|
Một góc Metro. |
(VietNamNet) - Sáng và trưa nay (2/8), trung tâm Metro Cash&Carry Hà Nội lại đông nghẹt người. Hôm nay và ngày mai, chắc chắn Metro sẽ vẫn quá tải như ngày đầu khai trương, do khách hàng tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đi mua sắm.
Tại sao Metro lại đông khách đến vậy?
Cash&Carry là một hình thức kinh doanh mới được du nhập vào Việt Nam từ năm 2002, và lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội thông qua trung tâm Metro Cash&Carry vừa khai trương. Về thực chất, đây là một hình thức phân phối cấp hai, lấy hàng từ gốc (nông dân, ngư dân và nhà sản xuất... - cấp một) để bán cho các cơ sở phân phối cấp ba (những đối tượng bán lẻ hay chế biến lại để bán tiếp). Tên gọi Cash&Carry cũng nói lên bản chất của hình thức kinh doanh: khách hàng đến trả tiền (cash) và tự mang đi (carry).
Trên thực tế, công ty Metro Cash&Carry Vietnam đã thành công trong chiến lược tiếp thị thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Họ cũng rất chịu khó đến từng cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, khách sạn, siêu thị để tự quảng bá, tiếp thị và gửi thẻ hội viên.
Quy mô của trung tâm khá lớn. Tổng diện tích là 46.000 m2, diện tích xây dựng vào khoảng 11.000 m2 nằm trên một vị trí đẹp và thuận tiện là đường cao tốc Thăng Long. Lượng hàng hóa có thể cung cấp rất lớn (từ 10.000-14.000 mặt hàng).
Hàng hóa ở đây rất rẻ, nhất là trong thời điểm hiện nay, Metro đang thực hiện chiến dịch khuyến mãi đến ngày 13/8. Một tivi Sony 21'' màn hình phẳng, bảo hành hai năm, giao hàng miễn phí trong phạm vi nội thành, có giá đã tính thuế VAT là 3.389.000 đồng/chiếc, kèm theo khuyến mãi một bộ đồ Inox trị giá 250.000 đồng. Một kg sò huyết tươi ngon ngoài thị trường khoảng 30.000 đồng, nhưng trong Metro chỉ có 24.500. Một quần âu nam, đẹp, chất lượng khá tốt cũng chỉ trên 70.000 đồng... Khách hàng lại không phải mặc cả, không sợ bị mua hớ.
Trả lời câu hỏi của VietNamNet tại buổi họp báo nhân lễ khai trương ngày 30/7, ông James Scott, Giám đốc công ty Metro Cash&Carry Vietnam nói: "Hàng hóa bán tại các Trung tâm Metro Cash&Carry Vietnam rẻ hơn tại các siêu thị khoảng 15%. Giá của chúng tôi không cao hơn, thậm chí đang cố gắng rẻ hơn những chợ đầu mối như Long Biên, Cầu Muối". Ông Bùi Anh Tuấn, Trưởng phòng tiếp thị của công ty hôm 31/7 lại cho biết, giá tại Metro Hà Nội nhìn chung rẻ hơn tại thị trường khoảng 30%.
Chính những điểm trên đã kéo được sự hiếu kỳ và tâm lý ham rẻ của người dân. "Đến vì tò mò và nghe quảng cáo rầm rộ là giá rẻ". Đây là câu trả lời chung của khách hàng đến Metro Hà Nội trong hai ngày qua.
Bên cạnh đó, thái độ phục vụ của đội ngũ nhân viên nơi đây cũng dễ chịu và tận tình, từ nơi gửi xe, soát thẻ đến phục vụ hàng và tính tiền.
Những điểm chưa được
Điều khách hàng phàn nàn nhất là đi Metro mất quá nhiều thời gian chờ đợi và xếp hàng. Không may đến phải lúc quá đông thì bị tắc ngay từ khi đứng ở ngoài đường cao tốc, rồi tắc ở cổng ra vào, tắc ở nơi gửi đồ, nơi soát thẻ và cuối cùng, điểm mất nhiều thời gian nhất là quầy thu tiền. Trao đổi với VietNamNet, anh Hùng, trú tại quận Thanh Xuân cho biết, hôm qua vợ chồng anh mất hơn một tiếng đồng hồ xếp hàng trước quầy tính tiền, nhưng vẫn tiết kiệm được hơn nửa tiếng so với hôm đầu khai trương. Hôm đó, nhiều người đã chọn được hàng, nhưng đành "bỏ của chạy lấy người" vì không thể đứng 2, 3 tiếng chỉ để chờ tính tiền.
