Nhà nước sẽ không trả lại đất đã giao
21:30' 22/07/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực chiều qua (21/7) cũng đồng tình với quan điểm của Uỷ ban soạn thảo Luật Đất đai về quy định: Không trả lại đất đã giao khi thực hiện các chính sách đất đai qua các thời kỳ trước. Theo ông, nếu đặt ra vấn đề trả lại đất sẽ rất phức tạp và mất ổn định.

Không thay đổi khái niệm Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý.

Ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho rằng, việc giao đất qua các thời kỳ đã được thực hiện ở khắp các địa phương, cho nhiều đối tượng, theo các quy định khác nhau của mỗi thời kỳ. Người được Nhà nước giao đất trước đây đã sử dụng ổn định trong một thời gian dài, việc trả lại đất sẽ gây nên sự xáo trộn lớn, không đảm bảo điều kiện ổn định xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hiện, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, cũng cho rằng: ''Không nên trả lại đất đã giao trong quá trình hoàn thiện chính sách đã thực thi của Nhà nước vì sau năm 1945, Nhà nước ta đã ra hàng loạt sắc lệnh liên quan đến việc định đoạt về đất. Đây là chính sách đúng và tôi cho rằng người dân sẽ ủng hộ''.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc xem xét giải quyết đòi lại đất là xoá bỏ thành quả cách mạng, đất đã chia thì không đặt vấn đề xem xét giải quyết lại. Thậm chí có người đề nghị, cần quy định rõ việc nghiêm cấm đòi lại đất và chính quyền sẽ không giải quyết đơn khiếu nại đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác qua các thời kỳ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể để bảo vệ lợi ích chính đáng của người sử dụng đất, nhất là trường hợp những người tham gia kháng chiến để lại đất ở địa phương nay đã về hưu, cuộc sống khó khăn nhưng lại không được giao đất ở hoặc được giao nhưng phải nộp tiền sử dụng đất, không có đất sản xuất. 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực khẳng định: ''Không thể thay đổi khái niệm Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý vì Hiến pháp đã quy định điều này''.

UBTV Quốc hội đồng tình với việc không trả lại đất và nhất trí đưa quy định trên vào Dự thảo sẽ đem ra trưng cầu dân ý.

Toà án chưa đủ sức giải quyết khiếu kiện về đất đai

Rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề giải quyết tranh chấp khiếu nại về đất đai. Dự thảo lần này quy định, việc giải quyết khiếu nại chỉ tiến hành ở cấp địa phương, nếu đương sự không đồng ý thì chuyển sang TAND giải quyết. Cơ chế này khác quy định hiện hành là tòa chỉ thụ lý các vụ việc liên quan tới đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng; còn tranh chấp khác đều do UBND các cấp giải quyết theo thủ tục hành chính.

Theo ban soạn thảo, việc Dự luật quy định cho TAND giải quyết các tranh chấp đất đai sẽ tránh được tình trạng khiếu nại đất đai kéo dài, vượt cấp. Nhưng Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Hiện lại cho rằng, cần cân nhắc trước khi quyết định dồn trách nhiệm xử lý tranh chấp đất đai cho tòa án.

Ông Hiện mong UBTV Quốc hội xem xét lại vấn đề vì nếu quy định như dự thảo thì: ''TAND chưa đủ thời gian và sức lực để giải quyết hết các khiếu kiện về đất đai. Nếu Luật này được thông qua cuối năm nay và thực thi luôn mà không có lộ trình cho ngành toà án thì chúng tôi không làm được''. Ông nêu ra con số 1.116 thẩm phán đang thiếu trong toàn ngành trong khi thừa không ít người không có trình độ.

''Mỗi năm số vụ kiện về đất đai là hơn 50.000 vụ. Con số thẩm phán để giải quyết từng đó vụ việc chỉ riêng ở cấp sơ thẩm đã là 1-2.000 người. Với số lượng thẩm phán hiện nay, chúng tôi đã rất vất vả để giải quyết hết công việc bình thường'', ông nói.

Một vấn đề nữa là ngành này đang quá thiếu người có chuyên môn về giải quyết tranh chấp nhà đất. Nếu lấy nhân lực bên phòng và sở nhà đất sang làm thẩm phán thì ít nhất cũng phải sau 4 năm mới bổ nhiệm được (tiêu chuẩn đối với thẩm phán là phải có 4 năm công tác trong ngành). Ông Hiện cho rằng ''Tính khả thi của quy định mới cần được xem xét lại và nhất định phải có lộ trình''.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cũng không tán đồng với hướng sửa đổi này.

  • Hồng Phúc

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đông Nam Á đẩy mạnh chấn hưng du lịch hậu SARS (22/07/2003)
TP.HCM phấn đấu tăng trưởng đạt 11% trong năm nay (22/07/2003)
Hà Nội thêm 4 chợ đầu mối và 8 trung tâm thương mại (22/07/2003)
Giảm thuế nhập khẩu xăng dầu (22/07/2003)
Hội chợ xuất khẩu - tiêu dùng - du lịch Đà Nẵng khai mạc 25/7 (22/07/2003)
VASEP phản đối việc DOC tăng mức thuế vô lý (22/07/2003)
Hàng Việt Nam ''chậm chân'' vào thị trường Trung Quốc (22/07/2003)
Đưa hoa cảnh vào thị trường Trung Quốc (22/07/2003)
Chưa dùng được tiền xúc tiến thương mại (22/07/2003)
197,5 tỷ đồng tự động hoá lưới điện miền Trung (22/07/2003)
Bắt đầu lấy ý kiến dân chúng về Luật Đất đai từ ngày 1/8 (21/07/2003)
Hàng trăm DN dệt may chưa nộp bảng kê hàng xuất khẩu (21/07/2003)
Nhật thúc giục Anh gia nhập khu vực đồng EUR (21/07/2003)
Kem Thái, pizza Thái "nhòm" thị trường Việt (21/07/2003)
Các chuyến bay của British Airways tiếp tục bị hoãn lại (21/07/2003)
Tro ve dau trang