Bao tiêu sản phẩm thuỷ sản khó khả thi
11:38' 16/07/2003 (GMT+7)
Do đặc thù của ngành, việc thực hiện bao tiêu sản phẩm thuỷ sản xem ra khó khả thi.

(VietNamNet) - Ngay khi Chính phủ Quyết định 80 về liên kết bốn nhà trong việc bao tiêu nông sản, Bộ Thuỷ sản đã yêu cầu, 6 tháng một lần, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản phải gửi báo cáo tình hình thực hiện quyết định này. Song, đến thới điểm này, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, đơn vị đầu mối của Bộ, vẫn chưa nhận được báo cáo nào. Một chuyên gia của Vụ thừa nhận, nếu không thực hiện, thì DN lấy đâu ra con số, dữ liệu để báo cáo?

Một trong những DN thuỷ sản lớn ở ĐBSCL, Công ty Chế biến thuỷ sản và XNK Cà Mau (CAMIMEX), sản xuất mặt hàng chính là tôm đông lạnh các loại. Những năm gần đây, CAMIMEX luôn đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm. Giám đốc công ty, ông Nguyễn Tín Ngưỡng, cũng có tên trong danh sách ban chấp hành Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP). Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Tín Ngưỡng cho biết, công ty ông không thể ký hợp đồng bao tiêu với người nông dân được; và Quyết định 80 trong ngành thủy sản rõ ràng là rất khó thực hiện.

Ông Ngưỡng lý giải, khác với các câu lạc bộ 20/30 tấn cá tra, basa của Agifish hay Afiex, nơi mà DN nắm được số bè cá, số cá đã thả và sản lượng thu hoạch dự kiến, thì đối với người nuôi tôm, thật khó có thể xác định được nuôi bao nhiêu, cho sản lượng thế nào, vì nuôi tôm thường có độ rủi ro lớn do bệnh tật, thiên tai. Ruộng tôm lại cách xa nhà máy, phân bố rải rác, đội ngũ kinh doanh của công ty không thể tới được từng hộ chỉ để mua 10-20kg. "Nếu nhà máy cần mua một lúc 10 tấn tôm nguyên liệu, mà các hộ lại ở quá xa nhau, chúng tôi biết làm sao nếu không mua qua thương lái?", ông Ngưỡng nói.

Trong khi sản xuất nông nghiệp thường theo mùa vụ, khoảng 3-6 tháng/vụ, thì trên thực tế, việc đi biển dài ngày đã khiến DN khó tiếp cận được với ngư dân. Thêm vào đó, lượng tôm, cá nguyên liệu đánh bắt được khác nhau (ngày có ngày không, khi ít lúc nhiều), việc vận chuyển, bảo quản cũng phức tạp. Đó là chưa kể, giá nông sản luôn biến động bất ngờ khiến cả hai bên luôn phải thay đổi giá theo thị trường. Người dân cứ thấy giá cao, có lời thì bán, các nhà máy thật không dễ trong việc kiểm soát, dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.

Mặc dù sản lượng nguyên liệu thuỷ sản, gồm cả nuôi trồng và khai thác, tăng 79,3%, tăng từ 1,35 lên 2,41 triệu tấn/năm, song, cũng chỉ bằng 20% so với tốc độ tăng công suất thiết bị cấp đông. 

Đến nay, khả năng cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thuỷ sản đã mất cân đối trầm trọng. Kể từ năm 2002, tỷ trọng khai thác thiết bị của các DN chế biến thuỷ sản chỉ đạt bình quân 30-60% công suất tuỳ theo khu vực và quy mô của mỗi DN, tức là đã dư thừa 40-70% công suất.

Theo ông Ngưỡng, chủ trương gắn nhà máy với vùng nguyên liệu là rất tốt, nhưng trong điều kiện thiếu nguyên liệu thuỷ sản như hiện nay, thì kể cả có ký kết hợp đồng bao tiêu, cũng không đủ sản phẩm cho nhà máy chế biến. Thậm chí, đã có đơn vị phải ngưng hoạt động, như XN Đông lạnh Thủy sản Nhà Bè, TP.HCM.

Bà Lê Thị Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Công ty XNK Thuỷ sản 2 Quảng Ninh, cho biết, ngay trong tháng mùa vụ chính cũng chỉ có khoảng 15 ngày nhà máy hoạt động hết công suất. Dù không ít nhà máy nhập nguyên liệu từ nước ngoài để chế biến, nhưng cũng chỉ giảm bớt phần nào áp lực thiếu hụt nguyên liệu trước tốc độ nâng cấp, mở rộng công suất chế biến của nhiều nhà máy, trong nhiều năm qua.

