Tìm cơ sở khoa học cho cánh đồng 50 triệu
08:37' 04/08/2003 (GMT+7)
 
 

(VietNamNet) - Từ dè dặt, ủng hộ, rồi lo lắng, e ngại và phản đối... , chính chủ nhân của phong trào cánh đồng 50 triệu/ha và hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm (Bộ NN-PTNT) cũng như các nhà khoa học, cũng còn băn khoăn về quy mô, khả năng thực hiện, tiêu chí... của phong trào. Thực tiễn đã minh chứng rõ ràng rằng, có cánh đồng, có xã, huyện, có hộ dân đạt được thu nhập cao, song, để phong trào thực sự hiệu quả, có tầm vóc, mang ý nghĩa kinh tế - xã hội rộng lớn, ngành nông nghiệp vẫn đang thiếu một cơ sở khoa học vững chắc.

 

Chính vì vậy, một cuộc hội thảo nhằm tìm cơ sở khoa học cho cánh đồng 50 triệu/ha và hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm đã được Bộ NN-PTNT tổ chức tại Vĩnh Phúc hôm 2/8. Sự có mặt đông đảo của các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học, đại diện các tỉnh ĐBSH... cho thấy, đây là vấn đề đang còn nhiều tranh cãi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của bà con nông dân.

Ủng hộ

Tại hội thảo, hầu hết lãnh đạo ngành, các nhà khoa học đều ủng hộ phong trào cánh đồng 50 triệu/ha và hộ thu nhập 50 triệu/năm. Điều này là dễ hiểu, vì trên thực tế, qua "tận mục sở thị", ai cũng thấy rằng, nông dân Việt Nam, ở đây là nông dân ĐBSH, đã làm được điều đó. Những hộ dân, những xã, huyện hay những cánh đồng... có thu nhập 50 triệu đồng không còn là chuyện quá lạ hay quá xa vời. Họ thực sự là những nông dân của thời đại mới.

Theo lãnh đạo Vụ KHCN, quan điểm quan trọng và xuyên suốt quá trình chỉ đạo của phong trào là lấy giá trị làm thước đo hiệu quả trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực. Đây là một mục tiêu dài hạn và được chia ra thành nhiều giai đoạn, song, việc xây dựng cánh đồng 50 triệu/ha phải nằm trong quy hoạch và được chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt. Phát động phong trào hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm phải thu hút được sự tham gia của tuyệt đại đa số nông dân, kể cả nông dân nghèo. Cuối cùng, việc đầu tư cho nông nghiệp cần được nhìn nhận trên quan điểm thực tiễn, đó là: không phải bất cứ đầu tư nào cũng phải tính đến hiệu quả kinh tế.

Điều này được minh chứng rõ ràng, với diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người dưới 500m2 và không còn khả năng mở rộng, các ngành công nghiệp chế biến cho nông sản chưa phát triển, song, bằng đôi bàn tay chịu khó, óc sáng tạo và trình độ tiếp thu KHKT mới, người dân hoàn toàn có khả năng tạo thu nhập cao trên một đơn vị diện tích. Ngay cả hạn chế của vùng (đất đai manh mún, phân tán), theo Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, cũng là động lực để các hộ dân, các xã phấn đấu: làm thế nào để tăng giá trị trên đất?

Do vậy mà TS. Nguyễn Văn Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ NN-PTNT), khẳng định, nếu căn cứ vào thực tiễn sản xuất, điều kiện tự nhiên, năng lực công nghệ, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, mục tiêu giá trị 50 triệu đồng/ha/năm tại ĐBSH là có thể thực hiện được, nhất là khi GDP nông nghiệp/ha ở vùng đã đạt bình quân trên 30 triệu đồng/ha. Dĩ nhiên, trong GDP không chỉ bao gồm trồng trọt, chăn nuôi mà còn cả các dịch vụ khác liên quan đến nông nghiệp. GS.TS Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, cũng cho biết, với mô hình 2 lúa - 1 màu mà Viện đã áp dụng trong thực tế và thu được kết quả rất khả quan, ông càng tin tưởng vào sự thành công của phong trào.

Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, ông Chu Văn Rỵ, cho rằng, để đạt cánh đồng 50 triệu đồng và hộ thu nhập 50 triệu/năm là hoàn toàn có thể làm được. Còn Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Tạ Minh Sơn nhấn mạnh, mục tiêu cánh đồng 50 triệu/ha cũng chính là chủ trương chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, và phát triển kinh tế cũng phải đạt được chủ trương ấy. Tuy nhiên, GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp, dè dặt, "đạt thì đạt được, nhưng còn phụ thuộc vào từng vùng".

Tranh cãi

Có lẽ, vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong cơ sở khoa học cho cánh đồng 50 triệu, hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm chính là quy mô, chỉ tiêu, cách tính sao cho phù hợp... Theo tiêu chí mà Vụ KHCN (Bộ NN-PTNT) đưa ra, thì đối với "cánh đồng 50 triệu/ha", phải bảo đảm diện tích 5ha cho giai đoạn tới 2005 và 10ha cho giai đoạn 2010. Trên cánh đồng này, nhất thiết phải sử dụng cùng loại giống cây trồng và gieo cùng trà để khâu chăm sóc, thu hoạch được thuận tiện, chế biến đồng bộ. Cánh đồng 50 triệu/ha cũng phải đáp ứng yêu cầu hiệu quả cao của đầu tư, tức là hiệu suất đầu tư phải đạt trên 30%, hay nói cách khác, lãi thuần của cánh đồng 50 triệu/ha phải đạt trên 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, tiêu chí này đã gây bất đồng ngay ở quy mô của cánh đồng. Bởi đối với vùng trung du, miền núi, việc có được diện tích chuẩn 5ha hay 10ha là vô cùng khó, thậm chí là không thể được. Nhiều nhà khoa học nhận xét, đôi khi, không cần đến diện tích rộng như vậy, trên một cánh đồng vẫn đạt thu nhập 50 triệu đồng/ha. Vì vậy, ông Chu Văn Rỵ góp ý, có lẽ, chúng ta chỉ nên lấy diện tích 5ha và 10ha cho cánh đồng mẫu, cánh đồng điển hình.

Bên cạnh đó, tính hiệu suất đầu tư còn phục thuộc vào nhiều yếu tố, như chi phí đầu vào, kỹ thuật canh tác... Dẫn chứng, thay vì lựa chọn cánh đồng đạt tổng thu 50 triệu, sau khi trừ chi phí sản xuất lãi 10 triệu, người nông dân sẽ thích cánh đồng chỉ mang lại 40 triệu, song, cho lãi tới 20 triệu đồng. Như vậy, khi đề ra một mục tiêu nhất định cho cánh đồng, điều quan trọng là phải tính được giá trị kinh tế của diện tích đất đó, sau khi đã trừ đi chi phí.

Đối với "hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm", Vụ KHCN cho rằng, những hộ này gồm cả lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và chế biến. Số nhân khẩu trung bình trong một hộ là 4 người. Và thu nhập 50 triệu đồng/năm phải là tổng thu nhập của tất cả các hoạt động liên quan đến nông - lâm nghiệp, thuỷ sản và chế biến nông sản, sau khi đã trừ đi chi phí đầu vào (v+m).

PGS.TS. Đỗ Kim Chung phản biện, đặt mục tiêu hộ có thu nhập 50 triệu đồng là thiếu căn cứ vì: 1/ mức thu nhập/hộ của nông thôn hiện còn rất thấp, việc tăng thu nhập/hộ gấp 3 lần hiện nay là khó khăn; 2/ trong nông thôn có nhiều hộ khác nhau về nhân khẩu và lao động, ngành nghề, do đó, khó xác định được hộ để làm đối tượng thi đua; 3/ việc tính các nguồn thu và thu nhập của hộ một cách chính xác là rất khó.

Tuy chưa phát động phong trào cánh đồng 50 triệu, song, trên thực tế, người nông dân đã làm được.

