề rộng cầu dự kiến 48m. Nhịp chính sử dụng có thể lựa chọn nhịp treo dây võng hoặc nhịp dây văng.

Theo quy hoạch được duyệt, toàn bộ tuyến đường vành đai II đoạn từ nút Bưởi tới cầu Nhật Tân và nhập vào tuyến đường 5 kéo dài là đường phố chính cấp 1. Mặt cắt ngang đường vành đai 2 qua cầu Nhật Tân hoàn chỉnh có mặt cắt 64m. Tuy nhiên theo ý kiến cơ quan tư vấn, trong quy mô mặt cắt ngang đường hiện chưa đề cập đến làn dành cho xe buýt. Đây là loại hình phương tiện giao thông rất quan trọng trong tương lai góp phần làm giảm loại hình xe thô sơ là nguyên nhân gây ách tắc giao thông. Vì vậy, đơn vị tư vấn kiến nghị phần làn xe hỗn hợp 7,5m sẽ được mở rộng nhằm đảm bảo mỗi phía có một làn xe buýt 4,25m và làn xe hỗn hợp 5m.

Theo đánh giá của các chuyên gia về kinh tế, khi đi vào hoạt động, cầu Nhật Tân sẽ tạo điều kiện thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng khu đô thị bắc sông Hồng, góp phần vào việc mở rộng thành phố về phía bắc sông Hồng. Cây cầu này còn có ý nghĩa đặc biệt trong điều kiện cầu Chương Dương đang bị quá tải, đồng thời giải quyết vấn đề lưu thông khi phát triển quận Thăng Long mới. Đây cũng là dự án giao thông trọng điểm vượt sông Hồng nối liền hai khu đô thị của Hà Nội và là một hạng mục công trình nằm trong hệ thống vành đai 2 khép kín bao quanh thành phố. Khi tuyến vành đai 3 phía đông từ Bắc Ninh tới Đồng Xuân chưa khép kín, cầu Nhật Tân sẽ góp phần giải toả lưu lượng  giao thông liên tỉnh, tạo nên hướng giao thông ngoại vi phía bắc đối trọng với hướng đi phía nam qua cầu Thanh Trì.

(Theo Lao Động)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Lúa ĐBSCL được mùa, trúng giá (04/08/2003)
Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt tiêu (04/08/2003)
Lao động Việt Nam thua thiệt do thuế thu nhập cá nhân (04/08/2003)
Hà Nội tiếp tục tổ chức đấu giá nhiều khu đất (04/08/2003)
Tìm cơ sở khoa học cho cánh đồng 50 triệu (04/08/2003)
Mới thu hồi được 1.095 tỷ đồng trong vụ Epco - Minh Phụng (03/08/2003)
Giao quyền quản lý luồng hàng hải cho Bộ GT-VT (04/08/2003)
Thêm bốn dự án vào Dung Quất (02/08/2003)
Tai sao Metro Hà Nội đông khách? (02/08/2003)
VASEP đang cân nhắc việc kiện Bộ Thương mại Mỹ? (02/08/2003)
2 DN Sao Đỏ từ Hà Nội đầu tư vào khu du lịch Đà Nẵng (02/08/2003)
Xuất khẩu cao su đang gặp thuận lợi (02/08/2003)
Có thể thanh toán tại Metro bằng thẻ Đông Á (02/08/2003)
Vua bếp Yan sẵn lòng quảng bá cho cá basa Việt Nam (02/08/2003)
Bộ Xây dựng làm ''méo'' môi trường kinh doanh? (02/08/2003)
Tro ve dau trang