(VietNamNet) - Do một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý trông chờ giảm giá những mặt hàng tiêu dùng (cắt giảm thuế theo AFTA) nên sức mua có chững lại, khiến sản xuất của một số đơn vị bị ảnh hưởng. Theo Cục thống kê TP.HCM, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 chỉ tăng 0,43% so với tháng trước.
|
Sản xuất thực phẩm đang chững lại |
Trong 26 ngành sản xuất, chỉ có 9 ngành đạt mức tăng trên 20% như may trang phục, sản xuất vali túi xách, chế biến gỗ... Nếu tính giá trị sản xuất công nghiệp TW, tháng 7 năm nay đạt 2.457 tỷ đồng (giảm 0,79% so với tháng trước). Tuy đây là khu vực vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2002, nhưng đã xuất hiện dấu hiệu chững lại trong ngành sản xuất thực phẩm. Công ty sữa VN tuy đã ký được hợp đồng xuất khẩu sữa bột song lượng hàng xuất không ổn định. Ngành may đã hết quota xuất khẩu (đang xin tạm ứng quota năm sau nhưng cũng không đáp ứng đựoc nhu cầu sản xuất. Mặt hàng sắt thép hiện tồn kho cao...
Gía trị sản xuất công nghiệp nhà nước thành phố cũng giảm 0,84% so với cùng kỳ. Hầu hết các ngành có giá trị lớn của thành phố đạt mức tăng không cao (chưa đạt yêu cầu) như: sản xuất đồ uống, hoá chất, in và xuất bản... Trong 127 đơn vị đang hoạt động, có 57 đơn vị sản xuất giảm. Đặc biệt, một số công ty lớn cũng nằm trong danh sách này như: Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải, Công ty Cấp nước, Bột giặt Tico, Công ty Chế biến thực phẩm Cầu Tre...
Mức tăng sản xuất công nghiệp ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng 7 chỉ tăng 0,2%, có 9 ngành tăng trên 20% như chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm bằng kim loại, lắp ráp phương tiện giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng...
Hàng loạt mặt hàng như dầu thực vật, bánh kẹo, rau quả chế biến, nước khoáng, xi măng, thiết bị vệ sinh, giấy báo, giấy in, hoá mỹ phẩm, giày dép, quần áo... bắt đầu từ tháng 7 đều giảm thuế suất nhập khẩu từ 40-50% xuống còn 20%. |
|