Ông Chu Văn Rỵ cũng đưa ra lý lẽ tương đồng tình ý kiến trên. "Nói hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm thì dễ nghe, nhưng nhân khẩu trong hộ lại là một biến số, rồi hộ thì có 10 khẩu, hộ khác 3 thế hệ ít nhất cũng 5-6 khẩu, vậy thì thu nhập trên đầu người sao cao được? Do đó, mục tiêu đặt ra phải là hộ thu nhập 10 triệu đồng/nhân khẩu. Chúng ta đang phấn đấu từ nay đến 2010 bình quân thu nhập trên đầu người là 700-750 USD/năm. 10 triệu đồng cũng xấp xỉ 700 USD, nếu đạt được như vậy thì tốt quá. Ta cứ lấy mức bình quân là 50 triệu/hộ, nhưng đối với hộ có 7 nhân khẩu thì phải đạt 70 triệu, 10 nhân khẩu đạt 100 triệu", ông Rỵ đề xuất. Nguyên Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Đào Thế Tuấn cũng đồng tình với mục tiêu hộ có thu nhập 10 triệu/nhân khẩu.

Như vậy, ngay trong khái niệm cơ bản ban đầu, các nhà khoa học cũng chưa thống nhất được với nhau: lấy tiêu chí nào, cánh đồng 50 triệu/ha hay thu nhập 50 triệu đồng/ha, tính tổng thu hay chỉ tính lãi ròng, hộ thu nhập 50 triệu đồng hay hộ có thu nhập 10 triệu đồng/nhân khẩu, thời gian phát động phong trào đến bao giờ để đạt tiêu chí nêu ra, vai trò của KHCN như thế nào, định hướng thị trường ra sao?. Cũng vì chưa có đủ cơ sở khoa học mà TS. Nguyễn Trí Ngọc, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nam, cho biết, tỉnh này vẫn đang lúng túng trong việc nhân rộng mô hình làm ăn giỏi lên. Hà Nam hy vọng, trên cơ sở hội thảo này và có sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, Bộ NN-PTNT sẽ có một tiêu chí thống nhất cho phong trào.

Giải pháp

Trước các ý kiến khác nhau về tiêu chí cánh đồng 50 triệu/ha và hộ thu nhập 50 triệu /năm, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cho rằng, cánh đồng 50 triệu/ha trước hết thể hiện hiệu suất trong sử dụng đất đai, có giá trị cao và bền vững. Sản xuất nông nghiệp hàng hoá đòi hỏi có sự kiên kết trong sản xuất; và để thúc đẩy sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp, chúng ta cần những cánh đồng 50 triệu. Do đó, nó đòi hỏi sự tự nguyện hợp tác trong sản xuất, trên đồng ruộng. Qua đây, cũng phản ánh trình độ canh tác của nền nông nghiệp mỗi nước. Đối với vùng trung du, miền núi, nếu không có cánh đồng 50 triệu/ha thì có hộ gia đình, nhân khẩu có thu nhập cao. Hiện nay, hộ vẫn đơn vị cơ bản trong làng xã Việt Nam. Hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm hay hộ có thu nhập 10 triệu đồng/nhân khẩu đều gắn với mục tiêu chung, đó là phản ánh trình độ phân công lao động trong nông nghiệp, vì không thể chỉ làm nông nghiệp mà có thu nhập cao. Hiện nay, cũng như các nước khác trên thế giới, chúng ta cũng chưa tính được năng suất lao động của nông dân cũng như rất khó tính thu nhập của họ. Do vậy, theo Bộ trưởng Ngọ, thu nhập của nông dân = công lao động + lãi ròng.

Tuy nhiên, đến nay, phong trào chưa có chỉ tiêu thống nhất. Song, Bộ trưởng nhắc nhở, ngay từ bây giờ, các nhà khoa học, các viện, trường... phải đưa ra hệ thống canh tác cho bà con, đặc biệt, có khu trình diễn để nông dân tham khảo. "Điều tốt nhất là các cá nhân, các xã, huyện cũng như điển hình tiên tiến cần tổng kết thực tiễn, từ đó, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình làm ăn giỏi lên", ông nói. Những mô hình nông dân làm ăn giỏi chính là phôi thai, là những đốm lửa để nhân rộng phong trào.

Bên cạnh đó, cần có một giải pháp đồng bộ, từ quy hoạch, cơ chế chính sách, KHCN đến thị trường. Theo ông Tạ Minh Sơn, để mở rộng phong trào thì cần có KHKT, trong đó, giống là ưu tiên hàng đầu. Thu nhập 50 triệu là phải đạt về hiệu quả kinh tế, trong đó, phải tính đến đầu ra của sản phẩm. Sản xuất quy mô nhỏ thì chưa lo nhiều đến đầu ra, nhưng với sản xuất lớn, chúng ta vẫn đang bế tắc trong vấn đề này. Ông Đào Thế Tuấn lưu ý, do sản xuất tự phát, nhiều khi nông dân không biết chính mình là thủ phạm dẫn đến giảm giá nông sản. Để khắc phục tình trạng đó, không còn cách nào khác là chúng ta phải nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện tốt liên kết 4 nhà.