Điều đó chứng tỏ cách bố trí trong Metro chưa hợp lý. Trung tâm nên mở rộng nơi gửi đồ và tăng số lượng các quầy thu tiền.
Điểm thứ hai chưa được là tình trạng trộm cắp trong Metro. Trong hai ngày qua, đã có rất nhiều khách hàng bị mất đồ, bị móc túi hay giật điện thoại di động. Trộm cắp, móc túi diễn ra phổ biến nhất ở những nơi tụ tập đông người chen lấn, xô đẩy như trước cửa ra vào trung tâm, chỗ gửi đồ và các quầy tính tiền.
Hôm qua, phóng viên tập sự của tờ báo nọ đã bị móc túi, mất luôn phiếu gửi đồ. Trong lúc cô đang hăng hái tác nghiệp thì kẻ gian lại ung dung lấy túi xách của cô tại nơi gửi đồ, trong túi có một máy ảnh số của cơ quan trị giá hơn 5 triệu đồng. Nhân viên nơi gửi đồ và các nhân viên an ninh đứng cạnh đó chẳng biết làm gì hơn ngoài việc an ủi và khuyên nhủ. Sau đó, được biết gia đình cô đã đến khiếu nại với trung tâm, nhưng cũng không thể tìm lại đồ đã bị lấy cắp.
Bản thân phóng viên VietNamNet cũng bị móc mất thẻ hội viên và vé gửi xe tại nơi gửi đồ. May thay, thẻ hội viên đã được nhân viên Metro tận tình cấp lại sau 20 phút đứng chờ, và có lẽ xe quá rách trong một bãi xe quá rộng nên không bị lấy mất.
Anh Nguyễn Viết Phong, công tác tại Hà Tây thì mua được chiếc tủ lạnh ưng ý, rẻ hơn giá thị trường khoảng 400.000, nhưng vẫn than lỗ khi mất ví tiền để 700.000 đồng và toàn bộ giấy tờ xe máy.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet về các biện pháp bảo vệ khách hàng, tăng cường an ninh của trung tâm, anh Nguyễn Thái Thư, nhân viên giám sát bộ phận tư vấn khách hàng cho biết, trung tâm có ba tầng bảo vệ, do nhân viên công ty Long Hải và SLD đảm nhiệm. Được biết, hiện các nhân viên này chưa bắt được kẻ cắp nào. Anh Thái Thư cho rằng: "Tôi nghĩ trước hết khách hàng cần chú ý tự bảo vệ mình. Trung tâm sẽ có biện pháp xử lý trong từng trường hợp cụ thể", nhưng không nói rõ đó là những biện pháp gì.
Metro cũng cần tăng cường thông báo và đặc biệt yêu cầu khách hàng đọc và hiểu rõ những thông tin về các quy định của trung tâm, nhất là các quy định để trở thành hội viên và ra vào cửa, để tránh mất nhiều thời gian của khách hàng và của chính nhân viên Metro.
Đến hôm nay, vẫn có rất nhiều người từ xa đến Metro, để rồi bực dọc thất vọng ra về vì họ không biết phải có thẻ hội viên. Có người có thẻ hội viên nhưng cũng về tay không vì không mang theo chứng minh thư, hay dắt theo trẻ em dưới 1,3 m.
Một số khách hàng sau khi mất 5-10 phút để gửi túi xách, đến cửa soát thẻ tại được yêu cầu quay lại gửi mũ. Gửi mũ xong, đến cửa soát thẻ được yêu cầu xuất trình chứng minh thư, và lại phải quay lại nơi gửi đồ.
Một điều nhỏ nữa là cần thay đổi loại vé trông xe. Tấm vé hiện tại rất nhỏ và mỏng mảnh, dễ thất lạc. Anh Thanh Toàn, nhân viên xử lý các trường hợp mất vé xe của Long Hải cho VietNamNet biết là trong suốt hai ngày qua, anh phải ghi biên bản không ngơi tay vì có quá nhiều trường hợp mất vé. Như vậy, khách hàng sẽ có khả năng bị mất xe nếu tấm vé đó rơi vào tay kẻ xấu.
Những quy định của Metro và lời khuyên bổ ích
Phải làm gì để có được thẻ hội viên của Metro Cash&Carry?
Metro chỉ cấp thẻ hội viên cho thành viên của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có chỗ kinh doanh cố định.
