|
EVN sẽ phải nâng cấp hệ thống truyền tải điện để tạo môi trường cạnh tranh cho kinh doanh điện. |
Nhiều nhà máy điện, ngoài Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), gần đây phàn nàn về sự không bình đẳng khi đàm phán giá bán điện với EVN. Chính vì vậy, EVN đang có kế hoạch đưa một số nhà máy điện giá cao ra chào giá cạnh tranh với các nhà máy bên ngoài. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.
- Việc đưa các nhà máy điện của EVN ra chào giá cạnh tranh với các nhà máy bên ngoài sẽ được thực hiện theo hướng nào, thưa ông?
- Các nhà máy điện sẽ tiến hành chào giá cạnh tranh, nhà máy nào có giá thấp sẽ được đưa vào lưới điện trước. Tuy nhiên, để có thể làm được điều này và tạo được môi trường cạnh tranh trong ngành điện, EVN buộc phải đầu tư hiện đại hóa thật nhanh hệ thống truyền tải điện, vì không thể có cách nào có thể thị trường hóa được hoạt động cung cấp điện.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm của một số nước phát triển như Australia, Mỹ... cho thấy, khi cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện mà đưa các nhà máy ra chào giá cạnh tranh thì rất dễ dẫn đến tình trạng khi giá dầu, giá than lên cao, các nhà máy điện sẽ ngừng sản xuất, cắt điện tùm lum. Xóa độc quyền phải theo từng bước.
- Nhưng các dự án mới trong nước đầu tư vào ngành điện chủ yếu là của DNNN ngoài ngành điện. Điều đó có nghĩa là mới chỉ phá thế độc quyền của EVN?
- Đã có tư nhân đầu tư phát triển nguồn điện, nhưng còn ít. Mục tiêu của Bộ Công nghiệp là cho phép tư nhân cùng DNNN phát triển nguồn điện, đa dạng hóa nguồn điện và tăng cường thu hút vốn từ dân. Vì vậy, Bộ đưa ra điều kiện là muốn xây dựng nhà máy điện thì phải có 30% vốn cổ đông, trong đó có ít nhất 10% là vốn tư nhân, không cho 100% vốn Nhà nước.
- Trong ngành điện có dự án nào thực hiện theo hướng này chưa, thưa ông?
- Hiện nay, Công ty Điện lực I có 2-3 dự án, Công ty Điện lực III có 2 dự án. Nhỏ thôi, chỉ vài chục MW, thậm chí có dự án chỉ có 2 MW. Tôi đã yêu cầu không được lấy vốn của Nhà nước, mà phải huy động vốn từ xã hội. Mới đây, Nhà máy Thủy điện Drây H’linh 2 ở miền Trung đã làm được điều đó.
- Tại sao quy hoạch phát triển ngành điện đã có lâu rồi, mà gần đây tư nhân mới tham gia?
- Thực ra, gần đây tư nhân mới tham gia không phải vì vừa mới có chính sách cho phép tư nhân tham gia vào phát triển nguồn điện. Nghị định của Chính phủ về đầu tư xây dựng nhà máy điện theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), nhà máy điện độc lập (IPP) đã có từ năm 1990, nhưng vấn đề là để phát triển nguồn điện phải có vốn đầu tư lớn, nên khi tư nhân muốn tham gia phải nhìn xem đã có ai vào trước chưa, lợi nhuận sẽ như thế nào? Tất nhiên là vào sau có mức lợi nhuận thấp hơn, nhưng vẫn còn có lãi thì tư nhân vẫn vào. Làm thủy điện nhỏ là đúng với chính sách năng lượng quốc gia, tận dụng những nguồn tài nguyên sẵn có trước khi tiến hành nhập điện hay làm điện nguyên tử.
- Thưa ông, liệu có công bằng không khi nguồn nước của các nhà máy thủy điện nhỏ chịu ảnh hưởng lớn từ việc trữ nước của các hồ thủy điện lớn của EVN?
- Đó gọi là luật chơi. DN đầu tư mà không hiệu quả bằng người ta thì phải chịu. Đó là nguyên tắc của thị trường. Khi nhà máy chào giá ra thị trường, không biết chất lượng nhà máy tốt như thế nào, nhưng nếu giá cao hơn thì vẫn chạy sau. Ai giá thấp nhất sẽ chạy trước. Có như vậy thì DN mới phải tính toán để có hiệu quả.
- Còn đối với các nhà máy điện có vốn đầu tư nước ngoài?
- Đối với những dự án có vốn đầu tư nước ngoài thì có vấn đề cân bằng ngoại tệ. Dù ta trả tiền điện bằng đồng Việt Nam, nhưng khi họ chuyển ra nước ngoài thì phải đổi ra ngoại tệ. Mà dự trữ ngoại tệ của chúng ta chưa dồi dào. Do vậy, sẽ phải cân nhắc cụ thể từng dự án.
(Theo Đầu Tư) |