Chưa đủ cơ sở khoa học cho "cánh đồng 50 triệu"?
16:36' 22/07/2003 (GMT+7)
Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức hội thảo về sơ sở khoa học cho cánh đồng 50 triệu.

Lẽ ra phong trào "cánh đồng 50 triệu đồng/năm" đã được Bộ NN-PTNT phát động vào tháng 6, nhưng đã chững lại do bị nhiều nhà khoa học phản biện là "lạc quan vô lý", "nguy cơ khủng hoảng thừa", "kết quả ảo"... khiến Bộ NN-PTNT phải nghiên cứu lại. Kết quả là nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra cơ sở khoa học thận trọng, ngược hẳn trước đó. Liệu phong trào này có thay đổi? 

Băn khoăn trên cũng chính là "cái khó" khiến Viện Kỹ thuật nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) hết sức lúng túng khi nghiên cứu. Câu hỏi đầu tiên: sao lại chọn "cánh đồng 50 triệu" làm đơn vị tính toán mà không chọn đơn vị diện tích thông thường, dễ hiểu, dễ tính toán, dễ triển khai (sào, mẫu, ha)? Cánh đồng sẽ rộng bao nhiêu, bao nhiêu người hưởng lợi?

Thái Bình - tỉnh khởi phát phong trào ''cánh đồng 50 triệu" - chủ trương xây dựng cánh đồng rộng 5-7ha; song, để có diện tích lớn như vậy, phải dồn ruộng của cả trăm hộ. Đối với hộ làm trang trại chỉ phải dồn diện tích của 2 hộ là đủ. Thái Bình treo giải thưởng cho xã xây dựng được ''cánh đồng 50 triệu'' là 50 triệu đồng. Song, ai cũng hiểu rằng, đơn vị đoạt giải sẽ là 2 hộ trang trại, vì họ có điều kiện sản xuất tốt hơn. Với tính toán như vậy, phong trào đã vô tình loại bỏ nông dân nghèo có diện tích đất hẹp ra khỏi cuộc chơi.

Đề án "cánh đồng 50 triệu" do Cục Khuyến nông Khuyến lâm soạn thảo dùng cách tính tổng thu. Theo các chuyên gia kinh tế, do ở nước ta, nhiều hộ đã có giá trị tổng thu 100-200 triệu đồng/ha/năm. Có người còn khẳng định, nếu làm giống, có nơi sẽ đạt 300 triệu đồng/ha (gấp 6 lần mục tiêu phong trào đề ra). Phát triển kinh tế là tăng giá trị thu nhập (tổng thu trừ chi phí) cho nông dân, chứ không nhằm vào tổng thu.

Kết quả khảo sát tại các tỉnh ĐBSH cho thấy, 1ha đất có thể cho cùng mức thu nhập, nhưng tổng thu, chi rất khác nhau. Với thực tế này, khi phát động phong trào "chú trọng số lượng", ắt nông dân sẽ bị kéo vào cuộc đua vô nghĩa: tăng tối đa đầu vào để sản xuất đạt mục tiêu. Khi đó, sản phẩm kém chất lượng gia tăng, giá trị sức lao động giảm là tất yếu.

Điều đáng lo hơn, theo PGS, TS. Đỗ Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nông nghiệp, đến nay, ở ĐBSH vẫn chưa có DNNN nào đưa ra tiêu thụ nông sản cho bà con, mà làm việc này hiện chỉ có DN nước ngoài như Vạn Đạt, Châu Á - Thái Bình Dương, Vạn Đắc Phúc (tại Thái Bình)... và các thương lái. Thương lái có vai trò tích cực, nhưng xã hội lại chưa gạt bỏ được những định kiến, dị nghị với họ. Do đó, đầu ra cho nông sản chưa bao giờ lại phải lo lắng như hiện nay.

Mông lung "hộ thu nhập 50 triệu"

Từ trước đến nay, thế giới chưa bao giờ lấy chỉ tiêu GDP/hộ, mà chỉ có GDP/người. Trường hợp hộ nông dân bình thường, để có thu nhập 50 triệu đồng/năm, có khi 20 năm nữa chưa chắc họ đã đạt được. ĐBSH hiện có mức thu nhập 13 triệu đồng/hộ/năm, phải đạt mức thu nhập tăng gấp 4 lần mới có thu nhập 50 triệu. Giải pháp khoa học nào để thu nhập tăng gấp 4 lần, khi mà đất quá chật, trình độ lao động chưa cao, tiến bộ KHKT chưa nhiều, đầu tư manh mún...?

Tính toán của các chuyên gia kinh tế cho thấy, nếu đặt mục tiêu thu nhập 30 triệu đồng/hộ/năm thì phải mất ít nhất 15 năm. Trường hợp có 1/3 số hộ đạt thu nhập 50 triệu đồng/năm thì GDP nông nghiệp của ĐBSH sẽ rất lớn (50 tỷ đồng) - con số không tưởng. Theo khảo sát của Viện Kỹ thuật nông nghiệp, hộ đạt 50 triệu thường làm nghề thủ công, công nghiệp vừa và nhỏ, dịch vụ buôn bán, trồng hoa cây cảnh, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản... và chủ nhân của những mô hình này không phải là nông dân thuần tuý.