Người đại diện doanh nghiệp cần liên lạc với trung tâm Metro để lấy và điền vào phiếu đăng ký hội viên. Tùy vào quy mô của doanh nghiệp, Metro Hà Nội sẽ phát số lượng thẻ tương ứng. Ví dụ: một doanh nghiệp có 1-10 nhân công được cấp một thẻ; doanh nghiệp có khoảng 50 nhân công được phát 5 thẻ...
Khi mất thẻ, bạn có thể làm lại thẻ khác.
Làm thế nào để có thể vào mua sắm tại Metro?
Bạn phải có thẻ hội viên của Metro Cash&Carry
Bạn phải xuất trình thẻ tại cổng ra vào, cửa vào trung tâm và quầy tính tiền
Bạn phải mang theo chứng minh thư hoặc giấy tờ có ảnh
Nếu là chủ thẻ, bạn có thể dẫn theo hai người khác, không kèm trẻ em dưới 1,3 m
Cần làm gì để bảo vệ lợi ích của bạn?
Tại nơi gửi xe:
Các loại hình vận chuyển được gửi miễn phí trong trung tâm, do nhân viên Long Hải bảo vệ. Khách hàng khi phát hiện mất vé xe cần ngay lập tức đến gặp các nhân viên Long Hải để thông báo và làm biên bản (không phải chịu tiền phạt).
Bạn có thể thuê xe tải Thanh Hải hay taxi Thủ đô đậu sẵn trong trung tâm. Bên ngoài đường cao tốc, cũng có khá nhiều xe ôm đang chờ sẵn.
Tại nơi gửi đồ:
Phải gửi túi xách, sổ sách và các loại mũ nón. Khách hàng cần cầm theo thẻ hội viên và chứng minh thư để vào cửa. Nơi gửi đồ ở bên tay phải, nơi trả đồ ở bên tay trái.
Nhân viên trung tâm sẽ đưa túi để khách đựng đồ. Nên để các vật dụng cùng trong một túi, hoặc buộc các túi vào nhau để tránh thất lạc.
Phải lấy phiếu gửi đồ và nên nhớ số phiếu (là số của hộc đựng đồ). Cần nhớ số phiếu bởi nơi giữ đồ bao giờ cũng chật người, nhân viên nơi đây rất bận rộn, nhiều khi họ phải tìm đồ cho 2, 3 người cùng một lúc nên dễ để lạc phiếu của bạn. Nếu bạn nhớ số phiếu, họ có thể đến hộc tủ đó tìm lại. Ngoài ra, khi bạn mất phiếu, bạn cần nhớ số phiếu để liên lạc ngay với nhân viên giữ đồ. Họ sẽ ghi lại số phiếu và giữ lại đồ cho bạn. Đã có nhiều trường hợp kẻ gian móc phiếu của khách hàng rồi ngang nhiên ra lấy đồ.
Cần giữ phiếu giữ đồ cẩn thận vì đây chỉ là một tấm phiếu rất mỏng, dễ nhàu nát và thất lạc.
Bạn cần nhớ mặt nhân viên cầm phiếu để thúc giục và yêu cầu người đó trả đồ cho bạn.
Tại nơi mua hàng:
Tại mọi nơi trong trung tâm, cần chú ý tự bảo vệ tài sản của mình, đặc biệt tại nơi giữ đồ và những chỗ đông người khác. Đã có rất nhiều trường hợp kẻ gian lợi dụng lúc chen lấn, xô đẩy để móc túi hoặc giật đồ của khách hàng. Không nên đeo điện thoại di động ở đỉa quần hay cất ở túi sau. Lúc nào cũng cần cầm chắc ví tiền trong tay, không để ví tiền trong xe đẩy hay trên các kệ hàng, không để tiền ở túi quần sau. Tiện lợi và an toàn nhất là cất điện thoại di động, tiền và các vật dụng đắt tiền khác trong loại túi có dây dài chắc, nhỏ bằng bàn tay (vì to hơn sẽ phải gửi ở quầy giữ đồ), có khóa kín đeo trên cổ.
Nên chọn những đồ cồng kềnh trước, và sau cùng là đồ thủy sản tươi sống, như vậy sẽ tiện hơn cho bạn khi sắp xếp xe đẩy. Có thể đẩy xe đẩy ra tận cổng Metro.
Nên xem kỹ và giữ lại hóa đơn khi tính tiền để có thể khiếu nại nếu nhầm lẫn, đặc biệt là nhầm lẫn những mặt hàng có giá trị lớn, và cũng để sau này nhận sản phẩm khuyến mãi nếu lúc bạn mua, hàng khuyến mãi đó bị hết.
|