Thông thường, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận làm ra trong 1 năm/1 lao động/1 đồng vốn đầu tư được coi là chỉ tiêu cơ bản nhất phản ánh hiệu quả kinh tế của nền kinh tế nông nghiệp. Với nước ta, diện tích bình quân đầu người thấp, thì chỉ tiêu năng suất/ha được tính bằng doanh số, lợi nhuận có ý nghĩa kinh tế lớn hơn cả. Nó không chỉ phản ánh năng suất đất đai mà còn thể hiện sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Chủ trương của Bộ về phát động phong trào cánh đồng 50 triệu/ha và hộ thu nhập 50 đồng/năm có thể nói là đã đáp ứng yêu cầu trên. Thực tiễn đã có, chỉ cần chúng ta xây dựng được cơ sở khoa học, thì hy vọng phong trào sẽ mở ra cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp.

TS. Nguyễn Năng Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp: Thực tế hiện nay cho thấy, diện tích đất chuyển đối mô hình sản xuất đạt 50 triệu đồng/ha là khoảng 140.000ha, chiếm 13,3% trong tổng số gần 860.000ha đất nông nghiệp của vùng ĐBSH. Với các điều kiện đầu tư cho sản xuất tốt, đúng thời vụ, đúng quy trình, dự báo, khả năng tối đa diện tích có thể đạt 50 triệu đồng/ha là 220.000-320.000ha, chiếm 25-38%.

Ông Chu Văn Rỵ, Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc: Tôi không nghĩ là sẽ dư thừa lương thực. Chúng ta có 4 triệu ha trồng lúa, bây giờ trồng lúa năng suất cao, chúng ta sẽ thu hẹp được diện tích lại và chuyển sang sử dụng cho mục đích khác: nuôi cá, nuôi bò sữa, trồng hoa... Tôi có thể bán một con bò 25 triệu, mà lấy công làm lãi chứ không phải tách bạch C, v, m gì cả. Trong quy luật phát triển kinh tế, công nghiệp phải tạo ra giá trị tuyệt đối và tương đối, nhưng nông nghiệp không phải đứng lại để cho công nghiệp đi lên, và nông nghiệp vẫn phải tăng nhanh về tuyệt đối, giảm về tương đối. Ví như, nhưng khi chúng tôi chuyển hàng nghìn ha đất thành phi nông nghiệp, sản lượng thóc vẫn đảm bảo 400.000 tấn, sản lượng ngô tăng lên, diện tích trồng hoa tăng.

  • Hà Yên
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Mới thu hồi được 1.095 tỷ đồng trong vụ Epco - Minh Phụng (03/08/2003)
Giao quyền quản lý luồng hàng hải cho Bộ GT-VT (04/08/2003)
Thêm bốn dự án vào Dung Quất (02/08/2003)
Tai sao Metro Hà Nội đông khách? (02/08/2003)
VASEP đang cân nhắc việc kiện Bộ Thương mại Mỹ? (02/08/2003)
2 DN Sao Đỏ từ Hà Nội đầu tư vào khu du lịch Đà Nẵng (02/08/2003)
Xuất khẩu cao su đang gặp thuận lợi (02/08/2003)
Có thể thanh toán tại Metro bằng thẻ Đông Á (02/08/2003)
Vua bếp Yan sẵn lòng quảng bá cho cá basa Việt Nam (02/08/2003)
Bộ Xây dựng làm ''méo'' môi trường kinh doanh? (02/08/2003)
SBV giảm một loạt lãi suất (01/08/2003)
Dự báo xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm (02/08/2003)
Hơn 250 nghìn lượt khách đến hội chợ xuất khẩu - tiêu dùng - du lịch (01/08/2003)
Giá gas giảm 2.000 đồng/bình (01/08/2003)
Các ngân hàng Đức chưa qua thời kỳ u ám (01/08/2003)
Tro ve dau trang