Bán đấu giá công khai những tàu khai thác không hiệu quả
08:38' 31/07/2003 (GMT+7)
Các tàu đánh cá kém hiệu quả sẽ bị bán đấu giá.
(VietNamNet)
- Thông tư liên tịch 70/2003 giữa Bộ Thuỷ sản và Bộ Tài chính, ký ngày 28/7, nêu rõ, đối với những chủ đầu tư khai thác xa bờ không hiệu quả và nợ lớn, sau khi phân loại nợ vay sẽ bán đấu giá con tàu để thu hồi nợ và chuyển đổi chủ đầu tư. Trung tâm bán đấu giá sẽ định giá con tàu và bán đấu giá công khai không hạn chế, không phân biệt đối tượng mua.

Để xử lý nợ vay vốn đầu tư phát triển để đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ theo Quyết định 89 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, Bộ Thuỷ sản phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Quỹ Hỗ trợ Phát triển và các ngân hàng thương mại nhà nước thành lập Hội đồng phân loại chủ đầu tư, định giá bán đấu giá tài sản. Khi tiến hành định giá, bán đấu giá con tàu, Hội đồng có thể uỷ quyền cho Trung tâm bán đấu giá tổ chức thực hiện hoặc trực tiếp thực hiện.

Quyết định 89 đã điều chỉnh mức lãi suất cho vay là 5,4%/năm cho tất cả các dự án có số dư nợ đã quá hạn đến ngày 31/12/2002. Đối với số dư nợ đã quá thời hạn trên áp dụng mức lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất dư nợ trong hạn. Các mức lãi suất này được tính từ 1/1/2003. Thời hạn cho vay, kỳ hạn trả nợ không được vượt quá 12 năm kể từ ngày rút vốn vay đầu tiên.

Theo thông tư này, chủ đầu tư được phân thành 4 loại: 1/ Các chủ đầu tư làm ăn có hiệu quả, trả được nợ. 2/ Chủ đầu tư có khả năng trả nợ nhưng chây ì, không trả sẽ không được gia hạn nợ, giãn nợ và phải hoàn trả trong vòng 6 tháng. Sau thời hạn này, nếu số tiền nợ vẫn còn, tàu sẽ bị thu hồi và đưa ra bán đấu giá. 3/ Chủ đầu tư sử dụng sai mục đích sẽ bị kiểm tra, kê biên tài sản hình thành từ nguồn vốn vay và phải trả nợ trong vòng 3 tháng. 4/ Các chủ đầu tư kinh doanh thua lỗ, đời sống khó khăn, để tàu nằm bờ không sản xuất được hoặc sản xuất cầm chừng thì được xem xét, có thể giãn nợ, chuyển đổi chủ đầu tư.

Khi bán đấu giá, nếu người mua trả tiền ngay một lần đủ giá trị con tàu sẽ được nhận tàu ngay, không phải thực hiện các điều kiện do bên cho vay quy định. Nhưng nếu không có khả năng trả ngay một lần, người mua  trả ít nhất 50% giá trị con tàu và nhận nợ số tiền còn lại, với điều kiện: đủ năng lực, trình độ quản lý, khai thác tàu; đủ các điều kiện để được vay.

Sau khi bán đấu giá con tàu và phát mại các tài sản khác của chủ đầu tư cũ, số tiền thu được chưa đủ để thanh toán nợ, chủ đầu tư cũ lập hồ sở đề nghị xin xử lý khoản nợ này. Toàn bộ hồ sơ này phải gửi cho bên cho vay tập hợp, chuyển lên Hội đồng để xác nhận trước khi báo cáo lên Bộ Tài chính, NHNN để trình Chính phủ. Trường hợp nợ khó đòi do nguyên nhân bất khả kháng (bão lụt, bị đắm, mất tích, bị tàu nước ngoài đâm chìm... ) cũng lập hồ sơ trình Thủ tướng giải quyết.

Để tổ chức thực hiện tốt việc xử lý nợ trong khai thác xa bờ, Bộ Thuỷ sản cần chỉ đạo các Sở thuộc các tỉnh có dự án để kiểm tra các chủ đầu tư sử dụng vốn vay đúng mục đích. Tổ chức điều tra nguồn lợi thuỷ sản, có dự báo và hướng dẫn địa phương về ngư trường ngắn và dài hạn, quy hoạch cụ thể số lượng tàu đánh cá cần thiết ở mỗi vùng biển để đảm bảo sản xuất có hiệu quả, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng.

Trong thời hạn 3 tháng để từ ngày Thông tư 70 có hiệu lực, Hội đồng phải hoàn thành việc phân loại chủ đầu tư, chỉ đạo sớm hực hiện việc xử lý nợ và báo cáo lên Bộ Tài chính, Bộ Thuỷ sản, NHNN. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN thẩm định hồ sơ đề nghị xử lý nợ để trình Chính phủ biện pháp xử lý theo quy định tại Thông tư liên tịch 70.

Theo Quỹ Hỗ trợ Đầu tư phát triển và Ngân hàng Đầu tư phát triển, đến nay, dư nợ đóng tàu khai thác hải sản xa bờ là 1.388 tỷ đồng (không kể vay ưu đãi khắc phục hậu quả cơn bão số 5). Khả năng thu nợ tại các tỉnh là rất khó khăn. Trong cả nước, tỷ lệ trả nợ chỉ đạt khoảng 13,5% so với kế hoạch, tập trung tại các tỉnh Quảng Nam (2,9%), Quảng Trị (3,4%), Phú Yên (3,1%)...
  • H.An
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Giá bán của Metro ngang giá chợ Long Biên" (31/07/2003)
Honda Motor giảm lợi nhuận 5,4% (30/07/2003)
Mỹ sẽ cơ cấu lại hãng đường sắt Amtrak (30/07/2003)
Sẽ xóa độc quyền điện theo từng bước (30/07/2003)
Cổ phần hoá Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (30/07/2003)
Tổng giám đốc Canfooco bị khởi tố (30/07/2003)
Việt Nam muốn ký kết hiệp định thương mại với Australia (30/07/2003)
Hải quan Mỹ kiểm tra DN dệt may Việt Nam  (30/07/2003)
Xuất hiện tiền EUR giả tại Việt Nam (30/07/2003)
Mỹ sẽ phát hành tờ USD nhiều màu (30/07/2003)
Trung Quốc đề nghị Mỹ không áp đặt thuế quan với hàng dệt (30/07/2003)
Bánh kẹo nội ''tự tin'' hội nhập (30/07/2003)
Liệu có xảy ra bài toán "hậu Hải Vân"? (30/07/2003)
Đàm phán thương mại toàn cầu vẫn bế tắc (30/07/2003)
Đà Nẵng đã có DN đầu tiên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con (30/07/2003)
Tro ve dau trang