|
Các DN còn đang gặp phải nhiều vướng mắc | |
|
Sức cạnh tranh của doanh nghiệp là một trong 3 bộ phận tạo nên sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn đang gặp nhiều vướng mắc, mà một số chuyên gia cho rằng nằm ngoài tầm tay của doanh nghiệp, bởi nó liên quan đến các quan hệ cân đối kinh tế vĩ mô, liên quan đến môi trường kinh doanh mà từng doanh nghiệp không tự giải quyết được.
Trước hết là giá vốn (lãi suất) hiện đang ở mức cao, tính ra hiện ở mức trên 10%/năm. Với mức lãi suất vay vốn này, chỉ có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới có thể chịu được bởi đạt được tỷ suất lợi nhuận/vốn cao hơn mức đó; còn các doanh nghiệp trong nước tỷ lệ đạt được rất thấp. Có khá nhiều doanh nghiệp bị lỗ hoặc hoà vốn và tính bình quân tỷ suất lợi nhuận/vốn chỉ bằng một nửa mức lãi suất lãi suất vay vốn trên. Phần trả lãi ngân hàng đã chiếm một khoản rất lớn trong chi phí của doanh nghiệp, chẳng những hạn chế sức cạnh tranh mà còn không có nguồn tái đầu tư.
Lỗi của doanh nghịêp là ít vốn. Tuy nhiên, lãi suất cho vay cao không hoàn toàn do các doanh nghiệp đi vay quyết định, mà là do lãi suất huy động năm nay tăng cao, tăng sớm và kéo dài trong cuộc tranh đua giữa các nhân hàng, cả quốc doanh và cổ phần.
Lãi suất dâng cao chẳng những không phù hợp với hiệu quả chung của nền kinh tế, mà còn là nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng tới 'sức khoẻ' của các ngân hàng, khi mà mới chỉ qua 6 tháng, tăng trưởng dư nợ tín dụng đã lên đến 15,03% so với cuối năm 2002, bằng 2/3 kế hoạch cả năm và vượt xa so với tốc độ tăng trưởng GDP theo giá thực tế khoảng 11,5%. Đáng lưu ý, tốc độ chu chuyển vốn còn quá chậm và giảm dần (năm 2000 là 1,95 vòng, năm 2001 còn 1,71 vòng, năm 2002 còn 1,53 vòng và khả năng năm nay còn thấp hơn nữa).
Thứ hai là giá bất động sản hiện ở mức rất cao từ vài năm trước đây ở các đô thị lớn, nay đã lan dần ra ngoại ô và các thành phố, thị xã thuộc các tỉnh lân cận. Mức giá bất động sản cao đã tác động trên 3 mặt. Một mặt, nó hút một lượng vốn không nhỏ của xã hội bị 'chôn' vào đây. Mặt khác, Nhà nước - chủ sở hữu đất đai - đã phải chi ra một lượng vốn lớn để đền bù khi giải phóng mặt bằng, không khác gì phải mua lại đất của chính mình, nên lượng vốn đầu tư thực chất vào các công trình bị giảm. Giá bất động sản cao làm cho tiền thuê hoặc mua trụ sở sản xuất kinh doanh rất lớn và với giá này lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ chẳng còn bao nhiêu.
Thứ ba là sự sút giảm của giá tiêu dùng trong mấy tháng liền, lặp lại tình hình của thời kỳ 1999-2001, Khi giá tiêu dùng giảm, người có vốn không muốn đầu tư trực tiếp mà muốn gửi và ngân hàng để hưởng lãi 'kép' (lãi cho vay thu được và lãi do đồng tiền lên giá); người thiếu vốn không muốn vay ngân hàng để đầu tư do sợ bị lỗ 'đúp' (lỗ do trả tiền vay và lỗ do giá giảm khi bán hàng). Điều này lại càng hệ trọng khi ở đầu vào thì chi phi tăng nhưng ở đầu ra giá bán lại giảm. Có chuyên gia đã gọi giảm phát là kẻ thu của doanh nghiệp cũng vì thế.
Thứ tư là cạnh tranh không bình đẳng do tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại khá ngiêm trọng và phổ biến, do tình trạng lạm dụng độc quyền nhà nước để độc quyền kinh doanh, do tình trạng mua bán hoá đơn, gian lận thuế, làm hàng giả..., chẳng những làm mất động lực cạnh tranh mà còn làm méo mó thị trường-sân chơi chung của các doanh nghiệp.
Thứ năm là nhập siêu gia tăng cả về kim ngạch, cả về tỷ lệ nhập siêu. Kim ngạch nhập siêu lên đến gần 2,4 tỉ USD, cao nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm qua. Tỷ lệ nhập siêu cũng lên đến 24,3%, cao hơn tỷ lệ của cùng kỳ trong bốn năm trước đó. Nhập siêu làm cho cung tăng khoảng 35.000 tỉ đồng, chiếm trên 12% GDP.
Đáng lưu ý, nhập siêu do khu vực kinh tế trong nước lớn hơn nhập siêu chung (còn khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu); do cả yếu tố tăng lượng nhập khẩu và tăng giá nhập khẩu; do cả yếu tố tăng lượng nhập khẩu và tăng giá nhập khẩu; do cả sự yếu kém trong việc phát triển công nghiệp bổ trợ ở trong nước, tính gia công của nhiều sản phẩm xuất khẩu những mặt hàng Nhà nước không khuyến khích.
Những vướng mắc trên cần có sự tháo gỡ của các nhà quản lý điều hành vĩ mô, của các cơ quan nhà nước. 'Sức khoẻ' của doanh nghiệp cũng là 'sức khoẻ' của nền kinh tế.
(Theo TBKTSG) |