(VietNamNet) - Những nhà nuôi tôm Mỹ cho rằng, giá tôm xuất khẩu của Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác cũng như những nước Mỹ Latin sang thị trường này ở mức thấp, gây thiệt hại cho sản xuất nội địa. Theo đó, Liên minh tôm phía Nam nước Mỹ (8 bang ven biển miền Nam và miền Đông) đang xem xét việc kiện những nhà xuất khẩu tôm nước ngoài.
|
Cuộc chiến catfish có thể mở rộng sang tôm? |
Theo Hiệp hội các nhà phân phối Thuỷ sản Mỹ, do nhu cầu lớn ở thị trường nội địa, hiện Mỹ nhập khẩu tôm của tới 20 quốc gia trên thế giới. Những nước có thể phải đối mặt với vụ kiện tôm ở Mỹ trước hết là: Brazil, Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.
Nếu phía Mỹ quyết định khởi kiện, thuỷ sản Việt Nam (ngành xuất khẩu lớn thứ ba sau dầu thô và dệt may) sẽ gặp khó khăn. "Chúng tôi vô cùng lo lắng", ông Trần Quang Chiêu - Giám đốc Công ty Thuỷ sản Cà Mau (Camimex - một trong những công ty xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam) nói. "Chúng tôi tuyệt đối không bán phá giá tôm, chúng tôi hoan nghênh cơ quan chức trách Mỹ tới Việt Nam xem xét thực tế. Tuy nhiên, chúng tôi e ngại vì sự bảo hộ của Mỹ". "Tôi không thể tưởng tượng về mức độ ảnh hưởng với ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm nếu Mỹ quyết định tăng thuế", bà Nguyễn Thị Tuyết - Ban Quản lý nghề cá Cà Mau cho hay.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhận định, ITC (Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ) và Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra phán quyết cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam gây thiệt hại cho người nuôi cá da trơn của Mỹ, có thể sẽ khuyến khích người sản xuất ở các ngành khác tại Hoa Kỳ. Đây mới thực sự là điều đáng quan tâm cho DN xuất khẩu.
Tôm được coi là sản phẩm xuất khẩu lớn nhất ngành thuỷ sản Việt Nam. Năm 2002, Mỹ đứng vị trí đầu bảng trong nhập khẩu tôm Việt Nam (đạt trị giá 467 triệu USD - chiếm 48% tổng lượng tôm xuất khẩu). Theo thống kê của Tổ chức Nông lương LHQ, quí I năm nay, Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan trong lĩnh vực xuất khẩu tôm sang Mỹ.
|