Rõ ràng, chuyện nguyên liệu thuỷ sản cho chế biến đang là vấn đề làm đau đầu các DN. Do vậy, kể cả khi không thực hiện hợp đồng bao tiêu với nông dân, ông Nguyễn Tín Ngưỡng cho rằng, nguyên liệu trong nước cũng không đủ cho các nhà máy. Ông Ngưỡng cũng thừa nhận, ngay trong Hiệp hội VASEP, hầu như không có DN ký kết được hợp đồng với nông dân.

Ông Lại Thế Hùng, chuyên viên Vụ Kế hoạch Đầu tư Bộ Thủy sản, nhận xét, các nhà máy chế biến thuỷ sản hiện chủ yếu thu mua sản phẩm thông qua các thương lái/nậu vựa. Hệ thống đại lý trung gian này còn chủ động ứng vốn trước cho bà con. Tuy nhiên, họ thường cho bà con vay với lãi suất cao, mua sản phẩm với giá rẻ, và đòi lại ngay khi thu hoạch. Trong trường hợp này, chỉ ngư dân là thiệt. Ông Hùng nhấn mạnh, đó là chưa kể, theo sự phản hồi từ các địa phương, có những điều, mục trong mẫu hợp đồng ký kết gửi xuống chỉ phù hợp với một một vài địa phương, hoặc chưa thật phù hợp. Cụ thể như về cơ chế ứng trước vốn, vật tư, kỹ thuật...

Tuy nhiên, không phải không có trường hợp ngoại lệ. Nông trường Sông Hậu là một ví dụ. Không chỉ ký kết được nhiều hợp đồng bao tiêu nông sản, nông trường đã bước đầu thực hiện được việc bao tiêu sản phẩm thuỷ sản. Trước đó, khi trao đổi qua điện thoại với VietNamNet, bà Trần Ngọc Sương, Giám đốc nông trường, cho biết, việc ký hợp đồng bao tiêu nông sản nông trường triển khai tốt hơn, vì đất đai thuộc về nông trường, có thể kiểm soát được; trong khi đó, cái khó là con cá, con tôm, ghẹ... chỉ được thả nuôi theo thời vụ, ở những vùng xa xôi, làm sao quản lý?

Trong cái khó ló cái khôn. Nông trường đã thu mua nguyên liệu qua các thương lái. Chính qua đội ngũ này, Sông Hậu đã chọn các địa phương có KHKT, có vốn để mạnh dạn ký hợp đồng bao tiêu. Trích một khoản phần trăm nhất định cho thương lái, nông trường khoán trắng cho họ và yên tâm có vùng nguyên liệu. Thương lái sẽ thu mua, vận chuyển sản phẩm về nông trường, thay nông trường đầu tư phân bón, thuốc, giống... cho bà con. Đây có thể xem là cách làm mới, sáng tạo, chứng tỏ chuyện bao tiêu sản phẩm thuỷ sản là không thể không thực hiện được, mặc dù trước đó, chính bà Sương cũng khẳng định là việc thực hiện Quyết định 80 trong bao tiêu sản phẩm thuỷ sản là "ngoài tầm tay" của nông trường.

  • Hà Yên
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh (16/07/2003)
Trùm dầu lửa Nga biển thủ công quỹ và trốn thuế? (16/07/2003)
Trái cây đặc sản mùa nóng ''hạ nhiệt'' (16/07/2003)
Yan Can Cook quảng bá cho du lịch Việt Nam (15/07/2003)
Sức ép giảm thu, tăng thu (15/07/2003)
Ngân hàng nước ngoài đầu tiên thực hiện nghiệp vụ Option (15/07/2003)
WB sẽ cho Việt Nam vay thêm 700 triệu USD (15/07/2003)
DN cần có kế hoạch dự trữ gạo cho 6 tháng cuối năm (15/07/2003)
Yahoo sẽ mua lại Overtue với giá 1,6 tỷ USD (15/07/2003)
Xuất khẩu hàng Việt Nam sang Campuchia tăng vọt (15/07/2003)
Giữ nguyên thuế suất ưu đãi nhập khẩu xăng dầu (15/07/2003)
Cho vay bằng USD tăng cao (15/07/2003)
Sản lượng tiêu Việt Nam năm nay sẽ thấp hơn dự kiến (15/07/2003)
Du khách đến Phong Nha - Kẻ Bàng tăng đột biến (15/07/2003)
Tiềm năng lớn, chủ trương có, nhưng kết quả thấp (15/07/2003)
Tro ve dau trang