Ngay tại cuộc tọa đàm về "cánh đồng 50 triệu" diễn ra tại Thái Bình, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đã chỉ rõ, các tiêu chí hộ tổng thu 50 triệu đồng/ha mà không chỉ rõ hộ bao nhiêu người, hộ nông nghiệp, hộ làm dịch vụ hay làng nghề, thuần nông? Như vậy, tiêu chí "hộ" đưa ra trong "hộ thu nhập 50 triệu" là không rõ ràng.

"Cánh đồng 50 triệu" đang được kiến nghị điều chỉnh ở các cấp độ khác nhau, thu nhập 50 triệu, 35 triệu, 25 triệu đồng/ha; hộ gia đình giàu phấn đấu thành tỷ phú, hộ khá thành hộ giàu và hộ nghèo thành hộ khá. Trước mắt, UBND xã, huyện "cầm đèn chạy trước ôtô" đang phát động phong trào với cơ sở khoa học chung chung, nông dân có phải chịu trận với kết quả ảo, dư thừa sản phẩm hay không đang là trăn trở lớn.

PGS, TS. Đỗ Kim Chung: Khảo sát của chúng tôi cho thấy, ĐBSH chỉ có 23% loại đất có thể đạt mức tổng thu cao: 1/ đất canh tác 4-5 vụ chuyên màu, đạt 50-55 triệu đồng; 2/ làm một vụ lúa 3 vụ màu, đạt 45-50 triệu đồng; 3/ chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản đạt 50 triệu đồng, làm mô hình VAC, đạt 60 triệu đồng. Hiện đã có 9/23% loại đất trên cho tổng thu từ 50 triệu đồng trở lên. Diện tích đất còn lại (77%) độ phì, màu mỡ thấp, phải chờ rất lâu nữa sản xuất mới đạt 50 triệu đồng/ha. Nếu giữ mức 50 triệu đồng/ha thì phong trào chỉ có người giàu đủ điều kiện tham gia, và sẽ không đạt kết quả. Do đó, nên chăng, đặt mục tiêu là thu nhập cao ở các mức khác nhau (50 triệu, 35 triệu... ) trên một diện tích cụ thể. Như thế thì dễ hiểu, mọi nông dân đều được tham gia "cuộc chơi".

PGS, TS. Nguyễn Sinh Cúc, Tổng cục Thống kê: Cả nước có 9,3 triệu ha đất nông nghiệp, nếu xây dựng được cánh đồng 50 triệu thì GDP ngành nông nghiệp vượt xa GDP cả nước, đây là điều phi lý. Hiện GDP nông nghiệp chiếm tỷ trọng 23% GDP cả nước, trong khi mục tiêu phấn đấu là giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Phát động phong trào có tính thúc đẩy sản xuất hướng vào số lượng sẽ đi ngược mục tiêu phát triển kinh tế. Nếu mục tiêu đơn thuần là tăng tổng thu, chúng ta sẽ phải "chịu trận" với nạn báo cáo láo, thành tích ảo, đẩy nông dân vào tình thế phải tăng đầu vào sản xuất bằng mọi giá để đạt mục tiêu phong trào.

(Theo Tiền Phong)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Anh thúc đẩy thương mại với Trung Quốc (22/07/2003)
Nhà nước sẽ không trả lại đất đã giao (22/07/2003)
Đông Nam Á đẩy mạnh chấn hưng du lịch hậu SARS (22/07/2003)
TP.HCM phấn đấu tăng trưởng đạt 11% trong năm nay (22/07/2003)
Hà Nội thêm 4 chợ đầu mối và 8 trung tâm thương mại (22/07/2003)
Giảm thuế nhập khẩu xăng dầu (22/07/2003)
Hội chợ xuất khẩu - tiêu dùng - du lịch Đà Nẵng khai mạc 25/7 (22/07/2003)
VASEP phản đối việc DOC tăng mức thuế vô lý (22/07/2003)
Hàng Việt Nam ''chậm chân'' vào thị trường Trung Quốc (22/07/2003)
Đưa hoa cảnh vào thị trường Trung Quốc (22/07/2003)
Chưa dùng được tiền xúc tiến thương mại (22/07/2003)
197,5 tỷ đồng tự động hoá lưới điện miền Trung (22/07/2003)
Bắt đầu lấy ý kiến dân chúng về Luật Đất đai từ ngày 1/8 (21/07/2003)
Hàng trăm DN dệt may chưa nộp bảng kê hàng xuất khẩu (21/07/2003)
Nhật thúc giục Anh gia nhập khu vực đồng EUR (21/07/2003)
Tro ve dau trang